Một số cách phân biệt L/N khi nói và viết tiếng Việt
(Dân trí) - Theo chuyên môn trị liệu ngôn ngữ -lời nói (language-speech therapy), nhầm lẫn l/n là lỗi phát âm ở dạng thay thế phụ âm đầu, nghĩa là lẫn từ âm này sang âm khác ở vị trí phụ âm đầu và cả hai phụ âm này đều có trong hệ thống âm vị tiếng Việt.
- Trường hợp 1: thay thế âm cố định /l/ thành /n/ (ví dụ: “lạnh lẽo” thành ‘nạnh nẽo”).
- Trường hợp 2: thay thế âm cố định /n/ thành /l/ (ví dụ: “núi non” thành “lúi lon”).
- Trường hợp 3: thay thế âm bất định, nghĩa là khi đúng khi sai, lẫn lộn không thể phân biệt, ví dụ: “lúa nếp làng” phát âm thành “núa lếp làng”.
Bàn về việc trị liệu, sửa chữa và luyện tập để phát âm chuẩn hai âm này, có nhiều cách phân biệt l-n khi nói và viết tiếng Việt. Trong bài viết này, chúng tôi giới thiệu một số kĩ thuật (thường được gọi là “mẹo”) của một số nhà ngôn ngữ tiếng Việt đã gợi ý trong nhiều tài liệu ngôn ngữ tiếng Việt khác nhau. Ngoài ra, với chuyên môn về trị liệu âm ngữ, chúng tôi sẽ đề cập đến những cách phân biệt l-n trong khi nói và viết tiếng Việt dưới góc độ âm ngữ trị liệu tiếng Việt ở một bài viết khác.
1. Mẹo phân biệt viết con chữ l-n
Để cho dễ phân biệt về con chữ khi viết, mẹo “l cao, n thấp” được sử dụng để mô tả chiều cao của hai con chữ thể hiện hai âm này. Nhưng nhiều người đã biến tấu thành mẹo “n thấp, n cao” hoặc “l thấp, l cao” dựa vào cách phát âm của chính mình. Thực chất, mẹo này chỉ phần nào giúp phân biệt khi viết con chữ hơn là khi nói. Ngược lại, khi bị biến tấu, mẹo này lại làm cho người nói càng lẫn hơn khi phát ngôn.
(nguồn ảnh: tuoitrecuoi.com)
2. Mẹo phân biệt l-n khi nói và viết theo quy tắc cấu tạo âm tiết tiếng Việt
Dựa trên cơ sở/quy tắc kết hợp trong cấu tạo âm tiết, 7 mẹo nêu dưới đây liệt kê hệ thống từ vựng có phụ âm đầu là /l/ và /n/ để khi nói hay viết sẽ không lẫn nhau.
Mẹo thứ nhất: Trong âm tiết, /l/ chỉ đứng trước âm đệm nhưng /n/ thì không (trừ trường hợp đặc biệt “noãn bào”). Ví dụ, những từ sau phải phát âm là l: cái loa, chói lòa, loan phượng, vết dầu loang, nói lưu loát, luẩn quẩn, loắt choắt, loanh quanh, luật pháp, luyến tiếc,…
Mẹo thứ hai, khi không xác định được là /l/ hay /n/ trong một từ láy vần[1] mà phụ âm này xuất hiện ở tiếng thứ nhất thì đó chắc chắn là phụ âm /l/. Có thể liệt kê ra các từ láy vần bắt đầu bằng phụ âm /l/ như sau: lệt bệt, lò cò, lộp độp,lúi húi, lai dai, lơ mơ, lã chã, lăng xăng, lon ton, lai rai, lởn vởn, lênh khênh, lăng nhăng, luẩn quẩn, lằng nhằng, loằng ngoằng,… Theo danh sách đầy đủ thì kiểu láy vần bắt đầu bằng /l/ như trên có khoảng hơn 300 từ.
Mẹo thứ ba, khi không xác định được là /l/ hay /n/ trong một từ láy vần mà phụ âm đầu của tiếng thứ nhất là /z/ (gi,d) và phụ âm này xuất hiện ở tiếng thứ hai thì đó chắc chắn là phụ âm /n/, ví dụ: gian nan, gieo neo,…
Mẹo thứ tư, khi không xác định được là /l/ hay /n/ trong một từ láy vần mà phụ âm này xuất hiện ở tiếng thứ hai và phụ âm đầu của âm tiết thứ nhất không phải là /z/ (gi, d) thì đó là phụ âm /l/ (trừ trường hợp: khúm núm, khệ nệ,…), ví dụ: cheo leo, khoác lác,…
Mẹo thứ năm, khi không xác định được là /l/ hay /n/ trong từ láy vần mà tiếng thứ nhất khuyết phụ âm đầu thì phụ âm đầu của tiếng thứ hai là /n/, ví dụ: ăn năn, ảo não, áy náy,…
Mẹo thứ sáu, những từ không phân biệt được là /l/ hay /n/ nhưng đồng nghĩa với một từ khác viết với /nh/ thì viết là /l/, ví dụ: lăm le- nhăm nhe; lố lăng-nhố nhăng; lỡ làng – nhỡ nhàng;lài-nhài; lời-nhời; lầm-nhầm,…
Mẹo thứ bẩy, trong từ láy phụ âm đầu thì cả hai tiếng trong từ láy đó phải cùng là một phụ âm. Do vậy, chỉ cần biết một tiếng bắt đầu bằng /l/ hay /n/ mà suy ra tiếng kia: Ví dụ: đều là l: lung linh, long lanh, lạnh lùng,… Đều là n: no nê, nõn nà, núng nính,…
Mẹo liệt kê hệ thống từ vựng có phụ âm đầu /l/ và /n/ theo bẩy mẹo kể trên đã hệ thống hóa được một lượng từ vựng nhất định để người sử dụng không nhầm lẫn khi nói và viết. Đây còn là một nguồn tư liệu rất tiện ích cho các nhà trị liệu ngôn ngữ-lời nói, giáo viên và những người lớn khác sử dụng trong chương trình luyện tập phát âm hoặc chương trình phát triển ngôn ngữ cho cả trẻ em và người lớn.
Tuy nhiên, hệ thống danh mục từ vựng trên cũng chưa bao quát được hết những từ có phụ âm đầu là /l/ hoặc /n/ dễ nhầm lẫn khác trong tiếng Việt, ví dụ: non nước với lon nước (ngọt),… Hơn nữa, hệ thống từ vựng trên dường như giúp ích cho người sử dụng trong việc viết nhiều hơn là nói. Bởi khi nói năng thông thường, người sử dụng hiếm khi dừng lại để phân tích cấu tạo âm tiết của từ đó là gì để mà phát âm là /l/ hay /n/, ví dụ, khi đọc “Đi loanh quanh trong sân có con gà, có con gà…”, sẽ là kì cục và không đủ thời gian cho người nói khi họ dừng lại để phân tích “loanh” sẽ không đọc là “noanh” vì /n/ không đi với âm tiết có đệm. Còn với trẻ nhỏ, trẻ sẽ bắt chước theo cách phát âm của người khác và sử dụng dần theo thói quen chứ chưa có khả năng phân tích theo cấu tạo âm tiết như người lớn. Do vậy, ngoài việc sử dụng các mẹo trên và không phải ai cũng sử dụng được các mẹo trên nên những cách luyện tập theo kiểu trị liệu vẫn rất cần thiết được thiết kế.
Mặc dù cách viết của chúng tôi có thể khó hiểu và phức tạp, nhưng đã là phân tích vấn đề thì phải nhìn nhận ở nhiều góc nhìn khác nhau một cách có phản biện. Tùy vào từng cá nhân mà chọn lựa và sử dụng thông tin mà mình cần. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, xin gửi lời chúc mừng đến toàn thể các thầy giáo cô giáo! Kính chúc các thầy cô giữ mãi được tình yêu với nghề, nhất là những thầy cô làm việc với những học sinh có nhu cầu đặc biệt!
Ths. Phạm Thị Bền
Khoa Giáo dục Đặc biệt – ĐHSP Hà Nội
[1]Ở đây, tạm coi tất cả là những từ láy vần, bao gồm từ láy vần chính thức (láy lại phần vần từ hình vị gốc) và cả những từ có hình thức ngữ âm giống láy vần.