Bạn đọc viết

Luật pháp phải vì con người, vì sự phát triển của gia đình và xã hội

Mấy ngày nay có những ý kiến không đồng tình về Dự thảo Bộ luật Lao động mới năm 2017 có hiệu lực vào năm 2018 ở nội dung thay đổi một số quyền lợi của lao động nữ .


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Theo Bộ luật Lao động năm 2012, điều 155, khoản 5 Lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động. Tuy nhiên, Dự thảo Bộ luật Lao động mới năm 2017 (dự kiến bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 để thay thế Bộ luật Lao động 2012) lại bãi bỏ những quy định có lợi cho lao động nữ nêu trên. Sự thụt lùi này được một số nhà bình luận nhận xét rằng: đối với các lao động nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt và sinh con nhỏ, sẽ không có ưu ái nào về giờ làm việc tồn tại nữa.

Là một ngườinghiên cứu Giới, tôi có mấy ý kiến trao đổi với những người soạn thảo Dự thảo này. Trước hết để trả lời câu hỏi: Thế nào là ưu ái và thế nào là công bằng? Các nhà làm luật cần nắm vững nguyên tắc của Luật pháp là luật pháp là bộ mặt của quốc gia, là thước đo trình độ phát triển của xã hội. Bên cạnh việc đảm bảo kỷ cương trật tự cho xã hội, luật pháp còn phải vì con người, vì sự phát triển của gia đình và xã hội.

Với những tiêu chí trên thì một số điều khoản của Dự thảo Bộ luật Lao động mới năm 2017 là một bước thụt lùi so với Bộ luật Lao động năm 2012. Chúng ta có thể đặt câu hỏi là: Tại sao khi cả xã hội ta đang hướng tới mục tiêu phát triển con người, coi con người vừa là động lực vừa là sự phát triển, đang có nhiều chính sách tiến bộ, tại sao khi cả xã hội đang hướng tới việc tôn trọng phụ nữ với tư cách là những người mẹ, người thầy đầu tiên của con người để tạo điều kiện tố nhất cho họ thì một số người có trách nhiệm lại đưa ra những điều khoản như vậy?

Theo kết quả điều tra dân số và nhà ở giữa năm 2014, tổng dân số Việt Nam đạt gần 90,5 triệu người, trong đó nam chiếm hơn 49%, nữ chiếm gần 51%. Cũng theo Tổng cục thống kê thì đến 1/10/2015, lao động của Việt Nam từ 15 tuổi trở lên là 54,32 triệu trong đó nam chiếm 51,77%, nữ chiếm 48,23%.Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cho biết có khoảng 72% phụ nữ tham gia lực lượng lao động ở Việt Nam và tỷ lệ này cao hơn phần lớn các nước khác trên toàn cầu.

Như vậy, cùng với nam giới phụ nữ là những người sản xuất chính, tạo ra của cải vật chất cho xã hội nhưng giữa hai nhóm này có sự khác biệt. Chẳng hạn, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có khoảng cách lương về giới ngày càng tăng, ngược với xu hướng giảm ở phần lớn các nước khác.Theo số liệu năm 2011 của Tổng cục thống kê, thu nhập của phụ nữ thấp hơn nam giới 13%. Khảo sát lương công nhân trong các doanh nghiệp do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) thực hiện trong năm 2012 cũng cho thấy lương của nữ công nhân ít, chỉ bằng 70-80% các đồng nghiệp nam (Khoảng cách thu nhập theo giới trung bình trên toàn cầu ở mức 17%). Phụ nữ thường chỉ làm những công việc thông thường trong khi các vị trí quản lý thường do nam giới đảm trách.

Tuy nhiên, phụ nữ là người sản xuất không thua kém nam giới nhưng họ phải chịu nhiều thiệt thòi.

Có những thiệt thòi do Tạo hóa mang lại, có những thiệt thòi do xã hội mang lại. Trước hết sức vóc của phụ nữ không to lớn, tráng kiện như đàn ông. Thêm nữa họ có sự khác biệt giới tính, đặc biệt là chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng. Kinh kỳ là thước đo sức khỏe của người phụ nữ để chuẩn bị cho việc sinh nở. Chu kỳ này dù bình thường cũng khiến cho chị em rất mệt mỏi trong những ngày này. Đau bụng, đau lưng triền miên, rời rã tứ chi, thậm chí nếu làm việc căng thẳng có thể bị rong kinh và các biến chứng khác. Việc phụ nữ được nghỉ 30 phút trong những ngày này không có nghĩa là sự “ưu đãi” mà Bộ luật năm 2012 mang lại mà là sự công bằng khi các nhà làm luật hiểu rằng, phụ nữ cần phải được vệ sinh, nghỉ ngơi để tránh nhiễm trùng hoặc bệnh tật.

Một chức năng giới tính khác vô cùng quan trọng đã buộc phụ nữ phải gánh chịu. Đó là mang thai sinh đẻ ra loài người. Việc đó, nam giới không làm được và các chủ doanh nghiệp là nam giới phải thấu hiểu điều này. Nếu một đất nước không có người sinh nở thì đất nước đó sẽ tuyệt chủng. Nguy cơ này đã đe dọa nhiều nước khiến họ phải có những chính sách ưu đãi đặc biệt với phụ nữ khi sinh nở như Thụy Điển, Bungari… Còn ở Việt Nam, Dự thảo Bộ luật Lao động mới năm 2017 dự định thiếu quy định người lao động nữ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi được nghỉ 60 phút mỗi ngày để cho con bú. Bằng cách đó, luật pháp sẽ không chỉ nhằm vào phụ nữ mà còn hạn chế nguồn sữa mẹ qúy giá của trẻ con trong khi người Việt Nam bị coi là thấp bé nhẹ cân nhất thế giới và mọi người đều biết giá trị của sữa mẹ đối với trẻ trong 12 tháng tuổi đầu đời. Những chủ doanh nghiệp hy vọng rằng họ sẽ có thêm một tiếng lao động của phụ nữ nhưng họ không biết rằng sự lo lắngvề sức khỏe và nhu cầu của đứa con thơ dại sẽ đốt cháy tâm can người mẹ, làm giảm sự sáng tạo của họ trong lao động và tất nhiên, năng suất lao động không thể cao. Điều đáng nói là trong khi người phụ nữ đang thực hiện thiên chức làm mẹ cao quý cho gia đình cũng đồng thời cho xã hội để phát triển nòi giống thì xã hội và luật pháp chưa quan tâm đẩy đủ, chia sẻ với họ. Dự thảo Luật 2017 cho thấy chỉ quan tâm tới lợi nhuận đơn thuần. Chúng ta cũng đi vào nền kinh tế thị trường nhưng chúng ta khác họ là có định hướng XHCN. Điều này khẳng định mọi vấn đề không thể chỉ tính bằng tiền mà Nhà nước cần có những chính sách tốt đẹp để phát triển con người, phát triển tính ưu việt, tính nhân văn của xã hội. Đầu tư cho con người là đầu tư lớn và quan trọng nhất và mang lại lợi ích lâu dài cho quốc gia, nếu chỉ nhằm vào lợi ích nhỏ trước mắt sẽ đưa đến những thiệt hại lớn lao không tính được.

Chúng ta cần biết rằng xã hội Việt Nam vẫn còn đang tồn tại sự phân công lao động bất hợp lý về giới. Gánh nặng gia đình với những công việc không được trả công là chăm sóc chồng, con và các thành viên gia đình, nội trợ… vẫn đang dồn trên vai phụ nữ. Đây không phải là Thiên chức mà là Xã hội chức, nghĩa là xã hội trao thêm gánh nặng do quan niệm, tập quán mà không tính đến quyền chính đáng và hợp pháp của phụ nữ.

Cần phải hiểu rằng: đầu tư cho phụ nữ chính là đầu tư cho cả gia đình, con cái họ (thế hệ mới) và rộng ra là cả xã hội. Phải hiểu trách nhiệm nuôi con nhỏ của phụ nữ là trách nhiệm của cả xã hội, góp phần tạo ra nòi giống khỏe mạnh, thông minh. Những điều khoản của Bộ luật Lao động năm 2012 , các quyền lợi của lao động nữ liên quan đến thai sản và các vấn đề riêng của phụ nữ đã được quy định tại điều 155 là các điều khoản tiến bộ, mang tính nhân văn cao nhưng chưa phải là hoàn hảo do điều kiện kinh tế của chúng ta còn chưa đầy đủ. Chúng ta còn chưa hài lòng với chính sách. Đó không phải là những điều khoản “ưu đãi” phụ nữ. Nhà nước, xã hội và gia đình có những quan điểm khoa học và công bằng trong việc nhìn nhận vấn đề phụ nữ, phần nào bù đắp sự thiệt thòi cho họ. Mong Nhà nước có cơ chế kiểm tra, giám sát các xí nghiệp trong việc thực hiện Bộ luật năm 2012 đối với người lao động nữ. luật pháp trước hết phải vì con người, vì sự phát triển của gia đình và xã hội.

GS, TS Lê Thị Quý

(Viện trưởng Viện nghiên cứu Giới và Phát triển)