Bạn đọc viết
"Nếu Bí thư Tỉnh đã kiên quyết thì ai dám trái ý?"
Học tập người xưa, nên áp dụng Luật Hồi tỵ để ngăn chặn việc bổ nhiệm người nhà, người thân làm lãnh đạo tại địa phương hoặc ngành mình công tác.
Đó là ý kiến của bà Phạm Chi Lan, nguyên Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về những thông tin Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang Triệu Tài Vinh và 8 người thân làm quan chức ở tỉnh này.
Tuy đây không phải là lần đầu tiên chuyện cả họ làm quan được phát hiện nhưng thực sự với những gì đã và đang diễn ra ở Hà Giang khiến dư luận bức xúc
Dù ông Triệu Tài Vinh đã lên tiếng rằng ông từng phản đối việc bổ nhiệm người nhà; dù người thân của ông là những quan chức đương nhiệm ở Hà Giang cũng đã trần tình với báo chí, nhưng quả thực để trấn an được dư luận chẳng dễ dàng gì.
Bà Phạm Chi Lan khẳng định: "Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang thực sự không muốn những người thân của mình được bổ nhiệm thì đã dứt khoát không chấp nhận… Trong việc này, nếu Bí thư Tỉnh đã kiên quyết thì có ai dám trái ý?".[1]
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng cho rằng, "Nếu ông Bí thư đã muốn gạt ra thì ông phải quyết liệt từ đầu, nghĩ vậy thì phải làm vậy. Nhiều khi, cán bộ cấp dưới cũng muốn nịnh bợ cấp trên, cho nên người lãnh đạo phải tỉnh táo và quyết liệt, công tâm và sáng suốt".[2]
Theo tướng Thước, những người ruột thịt, họ hàng Bí thư Triệu Tài Vinh mà giỏi thực sự thì nên thi thố, vươn lên ở địa phương khác, chứ nếu được bổ nhiệm ở nơi người thân mình làm lãnh đạo tỉnh thì không nên, người dân cũng không phục.
Bà Phạm Chi Lan cũng đồng ý kiến: Nếu có tài thì người ta đã có thể xông pha đi làm việc ở chỗ khác được. Đất nước rộng lớn chứ đâu chỉ có tỉnh Hà Giang mà cứ phải bám vào đó?
Trước phản ứng của dư luận, ông Triệu Tài Vinh đã nói những gì? Có thể tóm tắt trần tình của ông trên các báo: Ông Vinh xác nhận cả 8 người trên đều là người thân của mình. Gia đình và cá nhân ông không phải người ham chức vụ, quyền lực. Ông đã từng phản đối việc bổ nhiệm vợ và em trai mình. Ông không cảm thấy vui khi nhiều người trong gia đình được bổ nhiệm làm lãnh đạo. Tuy nhiên ông cũng cho rằng: Việc bổ nhiệm họ là đúng quy trình, không có khuất tất. Tất cả những người này đều nằm trong quy hoạch cán bộ, khi đưa ra bàn để bố trí nhiệm vụ thì do Ban thường vụ Tỉnh uỷ quyết định, cá nhân ông chỉ là một ý kiến. Ông Vinh khẳng định: Nếu mọi người lên Hà Giang sẽ biết năng lực của các cán bộ được bổ nhiệm như thế nào.[3]
Còn bà Triệu Thị Tình, quyền Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang và ông Triệu Là Pham, Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Hà Giang thì khẳng định, con đường thăng tiến của họ là cả một quá trình phấn đấu gian khổ, không liên quan gì đến BT tỉnh ủy. Tuy nhiên bà Tình và ông Vinh có quan hệ cháu chú cháu bác với nhau; ông Pham là họ hàng thân thích.[4]
Về chuyện thăng tiến của mình trước đây, ông Vinh giãi bày: “Năm 1999 tỉnh Hà Giang có lấy phiếu tín nhiệm để tôi làm lãnh đạo một huyện. Tôi gặp lãnh đạo tỉnh và nói tôi không thể làm được đâu, cho tôi làm phó văn phòng UBND huyện là được rồi, chứ không thể làm Phó chủ tịch huyện được. Nhưng sau đó, tôi vẫn được bầu làm Phó chủ tịch UBND huyện từ năm 1999 đến năm 2004".[5] Thời điểm đó, ông Triệu Đức Thanh, bố ông Vinh đang là một trong hai lãnh đạo cao nhất của tỉnh.
Những thông tin như thế cũng đủ để dư luận hiểu, vì sao cá nhân Bí thư Vinh và người nhà ông lại có thể dễ dàng thăng tiến như thế ở địa phương. Tình trạng này không chỉ riêng ở Hà Giang mà đã và đang phổ biến ở nhiều địa phương, ở một số bộ, ban, ngành đến mức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phải lên tiếng "chọn người tài chứ không phải chọn người nhà". Tuy thế vấn nạn này vẫn cứ tiếp diễn và khi bị đưa ra trước công luận người ta vẫn cứ khăng khăng là "đúng quy trình"
Để chấn chỉnh vấn nạn cả họ làm quan đang khiến dư luận mất niềm tin, người viết bài này mạo muội đề nghị:
1. Nhà nước nên mở một cuộc tổng điều tra từ trung ương đến cơ sở (cấp phường, xã) về công tác tổ chức cán bộ hiện nay để đánh giá chính xác thực trạng "cả họ làm quan".
2. Điều chuyển những người thuộc diện "cả họ làm quan" sang địa phương khác, thử thách chức vụ tương đương trong một thời gian nhất định, nếu không đủ năng lực thì cho thôi chức, trở về công việc chuyên môn ban đầu. Những ai không chấp nhận thuyên chuyển thì cho thôi chức, trở về công việc chuyên môn được đào tạo.
3. Xử lí những cá nhân lạm dụng chức quyền nhằm mưu lợi cá nhân, gia đình, dòng họ, nhóm lợi ích thông qua việc bổ nhiệm cán bộ.
4. Học tập người xưa, nên áp dụng Luật Hồi tỵ để ngăn chặn việc bổ nhiệm người nhà, người thân làm lãnh đạo tại địa phương hoặc ngành mình công tác.
Nguyễn Duy Xuân