Dịch chuyển lao động có tay nghề của Việt Nam trong ASEAN

Nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề có ý nghĩa quyết định

Theo nhiều đánh giá, việc nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của lao động và khả năng di chuyển lao động kỹ năng của Việt Nam trong khối ASEAN.

Nâng cao chất lượng đào tạo, dạy nghề có ý nghĩa quyết định - 1
Y tá/hộ lý/điều dưỡng là một trong những ngành nghề được tự do di chuyển trong thị trường lao động ASEAN.

Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) hình thành nhằm tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề. Khi AEC ra đời, các thành viên phải thực hiện cam kết về tự do luân chuyển lao động. Hiện quy mô di chuyển của lao động Việt Nam sang các nước ASEAN còn khá nhỏ so với tổng mức tham gia vào di chuyển lao động quốc tế.

Việc dịch chuyển sang các nước khác cũng đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho người lao động (NLĐ) Việt Nam. Khảo sát gần đây của nhóm nghiên cứu đề tài “Dịch chuyển lao động có tay nghề trong quá trình Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN” cho thấy, NLĐ Việt Nam khi dịch chuyển còn gặp phải hàng loạt những khó khăn như: Lo lắng về sự khác biệt văn hóa (37,9%); sự kỳ thị, phân biệt đối xử trong môi trường lao động (43,3%); rào cản, bất đồng ngôn ngữ (50,4%); tiêu chuẩn trong lao động (41,2%); rất khó cạnh tranh với lao động có tay nghề tại nước bạn (40,7%).

Theo nhóm nghiên cứu, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề có ý nghĩa quyết định đối với năng lực cạnh tranh của lao động và khả năng di chuyển lao động kỹ năng của Việt Nam trong ASEAN. Theo đó, Việt Nam cần đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại; trang bị cho sinh viên kiến thức căn bản, đào tạo năng lực chuyên môn, ngoại ngữ, vi tính, rèn luyện cách tư duy độc lập giải quyết vấn đề; đào tạo và sử dụng lao động qua đào tạo theo hướng mở và linh hoạt, mở rộng quan hệ hợp tác liên kết đào tạo với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến; đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp.

Chuyên gia cao cấp Đặng Cảnh Khanh cho rằng, dịch chuyển lao động là tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa, vì vậy phải có các giải pháp giúp NLĐ của Việt Nam thành NLĐ của nền kinh tế toàn cầu, nơi nào cũng có thể làm việc được. Ông Khanh nhấn mạnh các giải pháp mang tính chiến lược để thúc đẩy quá trình di chuyển lao động tay nghề của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN như: Khuyến khích đầu tư ra nước ngoài; thay đổi chính sách về dân số; phải có chiến lược phát triển nâng cao nguồn nhân lực và quản lý dịch chuyển nhóm lao động có tay nghề.

Ở góc độ của tổ chức công đoàn (CĐ), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu cho biết, khi Việt Nam là thành viên của AEC, tổ chức CĐ cần quan tâm hơn và nghiên cứu, đề xuất các đề án, kế hoạch tham gia tuyên truyền, vận động và tổ chức các hoạt động đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng và ngoại ngữ để NLĐ Việt Nam có thể chủ động, tích cực tham gia dịch chuyển lao động. Bên cạnh đó, tổ chức CĐ cần nghiên cứu, đề xuất mô hình thu hút, tập hợp NLĐ có quốc tịch nước ngoài làm việc tại Việt Nam tham gia các hoạt động của CĐ Việt Nam, đồng thời có chính sách, giải pháp chăm lo, bảo vệ NLĐ Việt Nam đi làm việc tại các DN ở nước ngoài.

Ngày 20.3, Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng LĐLĐVN) cùng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức hội thảo khoa học về các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và quản lý dịch chuyển lao động có tay nghề, đáp ứng yêu cầu hội nhập dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu. Đây là đề tài cấp nhà nước; cơ quan chủ trì là Viện Công nhân và Công đoàn; chủ nhiệm đề tài là TS Vũ Thị Loan - Phó Chánh Văn phòng Tổng LĐLĐVN

Theo Quế Chi

Báo Lao động