Nên giãn, hoãn các khoản nợ cho doanh nghiệp
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ trở nên khó khăn hơn
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mục tiêu đạt 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 sẽ trở nên khó khăn hơn. Điều đó đang đặt ra vấn đề cơ chế, chính sách để giúp doanh nghiệp ổn định phát triển sản xuất trong thời điểm này.
Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, không nên giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng mà nên giãn, hoãn, các khoản nợ cho doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh doanh nghiệp gặp khó khăn hiện nay, có ý kiến cho rằng các ngân hàng thương mại nên giảm lãi suất cho vay. Quan điểm của ông như thế nào?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Giảm lãi suất là vấn đề quan trọng trong việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nhưng cá nhân tôi cho rằng không nên giảm lãi suất cho vay mà nên giãn, hoãn các khoản nợ của một số doanh nghiệp gặp khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đồng thời cho một số doanh nghiệp khó khăn chưa trả được nợ vay nợ tiếp với điều kiện đơn giản hơn so với trước đây để từ đó họ có thể phục hồi sản xuất. Bởi nếu ưu tiên cho cả nền kinh tế sẽ khó khăn, cho nên không nên và không cần nới lỏng chính sách tiền tệ, hay nói cách khác là hạ thấp lãi suất cho vay một cách đột ngột. Chỉ ưu đãi cho một số ngành gặp khó khăn quá lớn bằng cách giãn hoặc hoãn nợ, có thể cho vay thêm với điều kiện tương đối ưu đãi so với trước đây. Vì giảm lãi suất cả nền kinh tế, đồng nghĩa với việc nới lỏng tiền tệ, lượng tiền bơm ra phải nhiều thì lãi suất mới hạ được. Nếu lượng tiền bơm ra nhiều lên sẽ trực tiếp tác động xấu tới nền kinh tế, trước hết là lạm phát, lạm phát sẽ tăng lên.
Thứ hai, khi bơm tiền ra thị trường dẫn đến hàng loạt các mối quan hệ thay đổi, đặc biệt vấn đề liên quan đến vay nợ, các điều khoản, điều kiện về quản lý nợ có thể bị xem lỏng. Do hạ lãi suất, các doanh nghiệp sẽ tăng cường vay nhiều hơn, các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh nhau trong cho vay, tìm doanh nghiệp có khả năng sản xuất tốt để cho vay. Từ đó cạnh tranh tìm người cho vay sẽ khiến quản lý về chất lượng cho vay của các ngân hàng giảm đi. Như vậy nguy cơ nợ xấu ngân hàng sẽ tăng lên, phức tạp, làm cho nền kinh tế có thể chệch hướng, chậm lại trong thời gian dài do lạm phát, nợ xấu trong nền kinh tế có thể tăng cao. Chỉ vài ba tháng nợ xấu sẽ tăng ngay vì thế chúng ta nới lỏng chính sách tiền tệ, hạ thấp lãi suất là không nên.
PV: Vậy chúng ta cần có cơ chế, chính sách nào để hỗ trợ cho doanh nghiệp?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng, chính sách kinh tế cần có ưu tiên. Đó là xem ngành nào bị ảnh hưởng lớn của khủng hoảng như du lịch, có thể xem xét giãn, hoãn thời gian trả nợ để những doanh nghiệp chấn chỉnh, sửa sang, tạo điều kiện kích hoạt lại các hoạt động du lịch. Sau khi dịch chấm dứt cũng cần xem xét cho họ vay với điều kiện đơn giản, dễ dàng hơn là cái cần lưu tâm để từ đó họ có sự chuẩn bị sẵn sàng, mở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh sau thời điểm dịch đã được khống chế. Ví như chính sách thuế có thể xem xét, gia hạn, hoãn, hoặc miễn các loại thuế liên quan đến hoạt động phòng chống dịch, doanh thu của một số loại hình doanh nghiệp bị sụt giảm do dịch một cách hợp lý như chi phí tính vào giá thành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Từ đó đảm bảo chi phí hợp lý cho doanh nghiệp để giảm mức thuế là cái cần làm.
PV: Thủ tướng đã từng đề cập phải biến “nguy” thành “cơ”. Trong bối cảnh này, theo ông chúng ta có dư địa nào để tin tưởng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển, và đạt 1 triệu doanh nghiệp trong năm 2020?
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Dịch bệnh Covid-19 tác động không nhỏ tới nền kinh tế đặc biệt một số ngành như du lịch, dịch vụ, bán lẻ, vận tải, ngành sản xuất thiếu nguồn hàng. Thế nhưng doanh nghiệp của ta đang tìm cách thích ứng với các điều kiện này tương đối tốt. Chúng ta vừa được Liên minh châu Âu (EU) phê duyệt Hiệp định EVFTA là cơ sở để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU khi họ gần như giảm 100% thuế cho chúng ta. Thêm nữa, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ năm ngoái và hiện các doanh nghiệp của ta có hướng tìm hiểu, và cơ hội đang được đẩy mạnh lên. Khi các Hiệp định có hiệu lực, các doanh nghiệp đã có sự thăm dò, có sự tìm hiểu trong thời gian trước đây sẽ thích ứng nhanh hơn, và triển khai việc xuất nhập khẩu với các quốc gia trong phạm vi hai Hiệp định này tốt hơn. Từ đó, sẽ khắc phục được những điểm yếu trong thời gian đầu năm, và chuyển hướng nền sản xuất sang hướng mong muốn là có thể nhập khẩu được các hàng hóa chất lượng cao từ các nước trong CPTPP, cũng như Liên minh EU. Vì các Hiệp định này yêu cầu các hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ trong CPTPP hoặc từ các nước trong Hiệp định Liên minh EU, do đó buộc doanh nghiệp của ta tìm nguyên vật liệu đầu vào của các nước này rồi. Bây giờ bắt buộc họ phải đẩy mạnh hơn nguồn nguyên vật liệu, là cơ hội để ta xuất khẩu tốt hơn. Hy vọng trong năm 2020 cũng có thể hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế như Quốc hội đã đề ra.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Theo Vy Thảo - H.Vũ
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam