Lực lượng tự quản đô thị: Hãy quay về hình ảnh đẹp thập niên 1960!

(Dân trí) - Lực lượng tự quản đô thị vẫn giữ được những hình ảnh đẹp khi làm đúng chức năng chính là “hỗ trợ cùng các cơ quan chức năng trong việc gìn giữ trật tự đô thị, an toàn giao thông. Nhưng qua hành động thực tế, hình ảnh không đẹp về họ ngày càng nhiều.

Lực lượng tự quản rối từ trang phục cho đến tên gọi (ảnh: Minh Đức - Nguyễn Tú, nguồn: Tiền Phong)
Lực lượng tự quản rối từ trang phục đến tên gọi (ảnh: Minh Đức - Nguyễn Tú, nguồn: Tiền Phong) 
 

Lệnh ông, cồng bà
  

Hàng ngày vào giờ tan tầm chiều, người dân Thủ đô khi qua ngã tư phía cuối đường Giảng Võ nối sang Láng Hạ, chắc hẳn ai cũng hài lòng khi thấy có thêm một vài thành viên lực lượng tự quản (LLTQ) cùng tham gia điều tiết giao thông. Đó là bởi các anh chứng tỏ thái độ làm việc nghiêm túc, toàn tâm toàn ý vào công việc chính của mình là góp phần giảm ùn tắc giao thông.

 

Đáng tiếc rằng số đông hơn rất nhiều thành viên của LLTQ này không để lại được những ấn tượng tốt như vậy với cư dân. Thậm chí còn gây ra thêm nhiều điều tiếng và cả sự phản cảm lẽ ra không đáng có từ phía dư luận với các lực lượng chức năng nói chung.

 

“Là một người dân Hà Nội, tôi thấy việc sử dung đội ngũ dân phòng thời gian qua tuy cũng đem lại một số lợi ích, hiệu quả. Nhưng với nhiều cách hành xử và xử lý của đội ngũ này, tôi thấy họ quá lạm dụng quyền. Cách hành xử nhiều khi như rất gây phản cảm, thậm chí còn tỏ ra coi thường luật pháp và quyền con người. Việc bảo vệ trật tự, xử lý sai phạm là của cơ quan công quyền đại diện cho Nhà nước VN. Còn các thành viên này chỉ là người hỗ trợ, nhưng trên thực tế ở nhiều nơi thì họ vẫn có thể vẫn hiên ngang giơ gậy chặn xe, đòi xử phạt ...Đã đến lúc cần lập lại kỷ cương pháp luật và sự uy nghi của bộ máy công quyền, lực lượng vũ trang, để dân không mất thêm lòng tin nữa…” – Qhai

 

“Ơ hay nhỉ. CSGT thì cần thẻ xanh mới được chặn xe, còn lực lượng dân phòng thì được tự ý chốt chặn. Thế mới biết nhiều khi lệnh ông vẫn không bằng cồng bà. Ở địa phương tôi đang sinh sống cũng xảy ra tình trạng tương tự. Công an xã và tự quản cũng có quyền lập chốt chặn xe to như… dọa dân (?) Đã đến lúc cần quy định chặt chẽ việc lập chốt chặn xe là của CAGT, còn lực lượng dân phòng và tự quản chỉ là lực lượng phối hợp (đúng chức năng) với CSGT. Không thể cứ buông lỏng cho lực lượng này làm ẩu, làm bừa được. Cần chấm dứt ngay tình trạng này!” - Lê Văn Hoạt

 

“Tôi thấy giờ tất cả cứ rối tung cả lên. Mấy ông dân phòng thì có người được học hành đàng hoàng, có người không. Nhưng nhìn chung họ biết gì mấy về luật giao thông mà tham gia vào lĩnh vực bảo đảm trật tự giao thông đường bộ? Ai cấp phép cho họ, là người của nhà nước thực hiện nghĩa vụ hay là chỉ làm thuê… Dù sao tôi cũng tin là chẳng ai cấp phép cho họ để có thể ra chặn đầu xe của người dân cả…. Thấy mà thất vọng quá!” - Phạm Phú  

 

“Tình trạng này tôi thấy lâu rồi, nhưng chắc dư luận lên tiếng nhiều vì bây giờ mới được báo chí phản ánh cụ thể thôi. Các chú công an áo vàng thường chỉ đứng cạnh cửa xe để phạt, còn các vị áo xanh lại đi bắt người đòi kiểm tra hành chính, xử lý vi phạm giao thông nhiều hơn… Sợ liên ngành quá, toàn tranh thủ hành dân!!!” - Mr Nguyên  

 
Đồng phục cho lực lượng tự quản mỗi nơi một kiểu (ảnh: T.N, nguồn: Tiền Phong)
Đồng phục cho lực lượng tự quản mỗi nơi một kiểu (ảnh: T.N, nguồn: Tiền Phong) 
 

Quý hồ tinh, bất quý hồ đa

 

Có một thực tế là lâu nay điệp khúc “lực lượng mỏng” thường được các ngành chức năng đưa ra để lý giải cho hậu quả không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhưng với giao thông nói riêng và nhiều lĩnh vực khác nói chung, một điều ai cũng dễ nhận thấy là quân số thì rất hùng hậu mà hiệu quả công việc luôn quá “khiêm tốn”.

 

“Lực lượng nói chung là khá ‘bát nháo’ này thường đứng trên thùng xe CS (theo tôi, như vậy là vi phạm luật GT). Họ thường được CS huy động vào các "điểm nóng" để giành giật, xô đẩy và múa gậy…. Xin hãy quay về với hình ảnh đẹp những năm 1960  là các tổ tuần tra dân phố, đội viên cứu hỏa. Ngày ấy những con người ấy chỉ có băng đỏ và chiếc còi mà vẫn góp phần gìn giữ bình yên khu phố rất tốt. Hà Nội ngày ấy có điển hình là ở khối 30 khu Đống Đa (nay là đoạn phố Tôn Đức Thắng)” - Cung Chính Đoàn

 

“Công tác quản lý của ta thế nào mà cho nhiều lực lượng kiểm soát giao thông như thế? Không biết ở nơi khác thế nào, chứ ở Hà Tĩnh chúng tôi hiện nay có rất nhiều lực lượng tham gia kiểm tra, kiểm soát vấn đề an toàn giao thông như: CSGT, CS cơ động 113, thanh tra giao thông, Công an phường, trật tự đô thị phường (không biết có còn sót lực lượng nào nữa không?) Và lực lượng nào cũng có quyền thổi còi phạt dân. Kiểu này an toàn giao thông không giảm mà còn tạo cơ hội cho tham nhũng, mãi lộ” –

 

“Các bạn hãy nhìn, suy nghĩ và tính toán mà xem: Trên toàn quốc có bao nhiêu người đang trong độ tuổi lao động, bao nhiêu người làm ra sản phẩm, đóng thuế cho ngân sách hàng ngày và bao nhiêu người chỉ làm những công việc đại loại như trên để hưởng lương ngân sách?... Thời bình mà lắm… chức năng quá. Không thể hiểu nổi sẽ lấy tiền đâu để trả đây?” - Phạm Minh Hùng

 

 “Mình không có thiện cảm đối với đội ngũ tự quản như này, vì thấy các chú ấy phần lớn là làm việc theo cảm hứng và không ngần ngại… mắng mỏ người dân giữa đường trong khi đường đang tắc. Thêm vào đó là thể hiện nghiệp vụ kém, sự phối hợp cũng kém ăn ý với lực lượng CSGT. Nói thật chứ không có cả công an giao thông và lực lượng này người dân có thể vẫn đi bình thường, thậm chí còn bớt tắc đường hơn nếu các chú ấy không… khua tay múa chân” - Đinh Công Bằng

 

Tựu trung lại, ý kiến của đại đa số cư dân hiện nay đều có điểm chung với Nguyễn Đình Yên: “Nhà nước cần nghiêm túc xem xét lại tính pháp lý trong việc hình thành các lực lượng mang tính chất "công cụ cưỡng chế" (đồng phục, dùi cui...) như dạng "tự quản" này và lường trước, nếu hậu quả xảy ra thì ai chịu trách nhiệm?”

 

Và với M-Đ-Long: “Theo tôi có lẽ nên chấm dứt hoạt động của lực lượng này, tăng cường lực lượng công an để mang tính chuyên nghiệp giải quyết công việc hiệu quả hơn”.

 

Khánh Tùng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm