Lựa chọn “đi xe của bộ” hoặc xe của mình thời Thuế/Phí

(Dân trí) - Thông tin “gánh nặng thuế/ phí ở Việt Nam cao nhất khu vực” có lẽ chẳng còn khiến bất kỳ công dân VN nào phải… kinh ngạc. Có chăng chỉ càng làm bùng nổ thêm nhiều lời ca thán về cái “kỷ lục” mà chính nhiều người dân ta đã tự cảnh báo từ lâu.

 
Chia sẻ ở… lời nói
 

Chia sẻ ở… lời nói
 

Cứ nhắc tới thuế và phí là có tới 99,99% người dân lại kêu trời. Trong khi những nơi được thu cứ ra sức thanh minh nào là thu như vậy còn thấp so với khu vực và thế giới, thu chưa đủ bù chi… Nói tóm lại thu như thế vẫn còn là … khoan sức dân rồi đó !???) Vậy giờ đây các vị “thích Thu” ấy giải thích ra sao trước con số: Việt Nam gánh chịu tỉ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực?

 

Nick Chưa hết đâu lucp15384@gmail.com nói thêm cho rõ:

 

“Mỗi ngành lại cho ra một loại thuế, phí thì với từng đó... có nhằm nhò gì. Ví dụ nhu phí bảo trì đường bộ mà lâu nay đang bàn tán đấy. Điều đáng nói ở đây là sau khi thu phí thì vấn đề bảo trì có tốt hơn không? Chứ hiện tại thấy đường thì ổ gà, ổ voi cả mấy tháng trời chẳng thấy sửa, rồi từ đó tai nạn giao thông lại đổ lỗi cho "Không làm chủ được tốc độ". Vậy thì chẳng ai tự dưng bỏ tiền túi ra chi lương cho mấy ông quản lý nguồn phí này, mà chất lượng giao thông lại chẳng tốt hơn. Bó tay!”

 

Đúng là chưa hết, bởi ở nước ta xưa nay cái chính thức có khi còn không đáng sợ bằng cái “tự nguyện” (kiểu như ngành Giáo dục ép phụ huynh học sinh “tự nguyện” đóng góp, tự nguyện buộc con phải đi học thêm...) Ví dụ nhỡn tiền là 1 danh sách khá dài được Chu Kim Long chukimlongtct@yahoo.com.vn liệt kê với lời kết luận khá... chuẩn:

 

“Nếu tính cả các khoản thu "tự nguyện" đóng góp ngày chúa nhật do phường và khu phố phát động nữa thì còn lè lưỡi: quĩ trẻ em nghèo lang thang, quĩ phụ nữ nghèo, quĩ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, quĩ nhà tình thương, quĩ nhà tình nghĩa, quĩ làm đường, quĩ ủng hộ.....có khoảng hơn 15 loại quĩ mà ta phải đóng. Ngoài việc ăn bó rau, cân gạo, con cá, lạng thịt, uống lít nước, thắp cái bóng đèn, gọi cuộc điện thoại, đọc trang báo, đổ lít xăng, mua viên thuốc cảm ho... Tất cả ta phải chi 5% - 10% thuế VAT. Thật chả hay chút nào với người dân cả. Đành rằng sống ở quốc gia nào cũng phải đóng thuế, nhưng với tỉ lệ thu cao nhất khu vực thì ngành thuế VN rõ ràng chỉ chia sẻ khó khăn với dân ở... lời nói mà thôi”.

 

Nick Phí và Thuế? nguyenquoc_vu1977@yahoo.com đào xới sâu hơn:

 

“Về bản chất, thuế và phí đều là tiền của nhân dân. Dân ta đang phải đóng và chịu rất nhiều khoản thuế và phí ở mức cao, có nhiều khoản vô lý nhưng hiệu quả quản lý của Nhà nước với đồng tiền và tài sản của nhân dân lại rất thấp, chỉ thấy lỗ và thất thoát là nhiều. Các doanh nghiệp, tập đoàn Nhà nước thì người dân ai cũng kêu  là càng làm càng lỗ, càng gây thất thoát. Giờ lại nghe tin tiếp tục đề xuất thu thêm nhiều loại thuế và phí khác (phải chăng nhằm bù lại các khoản này?) Như vậy, vô hình trung chỉ có dân phải làm kinh tế, còn các tập đoàn doanh nghiệp Nhà nước có nhiệm vụ tiêu tiền?  Tôi nghĩ, Nhà nước cần có chính sách thuế, phí phù hợp để khuyến khích các hoạt động kinh tế mang lại lợi nhuận kinh tế, mạnh tay dẹp các doanh nghiệp làm ăn yếu kém gây thất thoát tài sản, tiền bạc của nhân dân thì mới mong đất nước giàu mạnh và phát triển nhanh được”. 

 

Nguyễn Thanh Thanh Joe@plexam.com có lẽ chẳng còn biết nói gì hơn  là buông tiếng thở dài ngao ngán:

 

“Ngán ngẩm quá cho các loại thuế, phí mỗi ngày một tăng, một nhiều lên và chồng chéo lên nhau. Sao không có ai hoặc cơ quan nào tìm cách tháo gỡ ra, bỏ đi cho chính xác và minh bạch?”
 
Trong các nguồn thu ngân sách, thu thuế chiếm tỉ trọng lớn nhất
Trong các nguồn thu ngân sách, thu thuế chiếm tỉ trọng lớn nhất

 

Lựa chọn eo hẹp: “Xe của bộ” hay xe của mình

 

Bức xúc về “ma trận” Thuế/Phí đã rất nhiều,  nên giờ đây xem ra dư luận cũng chẳng còn giữ được nhiệt huyết để luận bàn sôi nổi tiếp về cái bị cho là “tối kiến” - hạn chế phương tiện cá nhân, mà  Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cùng chung quan điểm với đa số người dân coi đó chỉ “thu tiền của dân là chính”. Còn người sử dụng phương tiện giao thông thì hiểu nôm na rằng loại phí đang bị “đe” thu thêm này chỉ nhằm “cấm” dân sử dụng chính những chiếc xe mà mình đã trót bỏ tiền ra mua.

 

Than thở hoài thì ai cũng thấy rõ là chẳng còn lựa chọn nào hơn, chắc vẫn phải bấm bụng đóng thêm phí hạn chế phương tiện (khó thoát lắm!) để được đi xe của mình, thay vì phải đối mặt với nguy cơ “đi xe của Bộ” (đi bộ).

 

“Chuyện này nói hoài nghe phát chán. Có lẽ là cứ lâu lâu có một ông mới lên, lại đề xuất phí này phí nọ, phí chồng phí, thuế chồng lên thuế, nhưng mục đích vẫn chỉ là thu thêm tiền của dân mà thôi. Ai đời mỗi lít xăng người dân phải đóng trên 8.000 đồng tiền thuế và phí, trong khi Việt Nam là nước xuất khẩu dầu mỏ và có nhà máy lọc dầu Dung Quất !? Xăng dầu là nhiên liệu phục vụ sản xuất và là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu của đời sống đại bộ phận nhân dân, mà lại bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt như với rượu ngoại mới càng đau chứ! Lên báo đọc hoài mà càng thấy nản với cách suy nghĩ của mấy vị công bộc của dân như thế này…”  - Nguyễn Xuân Hòa: hoabinh_edu@yahoo.com

 

“Đất nước chúng ta diện tích có nhỏ như Singapore đâu mà lại sinh ra cái tối kiến hạn chế phương tiện cá nhân? Cả nước có mỗi Hà Nội và TP HCM là chật chội đường sá thôi, chứ gần 60 chục tỉnh thành khác đường đất đâu có chật? Chỉ vì tắc đường ở HN, TP HCM mà lại ra 1 cái chính sách trên thực tế là áp dụng với người dân cả nước, thì hỏi xem thông thương hàng hóa chắc phải nhờ mấy hộ kinh doanh vận tải, tiểu thương, trung gian ư? Thế thì khi nào cung mới gặp được cầu một cách nhanh và ít chi phí nhất?

 

Các bác làm ăn thời cơ chế thị trường mà cứ giữ tư duy vẫn như từ thời bao cấp ý. Cấm vào nội đô thì cứ cấm, ai nói gì đâu. Nhưng đừng hạn chế quyền sở hữu tài sản của người dân. Người ta mua một cái xe thì chắc phải nộp thuế cho nhà nước bằng cái xe đó hoặc 2 cái xe đó. Cứ cho người dân mua, người dân nộp thuế có phải tốt hơn không, mặc dù không phải tốt nhất vì lại "hạn chế về mặt nhận thức" - Cung Đinh: cungdinh@gmail.com

 

“Tôi nghĩ, những biện pháp "hạn chế" chỉ nói lên sự thiếu năng lực của các cá nhân ở bộ phận quản lý khi đưa ra đề xuất. Nếu phương tiện công cộng đáp ứng đầy đủ, thỏa mãn nhu cầu người dân thì ta còn có thể châm chước được. Đằng này cơ sở hạ tầng yếu kém, đường sá chật hẹp, phương tiện công cộng thì khả năng chưa đáp ứng được 1/3 nhu cầu người dân. Vậy mà những khối óc cao siêu nào đó vẫn nghĩ ra biện pháp "hạn chế" thì quả thực là "bó cả tay lẫn chân"! Sao mà dân không phản ứng mạnh mẽ được chứ?” -  Lê Khôi Nguyên:  khoinguyenpp@yahoo.com.vn

 

“Có thu phí hạn chế giao thông thì người dân cần đi vẫn phải đi chứ không có phương tiện nào khác. Khi nào các phương tiện vận tải công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm.... được cải tiến và thuận tiện, văn minh lịch sự thì người dân tự khắc sẽ bỏ xe máy để dùng các phương tiện này” - Ngọc Minh:  ngocminh@gmail.com

 

“Các bác giao thông không có sáng kiến nào cho đỡ ùn tắc nên toàn đánh vào tài chính vốn đã khó khăn của người dân? Hình như các bác giàu quá, có xe riêng, dư tiền để đóng phí với lại còn xe của cơ quan nữa nên mới toàn nghĩ ra những cách như vậy? Còn người dân không dùng xe cá nhân thì đi bộ cả sao? Thôi, đành lại cố thắt lưng buộc bụng nộp tiếp cho các bác để được… đi xe của mình vậy” – Tran Binh: trqbinh@gmail.com
 
Ùn tắc giao thông trên tuyến đường vào trung tâm thành phố Hà Nội (ảnh: Quang Phong)
Ùn tắc giao thông trên tuyến đường vào trung tâm thành phố Hà Nội (ảnh: Quang Phong)

 

Hết biết!!!

 

Nhiều người đã phải kêu lên như vậy trước cảnh quả bóng khó khăn luôn được giới chức các ngành nhanh chóng đá về phía dân.

 

“Tôi chỉ hỏi đơn giản thế này: nếu thiếu cái xe máy thì chúng ta sẽ gặp phải khó khăn gì?  + Trước hết đó là phương tiện thiết yếu, nên dân sẽ không thể di chuyển hàng ngày thuận tiện được. + Đại đa số dân mình còn nghèo nên xe máy là phương tiện kiếm sống chính. Vậy nên nếu có đánh thuế thì người dân cũng không thể bỏ xe máy để đi xe đạp, do đó dân chỉ còn cách còng lưng ra gánh phí.

 

Có một điều mà ai cũng nhìn thấy được đó là công tác quy hoạch nước ta không theo kịp và dự báo chính xác để phát triển hạ tầng. Một số thành phố mới thì nhà cao tầng cứ mọc giữa trung tâm, còn đường giao thông thì vẫn .... như cũ. Hãy nhìn cách làm của Đà Nẵng, tuy chưa triệt để nhưng có thể nói là tốt nhất hiện nay về giao thông. Kể cả ý thức người dân khi TP có chủ trương về giao thông như phân làn, hay mũ bảo hiểm đội đúng quy định… Ngoài ý thức nhân dân thì phải nói công tác tuyên truyền các cơ quan chức năng đến người dân cũng tốt. Hay nói cách khác dân thấy được lợi ích của mình trong mỗi chính sách.

 

 Và mong mỏi lớn nhất của tôi là các cấp lãnh đạo hãy nhìn và hiểu được sự vất vả của người dân, dân ta còn nghèo nhiều lắm. Một số nơi còn phải đánh cược cả tính mạng con em  mình khi các em đi học qua sông vẫn phải bằng chỉ một sợi cáp…  Vậy nên trước khi ban hành một chính sách gì đó thì hãy xem đã hợp lòng dân chưa!?” - Hoàng Văn Quyền: hvquyen@gmail.com
 

Hỏi cũng chỉ là để cho có mà thôi, vì câu trả lời hợp lý chắc sẽ chẳng bao giờ dân nghe được đâu. Nên chăng không chê được thì đành… khen ngợi theo cách Hoa Nguyen Quoc quochoa620@yahoo.com dí dỏm:

 

“Thật là... tài cao... Ngành GTVT thì đề nghị thu phí giao thông, ngành Tài chính loay hoay lo thu thuế (chắc để tiến đến ngôi vô địch châu Á về thuế), ngành Y tế thì tăng viện phí.... Hết biết!!!”

 

Khánh Tùng