Đề xuất quy hoạch và giải pháp giao thông Hà Nộ
Một số giải pháp tức thời ngắn hạn
Cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa, ưu tiên cho lưu thông xe máy. Mặt đường đẹp nhất, ngắn nhất, dành cho xe máy. Xe máy thông, nghĩa là đa số thành phần tham gia giao thông được thông suốt.
(Tiếp theo và hết)
II. Giải pháp tức thời, ngắn hạn
Chi tiết giải pháp ngắn hạn, chúng tôi đã trình bày tại một số trang báo điện tử [2, 5, 6]. Chúng tôi xin sơ lược một số nét chính như sau.
Trước tiên, chúng ta cần thống nhất một số điều. Quan niệm, thế nào là lưu thông bình thường, không ùn tắc. Điều đó giúp chúng ta xác định được mục tiêu của giải pháp ngắn hạn.
Theo người viết bài, nếu hệ thống cho phép lưu thông chín phần mười (9/10) dòng xe cộ, thì nghĩa là hệ thống giao thông không ùn tắc, lưu thông bình thường.
Qua báo chí, chúng ta thấy rằng số lượng phương tiện giao thông cá nhân của Hà Nội rất nhiều, số lượng xe máy thường cao gấp 10 lần số lượng xe ô tô cá nhân. Năm 2011, Hà Nội có khoảng 3,8 triệu xe máy và 368.000 ôtô [11], năm 2016, khoảng hơn 5,5 triệu xe máy, 560.000 ôtô [10].
Nếu ưu tiên lưu thông xe máy trên đường, nếu mọi xe máy được lưu thông, nghĩa là đa số người dân, 9/10 lưu lượng giao thông được đáp ứng.
Hơn nữa, nếu xét hiệu quả sử dụng đường, thì hiện nay, xe máy hiệu quả hơn ô tô cá nhân nhiều. “TS. Lâm Thiếu Quân - chuyên gia giao thông, một người tâm huyết và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giao thông - cho biết ôtô là phương tiện chiếm diện tích mặt đường lớn. Tỉ lệ xe gắn máy chiếm 80% chuyến đi nhưng chỉ chiếm 20-30% diện tích mặt đường trong khi ôtô chỉ chiếm 2% số chuyến đi nhưng chiếm 60% diện tích mặt đường.” [13].
Trong một dòng nước chảy, lá tre sẽ trôi, thoát nhanh hơn lá bàng. Tương tự, trên đường, xe máy dễ thoát hơn ô tô. Thực tế, chúng ta cũng quan sát thấy điều đó.
Nếu thu xếp, để sao cho dành 70-80% diện tích mặt đường cho xe máy, thực thi nguyên tắc Ưu tiên lưu thông xe máy so với ô tô cá nhân, thì tình trạng, lưu lượng giao thông tại Hà Nội sẽ được cải thiện rất nhiều.
Vậy, với nguyên tắc này, cần tạo điều kiện thuận lợi tối đa, ưu tiên cho lưu thông xe máy. Mặt đường đẹp nhất, ngắn nhất, dành cho xe máy. Xe máy thông, nghĩa là đa số thành phần tham gia giao thông được thông suốt.
Cụ thể, với đường Hà Nội, đối với đường nhỏ, nếu mỗi chiều chỉ có một làn, thì ô tô và xe máy chia sẻ làn đường đó, với sự ưu tiên dành cho xe máy. Đối với loại đường lớn hơn, mỗi chiều có hai (02) làn đường trở lên, thì làn bên phải chỉ dành riêng cho xe máy, các làn còn lại, về phía bên trái, ô tô và xe máy cùng chia sẻ những làn đường này, với sự ưu tiên dành cho xe máy. Đối với các làn đường, các loại phương tiện có thể rẽ trái, thì phía bên trái của làn đường này, nên vẽ một làn nhỏ khoảng 1m, dành riêng cho xe máy rẽ trái. (Xem thêm hình vẽ bên dưới).
Lúc này, người đi ô tô sẽ thấy bất tiện hơn so với đi xe máy. Họ sẽ tự nguyện giảm sử dụng ô tô cho đi lại trong nội thành Hà Nội. Lượng ô tô lưu thông sẽ tự động giảm xuống mà không cần phải thực thi chính sách nộp phí khi lái xe ô tô vào trung tâm thành phồ [14], cũng không cần phải có những biện pháp cấm đoán hành chính.
Đương nhiên, nguyên tắc này sẽ gặp không ít trở ngại. Đi ô tô cá nhân thường là quan chức và các đại gia, những người có tiền. Họ là những người ra chính sách hoặc có ảnh hưởng rất nhiều đến việc ra chính sách. Người viết bài cũng rất thông cảm với nhu cầu tiện nghi và sang trọng của họ. Tuy nhiên, trong khi giải pháp dài hạn còn đang được thực hiện thì chúng ta cùng hy vọng, vì cái chung, họ cũng chấp nhận, để giao thông của thành phố được suôn sẻ hơn.
Đi cùng, cần có những nghiên cứu, hiệu chỉnh lại hệ thống đèn xanh đèn đỏ tại các ngã tư. Có những nơi, đèn đỏ kéo dài tới 90 giây, ngừơi đi xe máy rất khó chịu, có xu hướng vượt đèn đỏ do quá sốt ruột.
Chúng ta cũng nên đặt hàng các nhà khoa học ứng dụng, các nhà phát minh nghĩ hộ ra các mái hiên, hoặc ô che nắng tại ngã tư đông người, theo làn xe phải chờ (xem hình bên trên). Như vậy, người đi xe máy sẽ yên tâm chờ đèn xanh hơn. Yêu cầu mái che hoặc ô phải vừa che được nắng vừa bảo đảm tính mỹ thuật, gọn, nhẹ.
Theo nguyên tắc ưu tiên xe máy so với ô tô, cần kiểm soát thật chặt việc chấp hành quy định giao thông đối với ô tô, phạt nặng đối với các vi phạm quy định giao thông của ô tô. Có thể xây dựng phần mềm quản lý toàn bộ số ô tô của Hà Nội bằng tin học. Mỗi khi có số xe, là biết ngay xe của ai, địa chỉ nào? Qua hệ thống camera trên các tuyến đường, nếu ô tô vi phạm quy định phân luồng, quy định điểm đỗ, xe tải chở quá tải, chở đất không che đậy hoặc bất kể vi phạm nào, chỉ cần gửi bằng thư điện tử, tin nhắn (hoặc bưu điện) hoá đơn nộp phạt đến chủ sở hữu xe mà không cần dừng xe đang lưu thông.
Số tiền phạt không cần nhiều, chỉ cần khoảng 100 ngàn đồng cộng với chi phí gửi thông báo phạt (nếu có) cho một lỗi vi phạm. Nếu nộp phạt không đúng hạn, mức nộp sẽ tăng theo cấp số nhân 2 cho 1 tuần chậm nộp phạt.
Việc nộp phạt chỉ cần thực hiện bằng chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản của đơn vị quản lý giao thông, vừa tiện, vừa tránh tiêu cực. Mỗi lần phạt không cần dừng xe, không ảnh hưởng tới lưu thông trên đường. Cảnh sát cũng rất an toàn. [6]. Việc tiết kiệm chi phí nhân lực cảnh sát giao thông trên đường do kiểm soát bằng camera sẽ bù đắp cho chi phí đầu tư camara và hệ thống mái che (hoặc ô che nắng) tại các ngã tư.
Còn một số giải pháp đi cùng, do giới hạn của bài viết, Quý độc giả có thể tham khảo ở các bài viết [2, 5, 6].
Trong khi chờ giải pháp dài hạn được thực thi, xe máy vẫn còn là phương tiện giao thông chủ lực. Nếu khai thác tốt, làm cho nó trở thành một nét đẹp, khác biệt, thì phương tiện giao thông bằng xe máy cũng là một nét hấp dẫn, thu hút du lịch nước ngoài cho Hà Nội, Việt Nam.
Từ hàng chục năm nay, đã có rất nhiều giải pháp giao thông cho Hà Nội, TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung. Nhưng thực trạng giao thông ngày càng nan giải hơn. Điều đó đòi hỏi sự cần thiết thu thập, phát huy các ý kiến đóng góp cởi mở, dân chủ của mọi tầng lớp nhân dân, chứ không chỉ các nhà quản lý, chuyên môn. Các ý kiến có thể phù hợp hay không với suy nghĩ của nhà quản lý, cũng nên đưa ra tham khảo. Ý tưởng mới mẻ nhưng không khả thi của người này đôi lúc có thể là cơ sở bật ra những ý tưởng hữu hiệu và có ý nghĩa thực tiễn của người khác. Đó là nguyên tắc sáng tạo của “Cơn bão ý tưởng” (Brainstorming).
Với cách này, thực sự chúng ta sẽ phát huy được hết trí tuệ của xã hội, kể cả Việt kiều hoặc người nước ngoài tâm huyết với vấn đề giao thông Việt Nam.
Cũng bởi vậy, người viết bài mạnh dạn đề xuất các giải pháp ngắn và dài hạn cho giao thông và quy hoạch Hà Nội. Tuy đó mới chỉ là những ý tưởng ban đầu của một nhóm người không có chuyên môn về quy hoạch, nhưng hy vọng, đó có thể là đốm sáng, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho những người tài năng, dám có những giấc mơ lớn và khát vọng vươn lên.
Nguyễn Tuấn Anh
Tài liệu tham khảo
0. Nguyễn Tuấn Anh. Giải pháp quy hoạch phát triển thủ đô Hà Nội. 04/04/2008. DÂN TRÍ
http://dantri.com.vn/c202/s202-226296/giai-phap-quy-hoach-phat-trien-thu-do-ha-noi.htm
1. Nguyễn Tuấn Anh. Giải pháp bền vững quy hoạch và đảm bảo giao thông Hà Nội. 24-12-2007. Tham luận tại diễn đàn “Làm gì để HN, TP.HCM xứng đáng với vị trí của mình?” chủ trì bởi Báo điện tử Vietnamnet, ngày 04-12-2007.
http://72.14.235.132/search?q=cache:7VWa7qXsyvMJ:vietnamnet.vn/service/show_forum.vnn%3Fforumid%3D151343%26page%3D2+%27Tu%E1%BA%A5n+Anh+4A+ng%C3%B5+Tr%C3%A0ng+An%27&cd=1&hl=vi&ct=clnk&gl=vn
2. Nguyễn Tuấn Anh. Giải pháp tình thế cho giao thông nước ta. 01/03/2010
http://dantri.com.vn/c202/s202-381506/giai-phap-tinh-the-cho-giao-thong-nuoc-ta.htm
3. Tuyết Mai. TTXVN. Hà Nội cần làm gì để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân? 07-07-2016.
http://bnews.vn/ha-noi-can-lam-gi-de-han-che-phuong-tien-giao-thong-ca-nhan-/19383.html
4. Đức An. Mỗi năm dân số Hà Nội tăng gấp 100 lần "mật độ chuẩn"
http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/moi-nam-dan-so-ha-noi-tang-gap-100-lan-mat-do-chuan-a103997.html
5. Nguyễn Tuấn Anh. Giải pháp ngắn hạn và dài hạn giao thông Hà Nội. 09-10-2011.
http://www.daidoanket.vn/index.aspx?Menu=1480&chitiet=40167&Style=1
6. Nguyễn Tuấn Anh. Ách tắc giao thông đô thị: Vẫn có lối thoát! 17-1-2011
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-01-16-ach-tac-giao-thong-do-thi-van-co-loi-thoat-1388081/2011-01-16-ach-tac-giao-thong-do-thi-van-co-loi-thoat -
7. Nhóm Marketing Trường ĐH Thăng Long. Giải pháp giao thông Hà Nội: Thành phố sáng tạo? 02-6-2011
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-05-31-giai-phap-giao-thong-ha-noi-thanh-pho-sang-tao -
8. Nguyễn Tuấn Anh, Lê Thị Mai, Vũ Xuân Quý, Đỗ Ngọc Sáng, Lê Minh Nguyệt, Nhóm Marketing Trường Đại học Thăng Long. SƠ KHẢO Ý TƯỞNG DỰ ÁN THÀNH PHỐ SÁNG TẠO - HÀ NỘI HIỆN ĐẠI. Tham luận gửi Hội thảo “Quy hoạch đô thị và an toàn giao thông” tổ chức bởi Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội và Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ngày 28-10-2011.
9. Debra Efroymson (Giám đốc vùng Quỹ HealthBridge Canada). Hà Nội, thành phố sáng tạo hay thành phố cho người giàu? 09/07/2011.
http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/2011-07-07-ha-noi-thanh-pho-sang-tao-hay-thanh-pho-cho-nguoi-giau-
10. HÀ MINH . 14 năm nữa, nội thành Hà Nội có thể không còn xe máy. 28/10/2016
http://vneconomy.vn/thoi-su/14-nam-nua-noi-thanh-ha-noi-co-the-khong-con-xe-may-20161028031635550.htm
11. ĐINH TỊNH . Ngõ nhỏ, phố nhỏ và lộ trình cấm mô tô, xe máy. 9/9/2011.
http://vneconomy.vn/thoi-su/ngo-nho-pho-nho-va-lo-trinh-cam-mo-to-xe-may-20110909085934426.htm
12. Nhóm phóng viên báo VOV. “Quả bom” dân số bức tử giao thông Hà Nội. 10/10/2016
http://vov.vn/xa-hoi/qua-bom-dan-so-buc-tu-giao-thong-ha-noi-558402.vov
13. N.ẨN - M.HƯƠNG - M.PHƯỢNG. Quản lý xe cá nhân để cứu giao thông . 25/10/2016.
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161025/quan-ly-xe-ca-nhan-de-cuu-giao-thong/1194598.html
14. NGỌC ẨN - THU DUNG. Ôtô vào trung tâm TP.HCM phải đóng phí?
http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20161220/ban-khoi-dong-du-an-thu-phi-oto-vao-trung-tam-tphcm/1239046.html
15. Ph.Nhung. Chung cư cao tầng dày đặc gây ách tắc giao thông. 29/12/2016.
http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/chung-cu-cao-tang-day-dac-gay-ach-tac-giao-thong-20161229132215232.htm
16. Hương Quỳnh. Hà Nội đang trả giá vì băm nát quy hoạch. 04/01/2017.
http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chinh-tri/ha-noi-dang-tra-gia-vi-bam-nat-quy-hoach-350173.html
17. Khánh Linh, Hà Nội không "điểm nhấn", http://tuanvietnam.net/2010-08-17-ha-noi-khong-diem-nhan-