Mỗi khi có miếng ngon, lòng con lại rưng rưng nhớ Mẹ...

(Dân trí) - Tôi đặt bút ghi mấy dòng như nén tâm nhang dâng lên người mẹ kính yêu đang đi mây về gió, hòa quện vào hư không mà lòng nhói lên một nỗi niềm, rưng rưng xúc động.

 Trong tâm thức của mỗi người con, mẹ vẫn là hình ảnh thân thương nhất, cho dù ta ở bất cứ đâu. Ngay cả khi mẹ đã khuất núi, mỗi khi gặp khó khăn, người đầu tiên ta gọi là mẹ. Những lúc có được niềm vui, tiếng reo đầu tiên ta nhắc đến cũng là mẹ. Thời thơ ấu, giữa muôn vàn khó khăn thiếu thốn, người mẹ vĩ đại vẫn một nắng hai sương tần tảo, là chỗ dựa cho mỗi chúng ta. Bây giờ ta trưởng thành, mẹ không còn nữa, nhưng mỗi khi có miếng ngon lòng ta lại rưng rưng nhớ mẹ, hoặc mỗi lúc có một sự việc gì gợi lại thuở hàn vi, thì mẹ vẫn là người ta không thể nào quên.

Một ngày đầu xuân, tôi tranh thủ dọn vườn trồng ít rau sạch. Trong số cỏ dại, có rất nhiều loại rau ăn được: nào dền cơm, rau sam, rau mảnh cộng, rau xương cá, rau má, tầm bóp… Bất giác tôi nhớ đến một món ăn thời thơ ấu có liên quan đến các loại rau dại trên - món canh tập tàng. Và hình ảnh người mẹ tần tảo sớm hôm của chúng tôi cùng những kỷ niệm của thời thơ ấu lại ùa về.

Mỗi khi có miếng ngon, lòng con lại rưng rưng nhớ Mẹ... - 1

Những người trẻ tuổi hiện tại không thể hình dung được thực tế của cụm từ "tháng ba ngày tám" là như thế nào. Đó là mùa giáp hạt. Khi mà thóc vụ mùa trước đã hết, vụ chiêm vừa cấy, lúa đang thời con gái, còn lâu mới được gặt, ngô khoai là lương thực chủ yếu. Bữa ăn thường là ngô hầm ăn với muối trắng, nếu có cơm thì cũng phải trộn khoai sắn mà hạt cơm chỉ dính vào miếng khoai, thèm được một bát cơm trắng không độn khoai sắn hoặc ngô nhưng đó cũng là xa xỉ. Đất đai là của hợp tác xã nên chỗ trồng rau cũng ít, người ta kiếm các loại rau dại có thể ăn được để nấu canh, nếu nấu tổng hợp gọi là món canh tập tàng. Món canh rau tập tàng của mẹ tôi đã đi vào ký ức của chị em tôi không thể nào quên.

Gia đình tôi thuộc diện đông con, Chúng tôi ở cùng ông nội, và gần như chỉ có mỗi bố là lao động chính. 8 chị em chúng tôi lít nhít ba năm một đã vắt kiệt sức lực và thời gian của mẹ. Tôi lớn lên giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ đang bước vào thời kỳ cam go nhất, "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", tất cả cho tiền tuyến.

Vào mùa giáp hạt, đói luôn là cảm giác thường trực. Để thêm vào thu nhập cho gia đình, mẹ phân công chúng tôi mỗi người mỗi việc. Các chị lớn ngoài giờ đi học phải phụ mẹ kiếm thêm thu nhập. Mẹ nhận những việc vừa sức về cho các chị làm như bóc lạc, đóng gói đường, quấn thuốc lá, đan lưới… Hai đứa chúng tôi nhỏ nhất, được mẹ giao nhiệm vụ vừa chăn trâu vừa kiếm rau, thỉnh thoảng kéo vó tôm…

Lúc rảnh rỗi, mẹ lựa mấy cái màn rách, cắt làm thành những cái vó tôm cho chị em tôi kéo ở chuôm ao. Những ngày trở trời, tôm lên nhiều, chúng tôi kéo và phơi khô dùng dần. Tôi nhớ có hôm trời đổ mưa dông, chị em tôi đi kéo tôm về đến nhà ướt hết, người run lập cập. Mẹ vội vàng cởi chiếc áo nâu đang mặc ngoài lau tóc cho chúng tôi, và giục nhanh đi thay quần áo kẻo bị cảm. Mẹ tất tả ra bờ rào lấy ngay nắm lá xông, đun xong giục chúng tôi ngồi lên chõng tre, tự tay mẹ quây chăn cho chị em tôi xông để giải cảm. Rồi mẹ đặt nồi cháo trắng, ra vườn vơ nắm lá tía tô.

Nhà có ổ trứng gà đẻ, mấy hôm trước mẹ dặn chúng tôi không được ăn để dành ấp nở gà con, vậy mà mẹ đã lấy 1 quả đập vào bát cháo cho chị em tôi ăn giải cảm. Bưng bát cháo tía tô bốc hơi nghi ngút, mẹ ép chúng tôi ăn hết, giục lên giường đắp chăn để vã mồ hôi ra là khỏi.

…Bờ ao làng tôi và cả những khu vườn hoang, khúc mương cạn sau mỗi trận mưa đầu mùa, các loại rau dại lên mơn mởn. Chị em tôi vừa chăn trâu, vừa kiếm rau, chiều về đứa dắt trâu, đứa bê nón rau khệ nệ, nhưng vui vì được mẹ khen. Mẹ đã chỉ cho chúng tôi những loại rau mọc tự nhiên có thể ăn được để biết mà kiếm: rau dền cơm thân hơi tía, lá xanh có chút đốm trắng và đặc biệt trên ngọn có những hạt nhỏ (gọi là hạt cơm); rau sam thân mềm, cành màu tím đỏ, lá dày, nhỏ như tai chuột và nhấm vào hơi có vị chua; rau xương cá lá xanh, trên thân có những cành xếp so le nhau như hình xương cá; rau mảnh cộng thân cao hơn, lá xanh và mỏng; rau càng cua mọc sát mặt đất, trên ngọn có hai nhánh như cái càng cua; rau tầm bóp có những quả như chiếc đèn lồng…

Những thứ rau đó có thể nấu riêng, hoặc thêm một nhúm tôm khô nấu hỗn hợp thành một loại canh gọi là canh tập tàng.

Có hôm "sang" hơn, mẹ đi làm đồng về bắt được mấy con cua, giã ra nấu canh tập tàng ngọt lừ. Vị chua chua của rau sam, vị ngọt của dền cơm, vị chan chát của rau mảnh cộng, vị ngăm ngăm đắng của rau tầm bóp tạo thành một hương vị rất đặc trưng trong món rau tập tàng của mẹ. Tuổi thơ chị em tôi lớn lên trong nghèo khó, với những nồi ngô hầm khoai luộc, những bữa cơm trộn sắn, và món canh rau tập tàng của mẹ… Rồi cũng trưởng thành, đi học, ra nghề, trở thành người có ích cho xã hội.

Mỗi khi có miếng ngon, lòng con lại rưng rưng nhớ Mẹ... - 2

Ngày nay, rau dền cơm là đặc sản không thể thiếu của món lẩu cua bò gà mái. Những ai đã bị chảy máu cam không thể quên tác dụng cầm máu của rau sam. Và ai cũng biết rau tầm bóp còn là vị thuốc hay chữa được rất nhiều bệnh. Ngô khoai bây giờ đắt hơn gạo và cũng là món quà quê được nhiều người ưa chuộng, thèm mua. Nhưng với chúng tôi, nồi ngô hầm, khoai luộc và những cây rau dại ấy đã gắn với sự tảo tần của mẹ, với bữa cơm gia đình hàng ngày thời thơ ấu, nhắc chúng tôi nhớ về thuở hàn vi, và một người mẹ tần tảo sớm khuya hy sinh vì gia đình, chồng con.

Hôm nay dọn vườn, thấy những lá rau ấy chung với loài cỏ dại, tôi không nỡ vứt chúng đi, mà mang về thêm chút tôm nõn nấu một nồi canh tập tàng để ôn lại một thời nghèo khó. Thưởng thức món canh tập tàng trong những ngày đầu xuân mới, tôi càng nhớ mẹ hơn. Suốt quãng thời gian nuôi chị em tôi khôn lớn, mẹ chưa được một ngày thảnh thơi đủ đầy, chỉ suốt đời tần tảo, thu vén gia đình, để các con không bị đứt bữa, để chị em tôi được tiếp tục học hành. Mẹ dặn dù đói nghèo nhưng vẫn phải cố gắng học giỏi, học bù cho mẹ ngày xưa.

Bây giờ, chị em tôi đã trưởng thành, có bát ăn bát để, thì mẹ tôi không còn để cùng hưởng cuộc sống đủ đầy với con cháu. Mỗi khi bưng bát cơm trắng tôi lại nhớ đến mẹ ngày xưa. Và nồi canh tập tàng dân dã cùng bát cháo trứng tía tô giải cảm chắc sẽ là món ăn tôi thích nhất, không một món cao lương mỹ vị nào có thể sánh bằng. Bởi đó không chỉ đơn thuần là món canh, mà chứa đựng trong đó là tình mẹ bao la.

Tôi đặt bút ghi mấy dòng như nén tâm nhang dâng lên người mẹ kính yêu đang đi mây về gió, hòa quện vào hư không mà lòng nhói lên một nỗi niềm, rưng rưng xúc động.

Mẹ ơi! Giờ này mẹ ở đâu?