Một kỳ họp chất lượng và...“phá lệ”
So với các kỳ họp trước, kỳ họp Quốc hội lần này có nhiều đổi mới, thậm chí là chưa từng có tiền lệ. Những điều “phá lệ” đã tạo nên một kỳ họp chất lượng hơn.
Không né tránh, dám nhận trách nhiệm
Trong 2 ngày 13 và 14.6, lần lượt các Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Văn hóa - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã đăng đàn để trả lời các chất vấn của đại biểu Quốc hội. Vẫn còn những điều khiến đại biểu cũng như cử tri chưa hài lòng, vẫn còn những trả lời chưa thuyết phục, song theo đánh giá chung, phần chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện chất lượng và trí tuệ.
ĐB Phạm Khánh Phong Lan (TPHCM) đánh giá: Những câu hỏi đặt ra đối với Bộ trưởng VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đều là những câu hỏi khó, liên quan đến nhiều vấn đề nóng trong xã hội. Theo đại biểu, thời gian qua, mối quan tâm chủ yếu là về vấn đề kinh tế và chừng mực nào đó đi vào chi tiết cụ thể trong việc tổ chức lễ hội, du lịch..., chưa đi sâu vào lĩnh vực văn hóa - xã hội. Nhưng vấn đề văn hóa của xã hội và nền tảng của mỗi con người cũng rất cần sự định hướng, xem xét lại để làm cho đúng vì quá nhiều giá trị đã bị mất trong thời gian qua.
ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) mong muốn Bộ trưởng cần thể hiện cụ thể việc nhận trách nhiệm như thế nào, bởi “nhận trách nhiệm rất dễ nhưng vấn đề ở chỗ là phải làm gì để thể hiện trách nhiệm với vấn đề văn hóa. Bởi, nếu hành xử với văn hóa không đúng sẽ làm phai nhạt những gì đã được tích lũy thành văn hóa”.
ĐB Dương Trung Quốc cho rằng: Dù nhiều câu hỏi Bộ trưởng trả lời chưa làm thỏa mãn tất cả các đại biểu, còn nhiều câu hỏi khó xin khất để trả lời bằng văn bản, nhưng ông rất chia sẻ với Bộ trưởng Thiện. Vì văn hóa là ngành đa năng, liên quan đến nhiều lĩnh vực.
Khi Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đăng đàn cuối giờ sáng 14.6, có đến 58 đại biểu đăng ký chất vấn, mới thấy các vấn đề của ngành y từ giá thuốc, tai biến y khoa, quá tải bệnh viện đến bảo hiểm y tế… giành được sự quan tâm lớn như thế nào. Trước một vấn đề nhạy cảm là thái độ ứng xử thiếu tôn trọng của y-bác sĩ, Bộ trưởng Y tế thừa nhận có tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Vừa qua, ngành đã có chương trình đổi mới toàn diện, áp dụng nhiều biện pháp như đường dây nóng, lắp đặt camera, chế tài nghiêm khắc với các sai phạm... Theo đó, hơn 7.000 cán bộ y tế đã bị kỷ luật. Đó chính là một sự thẳng thắn của nữ Bộ trưởng…
Tranh luận “nảy lửa”
Tăng cường tính tranh luận, đối thoại tại phiên chất vấn là điểm nổi bật nhất của kỳ họp này. Cụ thể, khi thấy Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời về quy hoạch nông sản, ĐB Ngô Thị Minh đã giơ biển xin tranh luận, ĐB Minh cho rằng, công tác lập quy hoạch đang có vấn đề, chưa phát huy hết đặc thù, lợi thế của địa phương, nếu không tính toán thận trọng thì sắp tới sẽ phải giải cứu cả rau, cây ăn trái. Cùng tham gia tranh luận với Bộ trưởng Cường, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, trách nhiệm của tư lệnh ngành nông nghiệp trong tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản để nông dân sống được. Trả lời tranh luận trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Người nông dân rất trông chờ không chỉ Bộ trưởng mà cả hệ thống phải làm tốt hơn nữa.
Không hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm tiếp tục tranh luận, nói thẳng: “Tôi chia sẻ với Bộ trưởng vấn đề cả hệ thống chính trị phải làm. Đúng là như vậy! Nhưng mà hôm nay Quốc hội chất vấn Bộ trưởng cho nên Bộ trưởng phải trả lời trách nhiệm của Bộ trưởng chứ không phải đặt vấn đề cả hệ thống chính trị vào đây”.
Thể hiện quan điểm nông nghiệp là lĩnh vực đa ngành, vì vậy Bộ NNPTNT cần có quy hoạch rõ ràng đối với từng lĩnh vực, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) lấy ví dụ: Trong lĩnh vực trồng trọt, cần lấy cây lúa là chủ đạo, là chiều sâu để nâng cao chất lượng hàng hóa. Về lĩnh vực chăn nuôi cần nâng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Bên cạnh đó, trong việc sử dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thú y... là một trong những nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm. Đây là vấn đề Bộ trưởng cần tập trung quan tâm giải quyết.
Phá lệ để “đi đến cùng” các vấn đề nóng
Ngày 9.6, trong phiên thảo luận về kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước, lần đầu tiên, Quốc hội phá lệ tăng thời gian thảo luận thêm 1 giờ 30 phút, làm việc đến 18h30 thay vì 17h như mọi ngày, bởi những vấn đề đưa ra bàn thảo giành được sự quan tâm rất lớn của đại biểu cũng như cử tri cả nước. Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội được tăng thời gian từ 2,5 ngày lên 3 ngày cũng là một điểm mới khác của kỳ họp. Kỳ họp này, theo chương trình Quốc hội sẽ không làm việc vào ngày thứ bảy, để các đại biểu dành thời gian nghiên cứu tài liệu.
Mặc dù vậy, khi có những vấn đề nóng, nhiều đại biểu quan tâm nhưng chưa thể cho ý kiến, Quốc hội đã “phá lệ” họp thêm vào thứ bảy. Và, một sự kiện chưa từng có trong lịch sử lập pháp, đó là ngày thứ bảy 27.5, các Uỷ ban và Đoàn giám sát của Quốc hội tổ chức 3 cuộc họp đặc biệt, trong đó có phiên họp về Bộ luật Hình sự sửa đổi vốn đang nhận được sự quan tâm của đại biểu và nhân dân.
Những “ngôi sao” hành lang
Thú vị nhất là, mỗi khi Quốc hội nghỉ giải lao thì những đại biểu Quốc hội hay phát biểu tại hội trường hoặc thường xuyên tranh luận được các phóng viên nghị trường gọi là “ngôi sao” được rất đông phóng viên tìm kiếm để phỏng vấn. Ví dụ như ĐB Dương Trung Quốc, ĐB Lưu Bình Nhưỡng, ĐB Phạm Tất Thắng, ĐB Trương Minh Hoàng, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Bùi Văn Xuyền...
ĐB Trương Minh Hoàng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường của QH - đã từng tâm sự, có hôm các phóng viên báo chí thay nhau phỏng vấn ông tại Nhà Quốc hội, nên ông đã phải đứng hơn 1 giờ đồng hồ để trả lời khiến chân ông mỏi nhừ gần như quỵ xuống, ông đã phải nói với phóng viên: “Chân anh tê hết rồi, thôi để anh ngồi xuống nghỉ một tí”. Thấy vậy các phóng viên đã phải dìu ông ra ghế để ngồi nghỉ. Tuy nhiên, bên cạnh những đại biểu sẵn sàng trả lời phỏng vấn của báo chí thì có không ít đại biểu lại tìm cách “né” phóng viên khi có việc liên quan cần ĐB lên tiếng.
Ngoài ra, việc khống chế số lượng mỗi buổi 30 thẻ sự kiện để phóng viên lên hành lang hội trường Quốc hội phỏng vấn đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này cũng đã góp phần giảm số lượng phóng viên quá đông như trước đây (70 thẻ mỗi ngày). Phóng viên các cơ quan báo chí muốn lên hành lang Quốc hội để phỏng vấn đại biểu phải đăng ký trước với Vụ Thông tin, Văn phòng Quốc hội theo từng nội dung buổi làm việc của Quốc hội, đã làm chấm dứt được tình trạng xếp hàng ở mỗi kỳ họp trước đây.
XUÂN QUANG - XUÂN HẢITheo báo Lao động