Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí

(Dân trí) - Đại biểu Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đánh giá, việc hòa giải thành công sẽ giúp giải quyết tranh chấp triệt để mà không phải mở phiên tòa xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng nên tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và các bên liên quan.

Sáng 26/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thảo luận về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Tại phiên thảo luận đã có 24 đại biểu phát biểu và 1 đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và cho rằng, nội dung dự án Luật phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật; tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thu hút nguồn nhân lực có chất lượng và kinh nghiệm tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục vướng mắc, bất cập của cơ chế hòa giải, đối thoại hiện nay và giúp việc giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân nhanh chóng, tiết kiệm chi phí; từ đó, tạo sự đồng thuận, xây dựng khối đoàn kết trong Nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau: Về tên gọi, sự cần thiết ban hành Luật; phạm vi hòa giải, đối thoại tại Tòa án; việc thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án; tiêu chuẩn bổ nhiệm Hòa giải viên; trình tự nhận, phân công, xử lý đơn khởi kiện, đơn yêu cầu tại Tòa án; thời hạn hòa giải, đối thoại; người đại diện hợp pháp của các bên hòa giải, đối thoại; thủ tục công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án. Bên cạnh đó, có ý kiến đại biểu đề nghị: bổ sung quy định về hòa giải, đối thoại có yếu tố nước ngoài; cân nhắc hình thức kỷ luật đối với hòa giải viên, đối thoại viên; tiếp tục làm rõ mối quan hệ  giữa dự án Luật này với các luật khác có liên quan đến hòa giải, đối thoại.

Sau thảo luận, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, Quốc hội đánh giá cao sáng kiến của Tòa án nhân dân tối cao về việc soạn thảo dự án Luật, góp phần tạo thêm cơ chế giải quyết tranh chấp, khiếu kiện tại Tòa án. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với Tòa án nhân dân tối cao tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Liên quan đến nội dung trên, đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Lan (Đoàn Hà Nội) đã có bài viết gửi đến báo Dân trí. Trong bài viết của mình, bà Lan cho rằng, việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và tán thành với nội dung Tờ trình của Tòa án Nhân dân Tối cao về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí - 1

Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Lan.

Bà Lan khẳng định, hòa giải là phương thức giải quyết tranh chấp thân thiện, phù hợp với tâm lý, tình cảm và truyền thống trọng tình, trọng đức, trọng văn hóa của người Việt Nam. Việc hòa giải thành sẽ giúp giải quyết tranh chấp triệt để mà không phải mở phiên tòa xét xử theo quy định của pháp luật tố tụng nên tiết kiệm được thời gian, chi phí, công sức của Nhà nước và các bên liên quan.

Cũng theo bà Lan, với những ý nghĩa, vai trò trên, thiết chế hòa giải được quy định trong rất nhiều Nghị quyết của Đảng như: Nghị quyết số 49/2005 của Bộ Chính trị ngày 02 tháng 6 năm 2015 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, Nghị quyết số 11/2017 của Ban Chấp hành Trung ương ngày 03 tháng 6 năm 2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa… Đặc biệt, tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: “Việc Tòa án mở rộng thí điểm hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính là một hướng đi đúng đắn. Trên cơ sở tổng kết thí điểm, phải nghiên cứu để tạo ra các thiết chế bảo đảm quyền tự quyết của người dân theo đúng tinh thần việc dân sự cốt ở đôi bên”.

Ngoài ra, bà Lan cho rằng: “Tôi đồng ý ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án bởi những thành công từ việc triển khai mô hình thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trong thời gian qua”. Bà Lan dẫn chứng: Theo tờ trình của Tòa án Nhân dân Tối cao về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các Trung tâm Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải thành, đối thoại thành 36.985 vụ việc, trên tổng số 47.493 vụ việc được hòa giải, đối thoại (đạt tỷ lệ 78,08%). Số vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành tại 16 tỉnh, thành phố đã giúp các Tòa án thực hiện thí điểm không phải thụ lý 36.985 vụ việc. Điều này, góp phần giảm khối lượng công việc của tòa án trong bối cảnh các tranh chấp, khiếu kiện không ngừng tăng lên.

Mặc dù hoàn toàn ủng hộ việc ban hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhưng bà Lan cũng chia sẻ thêm một số góp ý của Bà đối với Ban soạn thảo về quy định nguyên tắc hòa giải, đối ngoại (Điều 3), quy định trách nhiệm của tòa án nơi tiến hành hòa giải, đối thoại (Điều 7), quy định về tiêu chuẩn hòa giải viên (Điều 9), quy định kinh phí cho công tác hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 6)…

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lan