Nên bỏ kỳ thi THPT, đại học tự chủ tuyển sinh

Đã có nhiều ký kiến đề xuất nên bỏ kỳ thi THPT quốc gia nhưng Bộ GDĐT không quyết. Nay, với vụ gian lận thi cử ở Hà Giang thì nên bỏ sớm kỳ thi này. Bỏ vì những lý do sau:


Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại TPHCM. Ảnh: Cường Ngô

Thí sinh tham gia kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại TPHCM. Ảnh: Cường Ngô

Bằng tốt nghiệp THPT không còn mấy ý nghĩa với xã hội hiện nay, người tốt nghiệp không phải là cậu Tú, cô Tú như xưa mà chỉ hoàn thành chương trình phổ thông, biết đọc biết viết và có được chút ít kiến thức căn bản. Ngay cả bằng đại học cũng có khi chưa phải là ưu thế cạnh tranh xin việc làm, cho nên bằng phổ thông chỉ có giá trị để bước tiếp.

Cho dù là kỳ thi 2 trong 1 thì cũng không nên, vì năm nào tỉ lệ tốt nghiệp phổ thông cũng gần 100%. Một kỳ thi gắt gao, căng thẳng, chỉ để loại một ít người không tốt nghiệp văn bằng không mấy giá trị đối với cộng đồng thì tổ chức để làm gì.

Chưa kể thi THPT ghép với thi đại học, các địa phương có điều kiện để gian lận như Hà Giang. Sự nguy hiểm là ở chỗ, kết quả đầu vào đại học bị ảnh hưởng, vì những học sinh giỏi hơn bị học sinh có điểm gian lận tước đoạt cơ hội.

Hãy tổ chức thi học kỳ thật tốt, em nào đủ điểm thì lên lần lượt các lớp. Học sinh thi đủ điểm hai học kỳ lớp 12 coi như tốt nghiệp THPT. Còn thi đại học thế nào? Hãy trả lại quyền tuyển sinh cho các trường đại học, Bộ GDĐT không cần tham gia.

Tự chủ đại học là tự chủ học thuật, tự chủ tài chính và tự chủ tuyển sinh, thậm chí là xét tuyển. Các trường sẽ cạnh tranh bằng chất lượng đào tạo, danh tiếng thương hiệu, thị trường sẽ quyết định sự sống còn của các trường đại học. Trường nào đào tạo lôi thôi, chất lượng kém thì sẽ không ai vào học, vì cho dù có cầm tấm bằng của trường đó cấp, cũng khó kiếm việc làm. Nhiều trường đại học lừng lẫy trên thế giới nhận sinh viên bằng việc xem xét học lực, thư giới thiệu của các giáo sư uy tín, không cần thi cử. Nhiều sinh viên Việt Nam có cơ hội bước vào đại học của tốp đầu của Anh, Mỹ, Úc là nhờ cơ chế thoáng này.

Nhưng trước khi dẹp bỏ kỳ thi THPT quốc gia, phải xử lý quyết liệt vụ gian lận thi cử năm nay. Có ý kiến đề xuất lấy 100 thí sinh có kết quả thi cao nhất ở mỗi môn thi để phúc tra bài thi gốc. Tỉnh nào có từ 5% trường hợp nâng điểm trở lên thì phúc tra toàn bộ như Hà Giang.

Sa thải cán bộ sai phạm thi cử ra khỏi ngành, loại cán bộ quan chức mua điểm cho con ra khỏi cơ quan nhà nước. Phải nghiêm trị gian lận thi cử thì nền giáo dục quốc gia mới lành mạnh.

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động