Nan giải sắp xếp cán bộ khi sáp nhập huyện, xã: Lợi ích nhóm là lực cản lớn nhất
Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến xây dựng đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã từ nay đến năm 2021. Nhiều lãnh đạo địa phương đã than khó về việc xử lý đội ngũ cán bộ sau khi sáp nhập.
Vừa qua, Bộ Nội vụ tổ chức hội nghị toàn quốc góp ý dự thảo đề án tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã đến năm 2021. Lãnh đạo Hà Tĩnh, Nghệ An đều phản ánh về tình trạng khó khăn trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ dôi dư sau sáp nhập.
Việc sáp nhập các đơn vị hành chính cũng sẽ dẫn đến xáo trộn trong đời sống của nhân dân, sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, trước thực trạng nợ công tăng cao, bộ máy hành chính phình to, cồng kềnh và kém hiệu quả, nhiều đơn vị hành chính không đạt tiêu chí về dân số, diện tích... thì việc sáp nhập là một yêu cầu bắt buộc.
Cả nước hiện có đến 588/713 đơn vị hành chính cấp huyện (chiếm 82,4%) và 9.434/11.162 đơn vị hành chính cấp xã (chiếm 84,5%) chưa đạt tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích tự nhiên.
Thực hiện sáp nhập sẽ tinh giản hàng nghìn cán bộ, công chức xã và hàng chục nghìn người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn. Ở cấp thôn, tổ dân phố sẽ giảm hơn 400.000 người.
Trước đây, một số địa phương tìm cách xin tách huyện, thành lập thêm thị xã... mặc dù chưa đạt về tiêu chí dân số và một số tiêu chí khác. Vì vậy, mới có tình trạng thị xã nhưng lại đi đầu trong xây dựng nông thôn mới; đơn vị hành chính cấp huyện nhưng dân số tương đương một phường. Tại Nghệ An, thị xã Thái Hòa là đơn vị cấp huyện đầu tiên được công nhận hoàn thành mục tiêu xây dựng... nông thôn mới.
Việc thành lập thêm một bộ máy hành chính cấp huyện sẽ phát sinh chi thường xuyên lên tới hàng trăm tỉ mỗi năm, ngoài ra còn phải chi khoản tiền rất lớn để xây dựng trụ sở, mua sắm xe cộ, trang thiết bị...
Ai cũng nhận thấy hầu hết các địa phương rất thích chia tách, thành lập mới các đơn vị hành chính, và rất khó khăn, vướng mắc khi thực hiện sáp nhập. Nguồn gốc sâu xa là bài toán lợi ích.
Cần có một đề án tổng thể cho cả nước để giải quyết bài toán cán bộ dôi dư sau sáp nhập cũng như xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh.
Thiết nghĩ, lực cản lớn nhất của tiến trình sáp nhập là lợi ích của một bộ phận cán bộ. Vì vậy, cần nghiên cứu thận trọng và có chính sách chung, khi triển khai đồng bộ, quyết liệt, gắn với trách nhiệm lãnh đạo địa phương.
Tiến tới, cần nghiên cứu phương án sáp nhập một số bộ ngành, đơn vị hành chính cấp tỉnh để xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả, giảm gánh nặng chi ngân sách.
Theo Hải Đăng
Báo Lao động