Bạn đọc viết:
Mẹ ơi, mồng 8/3 này con vắng nhà!
(Dân trí) - Lúc mẹ đọc được những dòng tâm sự này của con thì con đã tạm xa gia đình, trở thành tân binh nhập ngũ tại Lữ đoàn 414 để học tập, rèn luyện thật tốt như mẹ và mọi người đã mong chờ. Và đành từ nơi xa gửi lời chúc mừng 8/3 tới mẹ...
Mồng 8/3 đầu tiên mà con biết đến là lúc chị gọi con cùng đi mua thiệp tặng mẹ, chị không quên gợi nhắc con ngày lễ ý nghĩa đó. Và những ngày lễ ấy của các năm tiếp theo, dù không chuẩn bị được món quà gì, nhưng những bữa cơm rau đạm bạc con giành nấu cũng khiến mẹ và chị cười ra nước mắt vì vui, vì đồ ăn… mặn trên cả mức mặn. Gia đình mình chẳng giàu về vật chất nhưng luôn vui vẻ, hạnh phúc bởi sự quan tâm, chăm sóc của mẹ giành cho chúng con. Con luôn tự hào và hãnh diện vì điều đó.
Ngày con chuẩn bị lên đường nhập ngũ, mẹ gần như thức trắng. Mẹ lo con dầm mưa dãi nắng luyện tập, làm việc mệt nhọc. Mẹ sợ con đi rồi căn nhà vắng bóng con, vắng tiếng cười nói... Nhiều lúc thấy ánh mắt mẹ đỏ hoe, con chỉ biết nói lảng: “Mẹ sợ con đi rồi, không có ai mà…mắng mỏ chớ chi? Hihi... Không phải mẹ mong con trở thành bộ đội chuyên nghiệp sao? Mẹ khóc rứa mần răng con rèn luyện tốt được...” Nói rồi con cũng quay mặt về hướng khác, tránh đi giọt nước mắt chực trào của chính mình trước mặt mẹ.
19 năm con khôn lớn là 19 mùa xuân mẹ trải nghiệm bấy nhiêu đắng cay và cũng là 19 tuổi đời con được mẹ nâng niu, bao bọc, dạy dỗ. Con vốn hay ăn khuya rồi mới ngủ, mẹ nhắc nhở con tập ăn tối cho thật no chứ vào quân ngũ rồi, không còn cơm khuya lại đói bụng. Bữa cơm nào con ăn 2 bát, mẹ lại nhắc con ăn thêm nữa mới có sức khỏe....
Làng quê mình nghèo, con cũng làm việc như chúng bạn. Mẹ bảo: là con trai phải biết gánh vác những việc nặng nhọc trong gia đình. Nhưng thấy con vác bó củi to, mẹ nhắc nhở làm việc phải biết giữ sức. Thấy con gặt lúa giúp bạn mãi muộn chưa về, mẹ lại dắt xe đi tìm, sợ con ham vui mà theo đám bạn hút thuốc, uống rượu.
Ước mong con trưởng thành, mạnh mẽ, mẹ là người đầu tiên ủng hộ con đi nghĩa vụ quân sự. Cả nhà mình đều hồi hộp và chờ mong con được trúng tuyển. Người trong làng bảo, nhà mình được mỗi thằng con trai có thể xin ở nhà, đi nghĩa vụ lại làm việc mệt nhọc, ăn không no, con lại là thằng “công tử bột” nên càng đáng ngại. Mẹ cũng sợ điều đó lắm, nhưng có lẽ hơn cả nỗi sợ hãi ấy là nỗi niềm mẹ mong con có đi mới có khôn, có trải qua khó khăn giản khổ để càng biết trân trọng hạnh phúc…
“Mẹ chỉ trông con ra ngoài nớ, vất vả một chút nhưng được các cán bộ chiến sĩ rèn luyện cho con nên người. Còn hơn con ở nhà nếu sinh chuyện rượu chè, bài bạc, đánh lộn... Lúc nớ, người đau nhất là mẹ vì sinh con ra mà không thể nuôi con nên người” - thêm lần nữa mẹ lại nói trong nước mắt.
Con hiểu mẹ luôn mong chờ sự trưởng thành của con mà. Mẹ ơi, không phải vì mẹ là mẹ của con mà con luôn vâng lời. Mà là con hiểu rằng những gì mẹ mong mỏi, chờ đợi ở con luôn là điều tốt đẹp, đúng đắn. Con tôn trọng và nghe theo những lời nhắc nhở của mẹ.
Ngày sắp xa nhà, con ốm, đổi giọng, ho và hắt hơi rất nhiều. Đang đêm lạnh mẹ vẫn tất bật chạy đi mua thuốc, rồi còn nhắc con ăn no, cố gắng ngủ để giữ gìn sức khỏe còn kịp lên đường nhập ngũ. Từ phía mình, nghe lời mẹ con đã cố gắng gạt bỏ những gì là khó khăn bên ngoài, để trở thành một chàng thanh niên mạnh mẽ nhưng biết nghe lời.
Chuẩn bị tư trang cho con lên đường, mẹ gần như thức trắng mấy đêm liền, dù đồ đạc chẳng nhiều nhặn gì nhưng mẹ vẫn lo con thiếu thứ này, thứ khác. Mỗi lần con mở nhạc nghe bài Lá xanh là mẹ lại rưng rưng nước mắt. Con phải đánh trống lảng: “Ồn ào ri con mần răng thuộc được lời bài hát để lên Xã hát cho mẹ với bà con mình nghe đây hè?”
Rồi con cố gắng vui vẻ ngân nga theo điệu nhạc:
Lá còn xanh như anh đang còn trẻ
Lá trên cành như anh trong đoàn quân
Gió rung cây, cành lá tưng bừng đùa vui
Anh trai làng có ra chiến dịch mùa xuân...
Con biết, mẹ nhớ và chờ mong con khôn lớn. Con hứa sẽ cố gắng, sẽ làm quen với công việc và rèn luyện những việc mà ở nhà con chưa bao giờ làm, mẹ ạ!
Trước hôm con lên đường nhập ngũ, mẹ lại khóc. Bàn tay mẹ nắm chặt tay con, miệng không ngừng nhắc nhở con từng chút một, từ cách đi đứng, ăn nói đến cách học tập, rèn luyện. Mẹ cố tỏ ra cứng rắn: “Con đi rồi, mẹ rất nhớ nhưng con phải biết cố gắng học hành, rèn luyện cho nên người. Có như rứa, mẹ mới vui được nghe chưa con!”
Và nụ cười hết cỡ của con vẫn không che dấu được dòng nước mắt. Con không nói được với mẹ là con biết, con hứa nhưng con tự dặn bản thân mình: sẽ cố gắng hết sức rèn luyện cho chính mình, có ích cho xã hội và hơn hết là không phụ lòng trông chờ của mẹ và mọi người.
Tạm biệt mẹ, tạm biệt gia đình yêu dấu của con. Con sẽ gói trọn những yêu thương của mọi người dành cho con và tự hứa sẽ trưởng thành hơn, chín chắn hơn như gia đình đã mong đợi ở con vậy.
Mồng 8/3 đầu tiên con vắng nhà, sẽ không còn tấm thiệp mua sẵn hay những bữa cơm chúc mừng mẹ và chị trong ngày lễ ấy nữa. Tuy nhiên, những cố gắng trong rèn luyện và học tập tốt của con, hi vọng sẽ là món quà tinh thần lớn cho mọi người.
Chúc mẹ, các dì và mọi phụ nữ Việt Nam có một ngày lễ 8/3 thật hạnh phúc và ý nghĩa!
Nguyễn Chí Dũng