Bạn đọc viết:

Mùng 8/3, lại nói về bình đẳng giới

(Dân trí) - Quốc tế Phụ nữ hàng năm đã trở thành ngày hội nô nức của hàng triệu triệu phụ nữ trên khắp thế giới. Phụ nữ ngày càng được tôn vinh vì đã giành được sự bình đẳng trước pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực và ở hầu khắp các nước trên thế giới.

Mùng 8/3, lại nói về bình đẳng giới

 

Song ở mặt khác của cuộc sống, phụ nữ nhiều khi dường như vẫn chưa chiến thắng được chính mình trong sự bình đẳng giới thật sự.

 

Để gọi là bình đẳng toàn diện về giới, tuy phụ nữ thường thì không thể mặc quần short hoặc cởi trần đi long nhong khắp xóm, ngoài làng như không ít anh em nam giới vẫn… vô tư như thế. Nhưng không phải là phụ nữ không thể chủ động lựa chọn cho mình một người mình yêu. Song về mặt này, tôi thấy phụ nữ chưa thật sự chủ động giải phóng chính mình.

 

Yêu là một phạm trù đan xen giữa cái hữu hình và vô hình, nó luôn hiển hiện quanh ta mà rất khó động chạm vào hoặc cầm nắm được, nên cần phải chủ động tìm kiếm cơ hội để chạm vào nó, trải nghiệm thử thách. Trong khi còn nhiều phụ nữ (nhất là VN) cho tới nay đều như thể vẫn cuộn mình ở thế bị động, nên khi hôn nhân hoặc tình yêu đổ vỡ thì có lẽ họ mới nhận ra sai lầm của mình là đã chọn nhằm cái…na ná tình yêu. Chính vì vậy, phụ nữ đơn thân sau ly hôn hay muộn lập gia đình ngày một tăng cao vẫn đang là một vấn đề khá trầm trọng trong xã hội phát triển ngày nay.

 

Nói như thế  để thấy rằng, công cuộc tìm kiếm một nửa còn lại của con tim thất lạc là cả một hành trình gian nan, không khác gì phong trào đấu tranh đòi bình đẳng giới của phụ nữ trước tư tưởng trọng nam khinh nữ từ những năm 1857. Cuộc đấu tranh này không chỉ là khẩu hiệu “Bánh mì và Hoa hồng” suông, mà phải trả giá bằng cả mạng sống của 145 nữ công nhân trong một vụ cháy xưởng dệt ngày 25 tháng 3 năm 1911 tại  New York (Mỹ).
 
Và đến nay đau thương đó vẫn chưa chấm dứt, đơn cử ví dụ mới đây ở VN là vụ cháy xưởng may ở xã Tân Dân, An Lão, Hải Phòng làm 13 người chết tại chỗ, 25 người bị thương xảy ra ngày 29/7/2011. Đồng thời, còn đó hàng loạt vấn đề trong lao động nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới vẫn tồn tại hiện nay.

 

Từ những tư  tưởng tiến bộ chống lại thói trọng nam khinh nữ thời những năm 1857 – 1911, trái ngược hẳn lại, các thế hệ thanh thiếu nữ ngày nay đón nhận ngày Quốc tế Phụ nữ trong niềm hân hoan đến độ tưởng chừng như mình sinh ra là mặc nhiên phải thế. Có lẽ họ cho rằng ông Trời đã sắp đặt sẵn cho phụ nữ một đặc ân là ngày 8/3 phải được xã hội trọng vọng (?), mà họ quên rằng mình đã thừa hưởng các thành quả to lớn ấy từ thế hệ các mẹ, các chị đã dày công đấu tranh, vun đắp...

 

Nên hình như một bộ phận không nhỏ thanh thiếu nữ ngày nay chẳng hề biết nguồn gốc ngày Quốc tế Phụ nữ là thế nào. Họ có lẽ chỉ cần biết một năm có bao nhiên ngày lễ, tết là đủ lắm rồi. Và bất kỳ lễ gì, tết gì thì bạn trai phải là người có nghĩa vụ săn đón, quà cáp biếu xén chứ phụ nữ sẽ muôn đời không có chuyện chủ động đâu nhé!!!

 

Nhưng trên thực tế đâu phải các mẹ, các chị hay các em gái đều được thưởng thức hương vị Quốc tế Phụ nữ hay sự thảnh thơi trong các ngày lễ tết khác. Còn một bộ phận không nhỏ phụ nữ vẫn phải vật lộn với cuộc sống trong các ngày lễ tết ấy, kể cả ngày 8/3 này đấy.

 

Tôi nghĩ, các bạn thanh thiếu nữ ngoài việc thừa hưởng các thành quả đạt được về bình đẳng trước pháp luật trong các lĩnh vực của đời sống, nhiệm vụ nặng nề nhất của thế hệ nữ ngày nay là phải giải phóng được sức ì lệ thuộc của tư tưởng “hữu lậu” do mình dựng lên như: đàn ông thì phải là trụ cột, phải galăng, săn đón, mời mọc, quà cáp…

 

Mà phụ nữ cũng hãy mạnh dạn bày tỏ và hơn nữa là chủ động ngỏ lời nếu thật sự mình rung động trước ai đó, không có gì phải sợ bị coi là “cọc đi tìm trâu” vì nếu cọc mà tìm đúng trâu mình cần buộc thì có làm sao đâu? Có chăng chỉ là hạnh phúc .

 

Hoặc lối suy nghĩ: dại gì phải quà cáp, mời mọc đàn ông ăn uống chi cho tốn kém? Mà có lẽ họ quên rằng, đâu phải đàn ông nào cũng để bạn gái mình trả tiền…Nhưng tệ hại hơn hơn cả là lối sống tư duy vật chất, phụ nữ tự đặt ra các tiêu chí lựa chọn “đối tác” cho mình phải là chọn anh nào có “nhà mặt phố, bố làm to” hoặc "đại gia" lắm tiền nhiều của...  

 

Nhìn từ góc độ xã hội học về giới, ngày Quốc tế Phụ nữ chưa phải là điểm kết thúc của phong trào đấu tranh đòi bình đẳng giới của phụ nữ trước tư tưởng trọng nam khinh nữ. Có chăng, nó chỉ là điểm dừng chân, ngày ghi nhớ của một giai đoạn bứt phá mạnh mẽ của giai cấp công nhân lao động đòi bình đẳng về mặt luật pháp trong các lĩnh vực: lao động, kinh tế - xã hội. Hay tiến bộ hơn nữa ở một số quốc gia là bình đẳng về quyền tham gia chính trị, chứ chưa từng và sẽ không bao giờ đạt được quyền bình đẳng về giới trong hệ tư tưởng “nam trọng – nữ khinh” nếu phụ nữ vẫn tự ru ngủ mình bằng lý thuyết: đàn ông thì phải là trụ cột, phải ga lăng, săn đón, mời mọc, quà cáp… mà không tiếp tục đấu tranh “tẩy não”, chống lại “cửa quyền” của tư tưởng tự trói buộc mình, phụ thuộc vào vật chất, sính ngoại…

 

Ls. Lư Quang Vinh