Lừa dối khách hàng bị xử lý như thế nào?

Trong các giao dịch mua bán, quyền lợi của khách hàng (người mua) phải luôn được người cung cấp dịch vụ, sản phẩm (người bán) tôn trọng. Để bảo đảm nguyên tắc này, pháp luật cũng đã quy định rất rõ về chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi lừa dối khách hàng…

Kinh tế -xã hội phát triển, các giao dịch mua bán đã trở nên ngày càng phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân nên quyền lợi chính đáng của khách hàng không phải lúc nào cũng được bảo đảm,  thậm chí, trong một số trường hợp, quyền lợi của khách hàng còn xâm hại nghiêm trọng với tính chất phức tạp, nguy hiểm. Hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ xảy ra ở một lĩnh vực mà còn diễn ra trên nhiều lĩnh vực  với nhiều hình thức khác nhau.

Là một hành vi nằm trong nhóm hành vi vi phạm quyền lợi của người tiêu dùng, lừa dối khách hàng là hiện tượng khá phổ biến trong xã hội hiện nay, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh nào cũng muốn thu lợi nhuận cao từ việc kinh doanh nên dẫn tới hiện tượng lừa dối khách hàng. Nhưng trên thực tế, số đối tượng có hành vi lừa dối khách hàng bị truy tố trách nhiệm hình sự chưa nhiều.

Lừa dối khách hàng bị xử lý như thế nào? - 1
Các bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Lừa dối khách hàng” trong vụ gian lận xăngtại Cửa hàng xăng dầu số 436 đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. (Nguồn: kinhtedothi.vn)

Luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH Harvard (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, lừa dối khách hàng là hành vi gian dối của người bán hàng trong việc mua bán gây thiệt hại cho khách hàng. Lừa dối khách hàng là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm quyền sở hữu của người khác cũng như xâm phạm trật tự quản lý thị trường. "Tội lừa dối khách hàng" là tội phạm đã được quy định tại điều 170 Bộ luật Hình sự năm 1985 và điều 162 Bộ luật Hình sự 1999 và hiện nay là điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.

Cụ thể, điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) quy định về" Tội lừa dối khách hàng":

1. Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

“Hành vi lừa dối khách hàng được thực hiện với lỗi cố ý, người phạm tội biết rõ hành vi lừa dối khách hàng của mình là nguy hiểm cho xã hội nhưng vì vụ lợi bất chính vẫn cố tình thực hiện tội phạm. Khi phát hiện bị lừa dối, người mua hàng có thể tố giác tới cơ quan chức năng để được bảo vệ quyền lợi”, Luật sư Đỗ Xuân Đang nhấn mạnh.

Lừa dối khách hàng bị xử lý như thế nào? - 2
 
Luật sư Đỗ Xuân Đang, Công ty Luật TNHH Harvard - Đoàn Luật sư TP Hà Nội. (Ảnh: QM)

Đồng tình với quan điểm nêu trên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết: Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là do cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là trái pháp luật, biết rõ hành vi của mình là gây thiệt hại cho khách hàng, nhưng vẫn thực hiện.

Tội lừa dối khách hàng gần giống với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định trong Bộ luật Hình sự, người phạm tội cũng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền hoặc tài sản của người khác. Tuy nhiên, tội lừa dối khách hàng hành vi gian dối chỉ trong phạm vi mua bán đối với khách hàng và cũng chỉ trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng. Chỉ có khách hàng mới là người bị thiệt hại, đây là dấu hiệu để phân biệt tội lừa dối khách hàng với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, có thể thấy pháp luật hiện hành đã có những quy định cụ thể, rõ ràng về "Tội lừa dối khách hàng”. Để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ, thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý kiên quyết đối với những đối tượng phạm tội “Lừa dối khách hàng”; với những vụ việc có tính chất mức độ nghiêm trọng cần tiến hành truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định. Đặc biệt, đối với khách hàng, người sử dụng sản phẩm, dịch vụ, nếu phát hiện hành vi lừa dối của người bán hàng, người cung cấp dịch vụ thì cần chủ động trình báo, hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình./.

Theo Quang Minh

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam