Nên xúc tiến những giải pháp cơ bản chống ùn tắc giao thông

(Dân trí) - Thời gian vừa qua, Hà Nội đã dùng nhiều biện pháp chống ùn tắc giao thông như: phân làn đường, biến ngã tư thành ngã ba, làm cầu vượt, trả lại vỉa hè cho người đi bộ, hạn chế chế xe ôtô, xe máy, đổi giờ làm giờ học, tuy nhiên hiệu quả chưa cao.

 
 Nên xúc tiến những giải pháp cơ bản chống ùn tắc giao thông - 1

Tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm (nguồn ảnh Internet)
 
 Theo tôi, hiện tượng ùn tắc giao thông trong nội thành cũng như một căn bệnh kinh niên trong cơ thể, nếu không tìm đúng căn nguyên gây bệnh thì mọi biện pháp điều trị chỉ là chữa triệu chứng bên ngoài mà thôi. Mọi biện pháp như vậy  chỉ có tác dụng làm giảm bớt một phần biểu hiện bệnh, và đến một lúc nào đó bệnh sẽ trở lại như cũ, thậm chí còn nặng hơn.
 Nội đô ví như một cái hộp, những người sống, làm việc, kinh doanh, buôn bán trong thành phố giống như nhiều đàn kiến bò trong hộp. Nếu muốn hộp thông thoáng, rộng rãi thì đừng nghĩ cách sắp xếp những con kiến theo đội hình nào, con nào được đi con nào không, con nào được đi vào giờ nào hay chúng phải cõng nhau để bớt diện tích… chúng ta phải nghĩ cách để một số lượng kiến phải ra khỏi hộp, càng sớm càng tốt.
 

Tất cả mọi biện pháp đã được đưa ra  chỉ là tạm thời, không lâu dài, nếu biện pháp nào có hiệu quả cũng chỉ được một thời gian nhất định rồi sẽ bị vô hiệu hóa vì không giải quyết được căn nguyên, chưa kể đến những hệ lụy

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

kèm theo.

Tại sao lại phải biến ngã tư thành ngã ba để cho mọi người phải đi vòng vèo, tốn xăng, đường thêm nhiều hàng rào gây mất mỹ quan thành phố. Tại sao phải bằng mọi cách mở rộng đường trong khi tiền đền bù nhiều hơn tiền làm đường. Tại sao phải cấm bán hàng rong, cấm bán hàng trên vỉa hè trong khi đó là những nét văn hóa đặc trưng của thủ đô. Nếu số lượng xe ít thì đâu cần trông xe dưới lòng đường. Tại sao lại bắt tôi phải có hai xe máy biển chẵn lẻ khác nhau để có thể đi vào mọi ngày trong tuần. Giá xe máy, giá ôtô và tiền thuế trước bạ thì rất cao mà lại chỉ cho sử dụng ở một số tuyến đường nhất định, một số giờ nhất định. Đổi giờ làm thì đưa đón con cái, cơm nước cho gia đình như thế nào? Chúng ta cứ nghĩ biện pháp điều trị cái ngọn, cái triệu chứng của bệnh mà lại ít quan tâm đến cái gốc. Để giải quyết tình trạng ùn tắc thì đừng cho là hạn chế phương tiện nọ kia sẽ giải quyết được mà phải nghĩ đến hạn chế chính chủ thể tham gia giao thông, đó là con người. Nếu ai đã đi trên đường phố Hà Nội những ngày nghỉ Tết vừa qua thì thấy thông thoáng làm sao, đường phố sạch sẽ, vắng vẻ, mọi người đi lại từ tốn, không luồn lách và chắc chắn đều nghĩ rằng nếu số lượng người tham gia giao thông như thế này thì cần gì thực hiện những biện  pháp “chữa ngọn”  tốn công sức và tiền của. Theo tôi để hết ùn tắc giao thông thì các biện pháp đề ra nên xoay quay vấn đề giảm số lượng người sống trong nội thành. 
 
 Chính phủ và lãnh đạo Thủ đô Hà Nội cũng đã nghĩ đến điều này và cũng có một vài giải pháp kiểu như là đưa các trường đại học ra khỏi nội thành. Những giải pháp theo hướng như vậy rất đúng, hợp lý và cần tập trung thực hiện. Nhưng rất đáng tiếc là đang cho xây dựng những khu kí túc xá sinh viên rất lớn ở ngay khu chung cư Mỹ Đình II có nghĩa là vẫn duy trì lực lượng sinh viên ở ngay trong nội đô. Mà không biết đến bao giờ Đại học Quốc gia mới dời lên Hòa Lạc. Chủ trương này có từ thời GS.VS Nguyễn Văn Đạo làm Giám đốc ĐHQG, đã qua mấy đời Giám đốc, vậy mà chủ trương đúng đắn đó vẫn dậm chân tại chỗ!
 
 Theo tôi suy nghĩ, cần kiên quyết thực hiện các biện pháp cơ bản để giảm bớt số người sinh hoạt, làm việc và học tập trong nội đô như đưa các trường Đại học, Cao đẳng, các Bệnh viện trung ương, các nhà máy, các cơ quan hành chính ra các vùng ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận. Cần tập trung thực hiện khẩn trương nhưng theo lộ trình hợp lý:
 
- Trước hết là đưa các trường Đại học, Cao đẳng ra khỏi trung tâm thành phố Hà nội. Như vậy sẽ kéo theo hàng chục ngàn sinh viên ra khỏi nội đô (phần lớn là từ các tỉnh về học nên sẽ giảm cho các gia đình về gánh nặng chi phí ăn ở sinh hoạt của con em mình). Khu vực các trường đại học mới sẽ có điều kiện phát triển thương mại do có một lượng nhu cầu lớn về chỗ ở, lương thực, đồ tiêu dùng đồng thời giảm nhu cầu trong nội đô. Lượng người ngoại thành hàng ngày mang lương thực thực phẩm, bán hàng rong trong nội thành sẽ giảm bớt, họ sẽ cung cấp cho chính địa phương mình khi nhu cầu tăng cao.
 
- Tiếp theo là đưa các Bệnh viện trung ương ra ngoại thành chỉ để lại những Bệnh viện quận huyện, bệnh viện khu vực (phục vụ trực tiếp cho nhân dân sở tại). Bệnh viện trung ương luôn quá tải do lượng bệnh nhân từ các địa phương đổ về. Đưa ra ngoại thành vừa có điều kiện mở rộng cơ ngơi bệnh viện, thêm phòng bệnh điều trị đồng thời người bệnh và người nhà bệnh nhân không vào nội thành.
 
- Đưa các cơ quan bộ ngành, cơ quan hành chính công thuộc cấp nhà nước ra ngoại thành chỉ để lại cơ quan của cấp thành phố (cấp cơ quan trực tiếp phục vụ cho nhân dân sở tại). Như vậy sẽ kéo theo một lượng cán bộ viên chức đi ra ngoại thành làm việc, giảm áp lực giao thông trong nội thành. Đưa các nhà máy ra khỏi nội thành vừa giảm được người vừa tránh làm ô nhiễm môi trường.
 
Để thực hiện được điều này cần sự quyết tâm của Chính phủ và lãnh đạo Thủ đô Hà Nội, phải xây dựng thật nhanh chóng cơ sở hạ tầng, cũng như phương án di dời cho các trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính. Cần tập trung mọi nguồn lực, nhất là ngân sách để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở hạ tầng. Vốn có thể từ ngân sách, có thể chậm giải ngân cho các công trình có thể trì hoãn khác. Các trụ sở trường học, bệnh viện, cơ quan hành chính cũ trong nội thành được chuyển giao mục đích sử dụng làm khu vực kinh doanh thương mại, khách sạn, nhà hàng, cho các công ty nước ngoài thuê để thu về ngân sách xây dựng. Dừng toàn bộ các dự án về giao thông trong nội thành để lấy kinh phí, đồng thời tính toán lại mức độ cần thiết của dự án khi lưu lượng người tham gia giao thông đã giảm.
 
 Chính phủ và các bộ ngành có liên quan trực tiếp như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ … hãy cùng nhau giải quyết đồng thời cũng gương mẫu  đưa chính cơ quan cấp bộ của mình ra ngoại thành. Khi có một chính sách mới được đề ra thì bao giờ cũng sẽ có một bộ phận người dân bị ảnh hưởng trực tiếp, tuy nhiên cần phân biệt biện pháp nào chỉ có hiệu lực tạm thời và biện pháp nào có thể giải quyết triệt để vấn đề. Nếu là giải pháp triệt để thì có khó khăn mấy cũng phải thực hiện.
 

Khi thực hiện được những vấn đề này thì trung tâm Hà Nội sẽ luôn luôn đường thông, hè thoáng như những ngày tết. Các khu vực ngoại thành sẽ được đầu tư phát triển. Trong nội đô sẽ chỉ có các cơ quan đầu não của chính phủ, các cơ quan ban ngành của thành phố Hà Nội, các trung tâm thương mại, dịch vụ mua bán lớn của nhà nước và quốc tế. Trụ sở hành chính của các bộ ngành, các trường đại học, các bệnh viện cấp trung ương, nhà máy sẽ nằm ở ngoại thành. Những người sống trong nội thành sẽ chuyển bớt ra ngoại thành, hoặc hàng ngày sẽ đi ra ngoại thành làm việc (trước đây thì người sống ở ngoài thành hàng ngày phải đi vào nội thành gây nên mật độ giao thông đông đúc).

Làm được những điều này thì khu vực ngoại thành sẽ được phát triển ngang với nội thành, Hà Nội vẫn là trung tâm văn hóa, chính trị kinh tế lớn, là trái tim của cả nước.

 

TS. Nguyễn Quang Đức

 

LTS Dân trí -  Chữa bệnh nhiều khi vẫn phải chữa cả gốc lẫn ngọn. Nếu mắc bệnh nhiễm trùng thì phải dùng kháng sinh nhưng khi còn sốt cao thì vẫn phải dùng thuốc hạ sốt. Nhưng điều đáng nói ở đây là việc chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội lại tập trung vào các biện pháp “chữa ngọn” trong khi chưa quan tâm đúng mức việc triển khai những giải pháp cơ bản để giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng trở nên trầm trọng.

     Thật ra những biện pháp cơ bản đó đã được đề xuất từ lâu, thậm chí từ thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã có phương án đưa các trường đại học lên khu vực Xuân Hòa (Phúc Yên) nhưng không hiểu vì sao đang triển khai dở dang thì dừng lại. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cũng như lãnh đạo thành phố Hà Nội nên cân nhắc lại những phương án trước đây, nếu thấy đúng thì nên kiên quyết đẩy mạnh thực hiện để giải quyết từ gốc nạn ùn tắc giao thông.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm