Lương- đừng mãi là cái nợ đồng lần
Vẫn là sự “khác biệt” quan điểm trong việc tăng lương tối thiểu vùng, nhưng “khác biệt” đến mức một bên đề xuất tăng 8%, một đằng bảo không tăng lương trong năm tới thì rõ ràng nó giống như sự khác biệt giữa có lý và vô lý.
Đến hẹn lại lên, cuộc họp của Hội đồng tiền lương quốc gia lại bắt đầu với tình trạng không hề xa lạ: Sự khác biệt quan điểm.
Công đoàn, đại diện cho người lao động đề xuất điều chỉnh lương tối thiểu vùng ở mức “ít nhất 8%”. Con số này chỉ đơn giản thế này: Năng suất lao động (NSLĐ) tăng lên 4% và trượt giá tăng 3,5% (mới tính nửa năm 2018) và khoảng cách chênh lệch giữa mức lương tối thiểu và nhu cầu sống tối thiểu cần phải được rút ngắn.
Trong khi đó, đại diện người sử dụng lao động dẫn ý kiến “đại đa số các hiệp hội doanh nghiệp” kiến nghị chưa nên điều chỉnh mức lương tối thiểu trong năm tới, để doanh nghiệp phục hồi, tái đầu tư nâng cao NSLĐ.
Sự “khác biệt” quan điểm giữa 8% và 0% giống như sự khác biệt giữa cái có lý và vô lý.
Khoảng cách giữa 8% và 0% là một khoảng cách quá xa đến mức không tưởng tượng nổi.
Xen giữa khoảng cách, giữa sự khác biệt ấy là đời sống của hàng triệu lao động, hàng triệu hộ gia đình đang nhận một đồng lương “mới đáp ứng 90-92% nhu cầu sống tối thiểu”- ngoặc kép là nhận định của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Bùi Sỹ Lợi.
Và ông Lợi cho rằng “vẫn phải tăng” lương với “mức tăng năm tới 6-7% là hợp lý, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa chủ sử dụng LÐ và người LД.
Hôm qua, Viện trưởng Viện Công nhân công đoàn Vũ Quang Thọ có nhắc tới Nghị quyết 27 của TƯ về cải cách chính sách tiền lương với mục tiêu: Đến năm 2020 phải kết phúc lộ trình đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu.
Lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Đó hơn cả một nguyên tắc, còn là sự công bằng đối với những người lao động đang trực tiếp tạo ra của cải vật chất. Và thực tế, từ bao năm qua, với những “sự khác biệt quan điểm” này, lương tối thiểu đang trở thành một món nợ đồng lần kéo dài hết năm này đến năm khác.
Đã đến lúc khoảng cách của sự khác biệt cần phải được thu hẹp để có thể chấm dứt thực tế bán mồ hôi giá rẻ của người lao động. Bởi lương tối thiểu đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu có lẽ cũng mới là điều kiện cần và đủ để là tiền đề nói những câu chuyện khác, nâng cao NSLĐ chẳng hạn.
Món nợ ấy muốn kết thúc vào 2020 thì rõ ràng phải được bắt đầu từ ngày hôm nay. Và sự khác biệt- dù đứng trên giác độ bảo vệ quyền lợi nào, cũng phải hướng tới sự công bằng tối thiểu ấy.
Theo Anh Đào
Báo Lao động