Mất tiền gửi ngân hàng: Ai phải chịu trách nhiệm?
Mất tiền gửi ngân hàng: Ai phải chịu trách nhiệm?
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3/2018, trả lời câu hỏi của báo chí về việc người dân khiếu nại mất tiền trong một số tài khoản tiết kiệm thời gian gần đây, vị đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, đây là vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước đang tìm cách khắc phục và đưa ra những khuyến nghị đối với người dân khi gửi tiền.
Theo đó, với một số vụ mất tiền, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo các tổ chức tín dụng tích cực phối hợp với khách hàng, các cơ quan chức năng khác để đưa ra phương án xử lý bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền.
“Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến nghị khách hàng gửi tiền nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các tổ chức tín dụng, nên thường xuyên kiểm tra, tra soát số dư tiền gửi. Khi phát hiện dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho tổ chức tín dụng và các cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn việc lạm dụng chiếm đoạt tài sản của khách hàng”, đại diện Ngân hàng Nhà nước đưa ra lời khuyên.
Về lời khuyên trên của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, luật sư Nguyễn Phú Thắng - Công ty Luật Intercode (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng, khuyến cáo của vị đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chỉ giản đơn là một sự nhắc nhở khách hàng quan tâm hơn tới tiền gửi của mình mà không có tác dụng ngăn ngừa hay giảm thiểu rủi ro mất tiền. Vì qua một số sự việc mất tiền trong tài khoản cho thấy, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, các cá nhân đã có thể lợi dụng khe hở của hệ thống để chuyển dịch, rồi chiếm đoạt tiền gửi.
Luật sư Thắng cho rằng, chức năng quan trọng nhất mà pháp luật trao quyền cho nhà băng, đó là "nhận giữ tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân". Việc gửi tiền giữa ngân hàng và khách hàng là giao dịch dân sự độc lập, lãnh đạo ngành ngân hàng không nên can thiệp vào tranh chấp khi sự việc xảy ra, tuy nhiên cũng cần quy định trách nhiệm cụ thể của ngân hàng đối với tiền gửi, do đó phát biểu của vị lãnh đạo ngân hàng như trên là chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân cũng như báo chí.
Theo luật sư Thắng, ngân hàng là tổ chức kinh doanh tiền chuyên nghiệp, hưởng lợi từ huy động tiền gửi và cho vay, vậy bảo toàn tiền gửi là trách nhiệm của ngân hàng thông qua sổ tiết kiệm hoặc chứng thư có giá trị tương đương. Nguyên tắc xuyên suốt của pháp luật dân sự cũng như pháp luật hợp đồng, đó là, tôi giao dịch với anh (ngân hàng), nếu tổn thất, thiệt hại xảy ra mà không phải do lỗi của tôi thì chủ thể chịu trách nhiệm đầu tiên phải là anh (ngân hàng) cho dù là lỗi vô ý hay có chủ ý của nhân viên ngân hàng, hay kẻ gian ngoài ngân hàng. Tiếp đó, căn cứ vào bản án có hiệu lực của cơ quan tố tụng mà người làm công do ngân hàng hoặc kẻ gian đó phải bồi hoàn cho ngân hàng. Qua một số sự việc khách hàng bị mất tiền gửi cho thấy, ngân hàng đã cố tình lờ đi nguyên tắc giản đơn và hợp đạo lý này khi “câu giờ” bằng hoạt động tố tụng vốn chưa được minh định.
“Kinh doanh lúc được, lúc mất. Lợi nhuận thì nhà băng hưởng, rủi ro, mất tiền thì phủi tay, loanh quanh trách nhiệm. Đối diện với tình huống này, một cách khách quan, công tâm, Ngân hàng Nhà nước cần phải mạnh dạn tuyên bố quan điểm của mình không trái với thông lệ quốc tế, chứ không nên chỉ khuyên vô thưởng, vô phạt: "Khách hàng cần thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình"”, luật sư Thắng bày tỏ.
Còn theo luật sư Đào Việt Hà (Văn phòng Luật sư Đào Việt Hà - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), khách hàng dù có kiểm tra tài khoản hàng ngày thì cũng chỉ biết thông báo cho ngân hàng, nếu bị mất tiền. Vậy tại sao không đặt vấn đề ngân hàng nên thông báo ngay cho khách hàng những biến động tài khoản, đặc biệt là những dấu hiệu bất thường trong giao dịch để cùng khách hàng khẳng định độ chính xác của giao dịch đó. Nếu chỉ đơn thuần như lời khuyến cáo “khách hàng cần thường xuyên kiểm tra tài khoản của mình” sẽ dễ gây ra tâm lí hoang mang: khách hàng đang phải tự chịu trách nhiệm về tiền gửi của mình; trong khi cái mà khách hàng cũng như công luận quan tâm là ai sẽ chịu trách nhiệm khi tiền gửi của họ bị mất? Thực tế, không ít vụ mất tiền mà lỗi không phải do khách hàng nhưng ngân hàng vẫn phủi trách nhiệm, vòng vo trong bồi thường. Vụ khách bị mất 245 tỷ đồng tại Eximbank đang xôn xao dư luận là một ví dụ.
Về khuyến nghị khách hàng nên đến tận nơi thực hiện giao dịch tại trụ sở các tổ chức tín dụng, luật sư Đào Việt Hà cho biết, hiện chưa có quy định pháp luật nào về việc người gửi tiền phải đến tận trụ sở tổ chức tín dụng để giao dịch trừ trường hợp lần đầu tiên giao dịch. Thực tế hiện nay, các ngân hàng đang đến tận nơi phục vụ khách hàng. Các giao dịch online như ebank, live bank, tiết kiệm online… đang ngày càng phổ biến và chính các ngân hàng cũng khuyến khích sử dụng các tiện ích hiện đại này. Như vậy, khuyến cáo trên là “buồn cười”.
Luật sư Hà cho rằng, qua các vụ khiếu nại về việc mất tiền tiết kiệm trong tài khoản, ngành Ngân hàng cần quy định các cam kết rõ ràng về trách nhiệm của ngân hàng với tiền gửi. “Nếu cứ mất tiền (dù lỗi không do khách hàng) nhưng vẫn phải chờ tìm được kẻ gian để kẻ gian đó chịu trách nhiệm thay ngân hàng thì khác nào khách hàng đang "thả gà ra đuổi", còn ngân hàng thì tự do đá bóng trách nhiệm?” luật sư Hà đặt vấn đề./.
Theo An Luých
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam