Bạn đọc viết:
Lời nói dối của Mẹ
(Dân trí) - Có những lời nói dối mà khi biết được sự thật lại khiến ta xót xa rơi nước mắt, bởi đó là cả một sự hy sinh. Có những người mẹ trong đời nhiều lần nói dối chỉ cốt sao con yên tâm học hành, làm việc và không phải lo lắng cho mình…
Mẹ tôi là một trong số những phụ nữ như thế.
Thời còn nhỏ, gia đình tôi nghèo lắm. Bố tôi bảo trước đây ông nội là một nhà nho, nhưng chỉ dạy học và bốc thuốc cứu người làm phúc, nên gia đình thuộc diện “hàn nho – nghèo mà không hèn”. Mẹ về làm dâu một gia đình “tiếng cả, nhà không” như thế.
Ở trong làng, mẹ là một phụ nữ đẹp cả người lẫn nết. Lớn lên trong cảnh nhà túng quẫn khi ông ngoại mất, bà ngoại đi bước nữa. 16 tuổi mẹ tần tảo sớm hôm, nuôi các em ăn học. Rồi mẹ về làm dâu gia đình cụ Đồ.
Hôm đó, có người học trò cũ biếu cụ Đồ một gói phần trong đó có miếng phao câu gà (thứ rất quý trọng của mâm cỗ ngày xưa). Chú út không biết nên lấy ra ăn. Vừa ăn miếng phao câu xong, định "làm" nắm xôi thì cụ Đồ về. Chú út sợ hãi lắm. Mẹ liền chắp hai tay, cúi đầu: “Thưa thầy, có ông giáo Xuân biếu thầy gói phần, con sơ ý nên đã để mèo cắp mất miếng phao câu rồi ạ. Con xin thầy tha thứ”. Mẹ đã nói dối.
Rồi 8 chị em chúng tôi lần lượt ra đời “trứng gà trứng vịt”. Tôi còn nhớ lần mẹ sinh dì út, lúc đó tôi mới 5 - 6 tuổi. Bữa đón mẹ và em ở trạm xá về, bà nội hấp vào nồi cơm 1 quả trứng gà, chưng nước mắm và bưng vào buồng cho mẹ. Thấy có trứng, 3 đứa nhỏ nhất trong số chị em tôi bưng bát vào đứng cạnh. Mẹ lấy thìa xúc chỗ mắm trứng đó, rưới vào bát các con và bảo: “Mẹ mới đẻ, kiêng ăn trứng kẻo sau này sản hậu”. Mẹ lại nói dối.
Mẹ tần tảo cùng cha nuôi con, đầu hôm cuối bãi lo cho 8 chị em tôi ăn học, chăm sóc hiếu thuận với ông bà nội tôi đã ngoài 80 tuổi như trái chín trên cây. Nồi cơm nhà tôi khoai sắn nhiều hơn gạo. Mẹ thường ngồi đầu nồi, chọn chỗ có nhiều cơm xới vào bát ông bà nội và đứa con út. Mẹ xới bát mình những mẩu sắn, mẩu khoai. Bà nội tôi biết vậy, gạt một phần cơm sang bát mẹ. Mẹ chia đều phần cơm đó cho các con và nói với bà: “Con thấy người ta bảo ăn khoai sắn nhiều sữa. Dạo này con bé bú nhiều, con phải hấp thêm khoai vào để ăn cho có sữa, u ạ”. Mẹ lại nói dối.
Mọi ngày mẹ thường bảo: Đứa nào học giỏi, mẹ sẽ thưởng cho một bộ quần áo mới. Năm đó, anh tôi được đi thi học sinh giỏi, mẹ mừng lắm, hứa sẽ thưởng riêng cho anh một món quà. Anh đòi mẹ mua chiếc thắt lưng và may cho chiếc quần có “con đỉa” để diện cho oai, giống các bạn con nhà thành phố về sơ tán ở làng. Mẹ hứa đến 29 Tết sẽ có. Anh tôi phấn khởi lắm, đi khoe hết lượt với bạn bè và tỏ vẻ rất hãnh diện.
Trưa 29 Tết, mẹ đi chợ về rất muộn. Trong quang gánh có đầy đủ cả một cái Tết cho gia đình, chúng tôi thích nhất là mỗi đứa đều có một bộ quần áo mới. Riêng anh tôi tiu nghỉu vì không thấy chiếc thắt lưng đâu. Chợt nhận ra vẻ mặt ấy, mẹ đi đâu đó 1 lúc rồi về. Sáng hôm sau, anh tôi đã có một chiếc thắt lưng (nhỏ nhắn xinh xinh thôi, nhưng cũng đủ để anh hãnh diện với bạn bè).
Tôi nhớ mẹ có một cái khăn nhung rất đẹp, bà ngoại cho mẹ lúc lấy chồng. Mẹ giữ gìn cẩn thận lắm, chỉ đến Tết mới lấy ra quàng đi chúc Tết. Tết năm đó, mẹ dùng khăn vải. Ai hỏi về chiếc khăn nhung, mẹ đều bảo khăn bị chuột cắn rách rồi. Mẹ lại nói dối.
Rồi chị em tôi đứa nào cũng trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định. Mẹ rất mừng. Năm tháng qua đi, mẹ mỗi ngày một già yếu. Chị em tôi đều đi công tác xa, chăm sóc đỡ đần mẹ sớm hôm chỉ có cậu em tôi và nàng dâu hiếu thảo. Một ngày nọ chúng tôi nhận được tin mẹ ốm nặng, đáp máy bay về thăm mẹ mà lòng nóng như lửa đốt. Nhìn mẹ già nằm thiêm thiếp trên giường, chị em tôi không ai cầm lòng được. Mẹ cố mở mắt nhìn các con, dặn dò chị em bảo ban nhau “giấy rách phải giữ lấy lề”. Thấy các con mắt rưng rưng, quây quần nắm tay mình, mẹ cố gượng chút hơi tàn, thều thào nói: “Các con … cứ …yên …tâm… mẹ … không …việc …gì …đ…â…u…”
Đó là lần nói dối cuối cùng của mẹ.
Mẹ đã đi xa nhiều năm rồi, nhưng mỗi dịp giỗ mẹ, chị em tôi lại kể cho các con nghe về những lần nói dối ấy. Lòng thành kính hiếu thuận của Mẹ chúng tôi đã truyền lại cho thế hệ sau như một “nếp nhà”. Mẹ đã dạy chúng tôi “giấy rách phải giữ lấy lề” mà.
Ai cũng ghét những lời nói dối. Nhưng trên thực tế, có những lời nói dối thấm đẫm tình yêu thương và vô cùng cảm động như thế…
Nguyễn Thị Diệp