Mùa khai trường, lại nói về ám ảnh lạm thu
(Dân trí) - Trong Thư viết nhân dịp khai giảng năm học mới 2012-2013, cùng với những lời chúc mừng và đánh giá kết quả đạt được, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đồng thời cũng nêu rõ những nút thắt mà ngành giáo dục cần tập trung tháo gỡ như: dạy thêm học thêm, lạm thu…
Những vấn đề trái khoáy trong lĩnh vực giáo dục đào tạo hiện nay mỗi lần được đưa lên báo chí, đều thu hút số lượng kỷ lục phản hồi từ dư luận cả nước, kể cả của những người trong ngành giáo dục cũng như của phụ huynh, học sinh và có thể nói là từ mọi tầng lớp người dân.
Giáo dục là quốc sách, chủ trương đó người dân ai cũng hiểu và hoàn toàn ủng hộ. Nhưng để cho ngành nghề được đánh giá là cao quý hàng đầu này rơi vào tình trạng “bát nháo” và xuống cấp trầm trọng như thực tế hiện nay, thì quả thật là quá đau lòng với tất cả chúng ta.
Không đau sao được khi con em chúng ta giờ đây đi học mà không khác gì bị hành xác. Khác hẳn với chuyện học mà chơi – chơi mà học ở hầu khắp các nước trên thế giới, trẻ em VN giờ phần lớn như các “cụ non” với nào kính cận trĩu mắt, cặp sách trĩu vai, tất bật không kém các bậc phụ huynh suốt ngày lo đưa đón con hết tới lớp học chính thức, lại tới nhà cô học thêm, rồi còn phải tới các trung tâm để luyện này luyện nọ…
Kết quả là con trẻ nhiều em chỉ biết khóc vì bị nhồi nhét kiến thức quá mức như kiểu “nhồi vịt”. Cha mẹ nhiều người đành chỉ biết khóc vì xót con. Trong khi các thầy cô giáo thở than vì phải dạy thêm quá nhiều… Thật đúng là cái vòng kim cô luẩn quẩn mà có lẽ phần lớn người trong cuộc đều muốn thoát ra (chỉ trừ số thầy cô giáo có được các mức thu nhập “khủng” từ dạy thêm, chủ yếu ở các thành phố lớn), nhưng lại không biết thoát bằng cách nào và bắt đầu từ đâu.
Và trong khi ngành Sư phạm bây giờ bị chê vì không “Hot”, nhiều sinh viên Sư phạm ra trường bị thừa ế vì không xin được việc, không lo được khoản “đầu tiên” có giá từ vài chục tới cả trăm triệu đồng…thì lý do “thiếu giáo viên” vẫn được nhiều trường viện dẫn ra để lý giải cho tệ lạm thu. Tuy nhiên mức độ lạm thu ở các tỉnh, vùng nông thôn… xem ra còn khá là “khiêm tốn”, nhưng so với mức thu nhập trung bình còn “khiêm tốn” hơn của đa số cư dân thì vẫn là nỗi khổ không của riêng ai.
“Tôi không hiểu sao nguồn cung giáo viên nhiều mà khối tiểu học luôn kêu thiếu giáo viên. Vậy nên mặc dù quy định học 2 buổi/ngày, nhưng các trường tiểu học ở huyện tôi vẫn thu tiền vì lí do thiếu giáo viên, mà mỗi tuần 2 đến 3 buổi nên số tiền học sinh phải đóng rất khác nhau” – Tran Lam: tranlam7890@gmail.com
“Tỉnh Nam Định năm nay lại xảy ra tình trạng ‘nóng’ đối với tuyển giáo viên. Tôi thấy quy định mới năm nay càng tạo điều kiện cho tiêu cực. Gọi là thi tuyển nhưng đã chấm trước cả rồi. Tình hình lạm thu ngày càng phát triển mạnh. Tại huyện Xuân Trường, một trường tiểu học B thu các khoản đầu năm học đến 1 triệu 2 trên 1 HS. Nhiều mục không thể chấp nhận được như: mua rèm mành cửa sổ, lắp quạt , sửa điện... năm nào cũng thu. Chỉ thương bà con nông dân có vài con đi học không biết xoay sở sao đây? Có lẽ cần xem lại cách làm việc cũng như cái Tâm của Ban giám hiệu các trường mới được” - Trần Xuân: truongxuan0675@yahoo.com
“Lạm thu đã và vẫn đang diễn ra khá phổ biến trong ngành giáo dục. Ngay ở một trường của Thanh Miện, Hải dương chúng tôi, bậc tiểu học học buổi hai, nhưng nhà trường cũng vẫn yêu cầu đóng ‘hỗ trợ’ cho các thầy cô giáo 2.000 đồng một buổi. Tôi nghĩ, các thầy cô dạy buổi hai không phải là dạy thêm mà đó là công việc thường nhật, vậy tại sao lại phải thu thêm như thế? Tính trong cả năm khoản tiền đó cũng lên đến 400.000- 500.000 đồng. So với mức thu nhập chung của người dân nơi đây thì khoản này thật đúng là vô lí quá” - Thuy: pthuong7179@yahoo.com.vn
“Tôi thấy như ở trường mầm non Phú Sơn, TP Thanh Hóa cũng thu những khoản rất vô lý. Trong đó có việc năm nào cha mẹ của trẻ cũng phải đóng rất nhiều tiền đồ chơi cho con. Và như năm ngoái không thu tiền xây dựng trường, thì năm nay lại chuyển sang thành thu ‘hỗ trợ cơ sở vật chất”??? - Le Thi Tuyet: letuyet1234@gmai.com
“Tôi ở Đồ sơn, Hải Phòng. Không biết quyết định trả lương cho các cô giáo hợp đồng ở trường mầm non đã được thực hiện trên cả nước chưa? Tại địa phương tôi đã có quyết định trả lương cho GV hợp đồng từ năm học này, thế nhưng nhà trường vẫn thông báo đóng tiền hỗ trợ GV còn nhiều hơn năm trước. Chúng tôi đã ý kiến trong cuộc họp phụ huynh nhưng có lẽ sẽ bị áp đảo thôi, vì họ đã thống nhất trong toàn quận rồi. Nếu là trường tư phải tự nguyện đóng tiền dịch vụ thì chẳng còn ai thắc mắ, nhưng đây là trương công, giáo viên ăn lương Nhà nước và hiện nay lương GV được coi là ở loại cao. Tôi rất mong các báo vào cuộc để người dân chúng tôi yên tâm cho con đến trường” - Nguyễn Thị Thu Anh: cuchuoi_xaoech@yahoo.com
“Theo tôi nghĩ, nói đến giáo dục thì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm và bàn luận. Nhưng hầu như tất cả đều không nhắc đến sự khó nhọc, vất vả của người thày. Chúng tôi bản thân là những người làm công tác giáo dục cảm thấy quá vất vả, vậy mà sự quan tâm của xã hội và nhà nước liệu đã đảm bảo với nhu cầu của cuộc sống hằng ngày chưa? Tất cả đều nói đầu tư cho giáo dục, và các khoản thu đều rất là nhiều nhưng tiền dạy học tăng buổi thì lại quá thấp. Một buổi đi làm mà nhận được 45 - 50.000 đồng liệu rằng có đủ để đuổi kịp với giá xăng và giá điện hay không? Chúng tôi gần như cảm thấy sức lao động của mình bỏ ra không được đáp trả xứng đáng. Chính vì vậy tôi kính mong các cấp lãnh đạo các bộ ngành liên quan hãy đi xâm nhập thực tế đời sống của đại đa số giáo viên (chứ không phải chỉ ở những TP lớn) để hiểu được những vất vả, khó khăn của chúng tôi. Để từ đó có sự quan tâm, động viên kịp thời thông qua những chính sách đãi ngộ phù hợp hơn” - Phạm Thị Thảo: phuong_thao8830@yahoo.com.vn
“Hội đồng Nhân dân các cấp cần vào cuộc ngay để chấn chỉnh trình trạng lạm thu một cách tùy tiện. Ở một tỉnh nghèo như Điện Biên mà các cháu nhỏ từ nhà trẻ đến mẫu giáo tại TP Điện Biên đều phải nộp tiền mua đồng phục (chỉ là bộ quần áo nhàu nhĩ) với giá gấp 3 lần giá ở chợ. Cứ lạm thu như vậy thì người nghèo sắp hết đường sống mất rồi. Nông dân chỉ có mỗi cách là mang gà đi bán để đóng tiền học, tiền đồng phục, tiền sách vở cho con đầu năm học mới. Mà hiện giá gà trong dân đã giảm từ 150đ/kg xuống còn 110 đ/kg. Vậy chuyện đó các vị lãnh đạo ngành GDĐT có ai biết không, có ai quan tâm không, hay chỉ đến đánh trống khai giảng thôi… Xin hãy nghĩ cho dân nghèo nhiều hơn một chút” - Nông dân: tranquan69@gmail.com
Lạm thu tại các trường ở những thành phố lớn, nhất là thủ đô Hà Nội thì bao lâu nay vẫn là nỗi nhức nhối mãi không thể giải tỏa của đại đa số phụ huynh học sinh. Biến tướng tuyệt chiêu của nó là được thu theo “tự nguyện”, nhưng có bậc phụ huynh to gan nào dám không cắn răng mà lo để đẩy con em mình vào cảnh… bấp bênh không?
“Học thêm cho trẻ lớp 1. Mặc dù đã có quy định của ngành giáo dục: Cấm triệt để dạy thêm bậc tiểu học, nhưng tôi thấy nhiều trường tiểu học tại quận Đống Đa, Hà Nội vẫn tổ chức dạy thêm, học thêm. Ngoài 8h học ở lớp, giáo viên còn bố trí lớp học ở ngoài trường để dạy thêm các môn tiếng Việt, toán ...tạo áp lực cho các học sinh không có thời gian vui chơi, làm cho phụ huynh hoc sinh đưa đón mất nhiều thời gian, tăng chi phí. Tôi nghĩ ngành Giáo dục cần kiên quyết làm triệt để việc này, cần có chế tài mạnh” - Nguyễn Quốc Lập: lapnq@machincomtors.com
“Bộ Giáo dục Đào tạo lúc nào cũng nêu đủ mọi lý do... Ví dụ chuyện theo quy định thì mỗi lớp học có 35 học sinh, nhưng thực chất Bộ có biết một lớp bao nhiêu học sinh không? Năm nay con tôi đi học lớp 1 mà một lớp 62 học sinh, hỏi như thế thì một giáo viên có đủ để sức để dạy và bao quát hết các cháu không? Cứ cho là do dân số tập trung quá đông, nhưng một lớp đông như thế thì làm sao các cháu học tốt được?
Thực trạng là nếu chỉ tuyển học sinh đúng tuyến học tại trường thì không quá tải như thế, nhưng nhà trường còn tuyển trái tuyến nữa. Chúng tôi nghĩ, Hiệu trưởng và GV trong nhà trường được hưởng lợi nhiều từ học sinh xin trái tuyến đó nên họ vẫn thích tuyển trái tuyến. Bộ có nắm rõ tình hình không, hay biết rõ những đành... làm như không biết? Lúc nào cũng thấy Bộ cứ viện hết lý do này tới lý do khác để bao biện. Vậy đề nghị các ngành liên quan vào cuộc về vấn đề học sinh trái tuyến đi, tôi tin sẽ không còn lớp quá đông như hiện nay nữa mà hiệu quả học của các cháu sẽ được cải thiện rõ rệt. Không cần đi đâu xa, cứ đến trường tiểu học Phương Liệt, HN là thấy rõ…” - Nguyen Thi Dung: dung8phc@gmail.com
Kêu mãi, kêu hoài mà tình hình nếu có thay đổi thì đa phần đều từ công khai giữa thanh thiên bạch nhật chuyển sang “bí mật”, hoặc mượn các danh nghĩa khác để thu tiền sao cho “dễ nghe” hơn mà thôi. Vậy nên… cũng chẳng còn cách nào hơn, người dân chỉ biết đề nghị và tiếp tục kiến nghị:
“Đề nghị Bộ GD-ĐT có quy định công khai: mỗi học sinh đến trường chỉ phải đóng một khoản học học phí nhất định tùy từng trường cụ thể, do UBND cấp tỉnh phê duyệt hằng năm. Nghiêm cấm thu tiền của học sinh hoặc phụ huynh dưới bất cứ hình thức nào, trường hợp vi phạm thì sẽ cách chức Hiệu trưởng và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Như vậy thì mới đơn giản và minh bạch được. Chắc chắn là sẽ làm được, nếu không làm được như vậy thì chỉ có lý do là muốn cho mấy vị Hiệu trưởng thu tiền vô tội vạ mà thôi” - Phụ huynh: phantuankhue@yahoo.com
Năm học mới với những mục tiêu đã được đề ra rất rõ ràng trong Thư của Chủ tịch Nước, nhưng 22 triệu học sinh – sinh viên ở tất cả các bậc học cùng các bậc cha mẹ, người thân và nói chung là người dân cả nước vẫn chưa thể yên tâm bởi vẫn nguyên những nỗi ám ảnh đó.... Vì những lý do mà theo Duy Ba duyba_1106@gmail.com thì có thể gói gọn lại trong chỉ mấy dòng ngắn ngủi:
“Ngành giáo dục Việt Nam bao giờ mới tiến bộ được đây? Chán! Bậc tiểu học, THCS, THPT thì bệnh thành tích vẫn tràn lan. Bậc ĐH, CĐ thì mở tràn lan không kiểm soát được. Quá buồn!!!”
Thanh Nguyễn