Ý kiến chuyên gia

Một số suy nghĩ về chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng

(Dân trí) - Cho dù chuyển đổi bằng cách thức nào thì chúng ta cũng phải dung hòa, cân bằng được lợi ích của Nhà nước với quyền và lợi ích của người lao động tại tổ chức hành nghề công chứng đó

Một số suy nghĩ về chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng
Minh họa: Ngọc Diệp

Tìm hiểu nội dung Luật Công chứng ngày 20/6/2014, chúng tôi thấy xuất hiện rất nhiều quy định mới, mang tính đột phá cũng như chưa từng có tiền lệ. Một trong những điều luật nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà lập pháp cũng như của đại bộ phận công chứng viên chính là quy định về chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng. Và tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng, các nhà làm luật đã dành một số lượng điều luật tương đối lớn để xác định những vấn đề mang tính nguyên tắc xoay quanh việc chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng. Hiện nay dự thảo Nghị định đã tạm thời đưa ra hai phương án chuyển đổi phòng công chứng thành văn phòng công chứng như sau:

- Phương án 1: đấu giá rộng rãi quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng;

- Phương án 2: ưu tiên chuyển đổi cho chính các công chứng viên đang công tác tại chính Phòng công chứng chuyển đổi.

Điểm khác biệt lớn nhất giữa hai phương án kể trên chính là việc cho phép “bán đấu giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng” theo như quy định tại phương án 1 (xem Điều 9 và Điều 10 Dự thảo Nghị định). Sau khi tìm hiểu toàn văn hai phương án chuyển đổi, cá nhân chúng tôi nghiêng về phương án chuyển đổi thứ hai, bởi lẽ:

Thứ nhất, chúng ta cần phân biệt rõ giữa “chuyển đổi” và “chuyển nhượng”. Sở dĩ chúng tôi nêu ra vấn đề kể trên cũng xuất phát từ chính nội dung của Luật Công chứng ngày 20/6/2014. Cụ thể, trong khi Điều 21, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 nói về “Chuyển đổi, giải thể Phòng công chứng” thì trình tự, thủ tục “Chuyển nhượng Văn phòng công chứng” được ghi nhận tại Điều 29, Luật Công chứng ngày 20/6/2014 kể trên. Chiểu theo quy định của pháp luật hiện hành, yếu tố giá cả chỉ luôn luôn xuất hiện tại hợp đồng mua bán và/hoặc chuyển nhượng (xem Điều 431, Bộ luật Dân sự ngày 14/6/2005) chứ không thể hiện diện với tư cách là điều kiện bắt buộc trong phương án chuyển đổi. Do vậy, phương án chuyển đổi thứ hai tỏ ra bám sát hơn, phù hợp hơn với nội dung của Luật Công chứng ngày 20/6/2014.

Thứ hai, ngay cả khi quyết định sử dụng cách thức “bán đấu giá quyền nhận chuyển đổi Phòng công chứng” theo như phương án chuyển đổi số 1 của Dự thảo Nghị định, chúng ta cũng cần phải xác định được “đối tượng” đem ra bán đấu giá. Sở dĩ chúng tôi đưa yêu cầu kể trên bởi lẽ Khoản 3, Điều 4, Dự thảo Nghị định đã nêu rõ “Đối với trụ sở làm việc mà Nhà nước giao cho Phòng công chứng được chuyển đổi quản lý, sử dụng thì ưu tiên cho Văn phòng công chứng được thành lập từ Phòng công chứng đó thuê làm trụ sở”. Như vậy, về mặt nguyên tắc, trụ sở Phòng công chứng được chuyển đổi sẽ phải giữ nguyên trạng, giao cho Văn phòng công chứng được thành lập sau chuyển đổi nhằm bảo toàn tài sản của Nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi sử dụng dịch vụ công chứng, nhất là bám sát theo nguyên nghĩa của thuật ngữ “chuyển đổi” đã được thể hiện trong Luật Công chứng ngày 20/6/2014. Đây là cách thức quy định rất sát với tình hình thực tế cũng như yêu cầu, mục đích của quá trình chuyển đổi. Tuy nhiên, cho dù được hiểu theo bất kỳ ngữ nghĩa, cách thức nào như: “thương hiệu”, “quyền được mở văn phòng công chứng tại địa bàn đó” hay “sản nghiệp”.., chúng ta đều thấy cách lý giải tỏ ra rất thiếu thuyết phục, không có cơ sở pháp lý. Do vậy, phương án chuyển đổi thứ hai dường như tỏ ra phù hợp hơn cả.

Thứ ba, cách thức chuyển đổi phải phù hợp với những văn bản quy phạm pháp luật hiện hành có liên quan. Tìm hiểu nội dung Điều 4, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, chúng ta thấy các nhà làm luật đã nêu rõ “Nhà nước khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập nhằm phát huy mọi khả năng của đơn vị trong việc thực hiện các hoạt động của đơn vị theo quy định của pháp luật.

Các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển đổi sang loại hình doanh nghiệp, loại hình ngoài công lập được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tài sản nhà nước đã đầu tư theo quy định của pháp luật”. Như vậy, về mặt nguyên tắc, khi tiến hành chuyển đổi Phòng Công chứng thành Văn phòng công chứng, công chức, viên chức, người lao động tại Phòng Công chứng được chuyển đổi sẽ nhận được rất nhiều ưu đãi từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, với cách thức chuyển đổi thứ nhất, quy định vô cùng đúng đắn kể trên đã không được tuân thủ, thậm chí còn bị phá vỡ.

Nhìn một cách tổng thể, nhất thể hóa thiết chế công chứng bằng cách tiến hành chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng là một chính sách vô cùng đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, để chính sách kể trên có thể phát huy hiệu lực trong thực tế cuộc sống, cách thức thực hiện đóng một vai trò mang tính quyết định. Cho dù chuyển đổi bằng cách thức nào thì chúng ta cũng phải dung hòa, cân bằng được lợi ích của Nhà nước với quyền và lợi ích của người lao động tại tổ chức hành nghề công chứng đó, nhất là không được gây thất thoát tài sản của Nhà nước, thực hiện tốt chủ trương tinh giản biên chế nhưng vẫn động viên, khuyến khích được những công chứng viên giầu kinh nghiệm, có năng lực tiếp tục cống hiến. Đặc biệt, quá trình chuyển đổi phải đảm bảo việc cung cấp dịch vụ công chứng cho cá nhân, tổ chức có yêu cầu diễn ra một cách bình thường, thông suốt. Như vậy, để có thể đáp ứng được các tiêu chí kể trên, việc thực hiện chuyển đổi theo phương án thứ hai tỏ ra phù hợp hơn cả.

Tuấn Đạo Thanh

(Phòng Công chứng số 1 T.P Hà Nội)