Lương đủ sống thì không ai muốn tăng ca

(Dân trí) - Vì thu nhập của người lao động, đặc biệt là công nhân quá thấp nên họ buộc phải làm thêm giờ... Ai cũng mong có cuộc sống tốt nhưng nếu lại phải làm tăng ca nữa thì lấy đâu ra thời gian cho bản thân, gia đình?” ThuyNP: khuctieungao_12a4@yahoo.com nói lên nỗi lòng bao người.

“Tôi ủng hộ quan điểm của ông Đặng Ngọc Tùng: người nào cũng có mong muốn, khát khao được ở bên chăm sóc gia đình, không một người lao động nào muốn làm thêm giờ. Vì lương quá thấp, tiền lương không đủ sống nên buộc lòng người ta phải chấp nhận việc làm tăng giờ, tăng ca. Tôi ở quê lương không đủ sống phải dậy lúc 2-3giờ sáng đi trồng rau muống, 1 bó/1000đ để tăng thu nhập. Chứ lương 1,2 triệu/tháng lấy gì mà sống. Buộc phải bớt giờ của Nhà nước, dậy sớm đi làm thì buồn ngủ, sếp "lơ" là mình ngủ. Vì cuộc sống khó khăn, biết làm sao bây giờ!” - Minh Tâm: Bachmasonvuong@yahoo.com bày tỏ.

 

“Đói thì phải làm thêm thôi, chứ có ai thích cái việc đó đâu. Người lao động Việt Nam có mức lương quá thấp, chế độ đãi ngộ lại nghèo nàn, đặc biêt là công nhân. Tôi hoan nghênh việc tăng thêm ngày nghỉ Tết âm lịch hàng năm. Các nước phát triển đã áp dụng như thế từ lâu rồi” - nam long: kytucxa2003@yahoo.com trăn trở.

 

Tương tự, Nguyễn Xuân Tới  conloctinh_xt@yahoo.com.vn chua chát. “Tôi ủng hộ việc tăng thêm ngày nghỉ tết để cho những người làm xa có thời gian nghỉ. Không ủng hộ việc tăng giờ làm thêm vì không tăng họ cũng phải làm rồi, không những làm 10h/ngày mà còn hơn rất nhiều là đằng khác. VD điển hình là ngày trước (năm 2010) tôi làm công nhân tại công ty KIM KHÍ THĂNG LONG ở Sài Đồng, Gia Lâm. Công nhân chúng tôi bị ép làm 12h/ngày không có cả chủ nhật, hi hữu lắm mới có 1 ngày nghỉ mà làm trong môi trường độc hại (hàn xì). Thế mà công nhân vẫn phải chấp nhận, VÌ TIỀN MÀ. Tiền ăn công ty cho "rất nhiều" những... 8000đ/1bữa, nhiều không thưa các bạn? Thôi tôi chỉ bày tỏ quan điểm vậy thôi, mong các cán bộ CÓ TRÁCH NHIỆM xem xét lại”
 
Lương đủ sống thì không ai muốn tăng ca - 1

Lao động vất vả nhưng đời sống CN còn rất nhiều khó khăn (nguồn ảnh: Vinacomin.vn)

 

“Không có người giàu nào lại xin đi làm thêm. Là CBCNVC quá nghèo trong cái giàu có của doanh nghiệp mới "xung phong" để "được làm thêm", nghĩa là chịu cho chủ bóc lột sức lao động lần hai nhưng ít ra cũng có thu nhập chút đỉnh để bù vào thiếu thốn của gia cảnh. Đề nghị Chủ tịch LĐLĐ Việt Nam cho điều tra kỹ lưỡng và so sánh thu nhập của chủ doanh nghiệp với người lao động, để thấy mức độ chênh lệch trời - đất, và xem xét lại nghị định 235 về tiền lương đã lạc hậu đến mức nào. Không nên tin vào chỉ số bình quân tiền lương để nói rằng thu nhập doanh nghiệp A,B.C...là cao hay thấp”- Đậu Đức Dĩnh: dinhhoanm5@gmail.com phân tích.

 

“Tăng giờ làm thêm trong khi lương thực tế lại không tăng. Vậy vô hình trung đã giúp các DN có cơ hội để bóc lột sức người lao động. Tăng thêm giờ làm thêm? Vậy thời gian đâu cho gia đình, học tập và giải trí.... Vấn đề là cần cải thiện mức lương mà họ nhận được! Chả lẽ người lao động muốn tăng thu nhập để đảm bảo mức sống là cứ phải làm thêm tối tăm mặt mũi? Đã ai muốn hỏi xem người lao động cảm thấy thế nào chưa? Lấy biểu quyết về những vấn đề liên quan đến chính họ chưa?... Nếu làm được vậy, tôi tin sẽ không còn chuyện cứ ban hành văn bản rồi lại phải xem xét lại...” -  nguyen thi hong nhung: nhungbin@gmail.com bức xúc.

 

Cùng chung quan điểm, Bùi Phú Doanh: pdoanh@gmail.com gay gắt: “Đúng là đa số người lao động Việt Nam ta đang bị bóc lột sức lao động quá mức... Tôi từng làm ở công ty dệt may và đã phải làm tới 12 h mỗi ngày. Là công nhân chẳng ai muốn đi làm thêm giờ, tăng ca, tăng kíp là gì. Tất cả chỉ vì đồng lương quá bèo bọt nên chúng tôi mới phải làm. So sánh giờ làm việc với các nước trên là còn quá ít, cần so sánh ngày nghỉ của người lao động của chúng ta với họ nữa chứ. Một năm nghỉ có 9 ngày có vẻ nhiều quá đối với những người sử dụng người lao động chúng tôi chăng? Tôi đồng tình là không tăng thêm thời gian làm thêm mà phải giảm xuống, đồng thời tăng thêm ngày nghỉ tết ít nhất 1 ngày. Theo truyền thống dịp tết mới được sum họp đầy đủ mọi người trong gia đình, như vậy mới tốt cho xã hội nhiều hơn”.

 

“Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm không tăng thời gian làm thêm. Người lao động cần phải có thời gian để nghỉ ngơi. Tôi cũng đề nghị Quốc hội xem xét lại chế độ tiền trực của viên chức y tế, trực một đêm hơn 10 giờ đồng hồ mà được trả có vài chục nghìn đồng. Lương bác sĩ bây giờ là quá thấp, thấp một cách vô lý, càng thấp càng sinh ra nhiều tệ nạn!?" - nguyễn bá vượng: bacsi_115115@yahoo.com nêu rõ.   

 

Cải thiện mức lương tối thiếu để giảm áp lực?

 

“Quan điểm của tôi: Đây là 2 mặt của vấn đề thu nhập, chúng ta phải tách biệt thì mới giải quyết thỏa đáng.
 
1. Đưa ra mức lương tối thiểu phù hợp với hiện tại và có khả năng tự điều chỉnh theo trượt giá (có thể lấy CPI làm căn cứ).
 
2. Đưa ra tiêu chuẩn tổng số ngày làm việc trong năm, số giờ làm việc trong tuần hợp lý.
 
3. Về số giờ làm thêm trong năm: Khi 2 điều kiện trên đã phù hợp thì đây là vấn đề tự nguyện, được linh động để thỏa mãn nhu cầu của người lao động, người sử dụng lao động. Ví dụ: 1 lao động độc thân thì nhu cầu bức thiết về mặt kinh tế là: 3 triệu đồng/tháng. Nhưng 1 lao động có hoàn cảnh khác phải nuôi con nhỏ, nuôi gia đình... thì nhu cầu 4 triệu, 5 triệu... vậy thì làm thế nào để vượt khó nếu không làm thêm? Nếu đưa ra số giờ làm thêm tối đa 200 h/ năm. Thì cũng có nghĩa là cơ hội để nuôi sống gia đình của những người này sẽ bị hạn chế.
 
Từ đấy suy ra CP có thể đưa ra giải pháp như sau: Số giờ làm thêm tối đa có thể như các nước lân cận, lên đến 36h/tháng x 12= 432 h/ năm. Nhưng luật phải qui định rõ: Thứ nhất đảm bảo việc làm thêm dựa trên sự tự nguyện của người lao động. Thứ hai: người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm đối với sức khỏe người lao động” - Nguoi lao dong: lt_phanmap@yahoo.com.vn nêu giải pháp.

 

“Theo tôi cần phải nâng mức lương tối thiểu, đồng thời cũng để người lao động làm việc 44giờ/tuần thay vì 48giờ/tuần, nếu làm 48giờ/tuần thì sẽ có 44giờ làm việc + 4giờ làm thêm -> tăng thêm thu nhập cho người lao động và đảm bảo sức lao động cho họ. Một vấn đề nữa là cần tăng thêm số ngày nghỉ tết âm lịch (nghỉ tết + nghỉ cuối tuần = 1tuần) để họ có thời gian đoàn tụ gia đình dài hơn sau một năm làm việc cật lực vì đại đa số lao động đều ở xa” - Vinh:  vinhposco@gmail.com   

 

Nên quy định cụ thể để khống chế không cho doanh nghiệp khuyến khích làm thêm, bên cạnh đó nghiên cứu giải pháp trợ cấp thêm cho người lao động…Hoàng Mạnh Hùng: hmhvt81@gmail.com kiến nghị.   

 

Trái với những quan điểm trên, Đỗ Ngọc Sơn sonsontay@yahoo.com cho rằng" tăng lương cơ bản cũng không giải quyết được áp lực cuộc sống của người lao động, đồng thời  đưa ra câu hỏi đối với các nhà quản lý: “Theo tôi nghĩ giải pháp lương (tiền) không  giải quyết triệt để vấn về giá trị cuộc sống, vì  giá trị cuộc sống bình quân = giá trị  thu nhập bình quân - giá trị chi phí tối thiểu. Như vậy: Nhà nước phải có giải pháp cụ thể nhất là ăn ninh lương thực, thực phẩm, giảm lạm phát, tăng cường chăm sóc sức khỏe cộng đồng, chống tham nhũng, phân hóa vùng kinh tế trọng điểm...
 

Ví dụ: năm 2006 lương của tôi 850.000đ/tháng giá gạo 2000/kg, thịt lợn 5000/kg, nhân với 30 ngày. Chưa kể cưới xin, tiếp khách,con đi viện, tiền điện tiền thuê nhà... Giá trị cuộc sống tối thiểu của tôi = 850.000 nhân với 7.000đ nhân với 30 ngày = 640.000đ. Nếu như hiện nay lương 2.100.000đ, giá gạo 15.000/kg, thịt lợn 90.000/kg cùng với các chi phí trên tăng lên gấp 5-10 lần, giá trị tối thiểu của tôi = 2.100.000-105.000 nhân 30 = 1.050.000. Như vậy giá trị cuộc sống của tôi âm, chưa kể các khoản chi khác. Thế thì người lao động như chúng tôi có làm thêm giờ cũng vẫn không đủ sống”...

 

Trần Bách

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm