Bạn đọc viết:

Loại bỏ hoặc tinh giản tối đa các khoản thu do trường quản lý

(Dân trí) - Lạm thu cũng do các vị đặt ra cơ chế cả thôi. Ví dụ 1 vấn đề để các bạn hiểu: các vị ấy "ủng hộ" và "ra quyết định" bỏ cơ chế đóng tiền học trái tuyến cho HS, thì viết vào văn bản quyết định ấy chữ "tự nguyện đóng góp" bù lại.

Loại bỏ hoặc tinh giản tối đa các khoản thu do trường quản lý
Các khoảng thu đầu năm học luôn là mối quan tâm đặc biệt của phụ huynh (ảnh minh họa: An ninh Thủ đô)

 

Vợ tôi, bạn bè tôi, anh chị bên vợ đều là GV và cũng là PHHS nên tôi hiểu. Do các vị đặt ra cơ chế cả thôi, mà các vị ấy không đời nào ra cái luật để tự chặt chân mình đi cả. Giờ đề ra cái chữ "tự nguyện" ấy thì còn khổ hơn là đóng tiền trái tuyến, vì nó hoàn toàn có thể bị biến tướng theo qui định của từng trường.

 

Trường vùng sâu vùng xa không nói, chứ ở các trường nông thôn cận thành phố thôi thì đã phải đóng từ vài trăm ngàn đến 1 triệu đồng. Trường TP lớn thì phải tiền triệu trở lên và… không giới hạn (tiền này thường được "gợi ý hướng dẫn" đóng sao cho "hợp lý"). Còn việc sử dụng tiền đó vào đâu, bao nhiêu thì chỉ có… họ mới biết.

 

Việc lạm thu các khoản tại trường thì chỉ có Hiệu trưởng, Hiệu phó, kế toán được hưởng chứ GV không được. GV chỉ là những người phải đứng ra chịu trách nhiệm thu, mà chính họ là người bị PHHS phàn nàn, trách móc trực tiếp.

 

Có một vấn đề cũng khá nổi cộm hiện nay là một số khoản lạm thu, nhà trường lấy Hội Cha mẹ HS trường, lớp đứng ra làm cái "mác minh bạch" để thu tiền. Khiến những PH đứng ra phải làm việc rơi vào thế bí: không làm thì con mình học ở đó sẽ ra sao, mà làm thì tiếp tay cho điều sai và cũng phải hứng chịu dị nghị từ PHHS.

 

Nhưng thực tế thậm chí cũng có sự "ăn zơ" giữa Hội CMHS của trường, lớp với lãnh đạo nhà trường để "vẽ ra và lạm thu". Còn với giáo viên giảng dạy thì chỉ lương trên dưới 3tr/tháng thôi. Vì vậy họ phải kiếm sống bên ngoài như dạy tại nhà (nhưng cũng chỉ 1 số GV dạy môn chính Toán, Văn, Ngoại ngữ, Lý, Hóa là kiếm được dư dả thôi và đặc biệt là ở TP lớn). Còn GV các môn phụ thì phải đi làm việc khác hoặc dạy thêm ở nơi khác.

 

Có lẽ chính vì dạy thêm kiếm được nhiều hơn dạy chính, nên một bộ phận GV không chú tâm dạy trên lớp, dạy hời hợt cho có để "về nhà dạy tiếp". Cũng có nhiều GV dạy con người khác tận tụy, trong khi chính con mình thì không có thời gian dạy dỗ vì phải lo mưu sinh.

 

Tóm lại trong vấn đề này, tôi thấy thực tế là tất cả đã tạo nên 1 “làn sóng” tham nhũng từ cao đến thấp trong chính ngành GD. Tôi xin lấy 1 VD nhỏ: để có 1 chức HT, HP ở trường (phần lớn ở TP), liệu mấy ai trong chúng ta còn tin là họ chỉ với năng lực thực sự để được bầu vào, mà không có chuyện “chạy chức, chạy quyền”? Và có thì là bao nhiêu?

 

Còn theo tôi được biết thì chỉ có việc "chạy" thi công chức giáo viên môn phụ (VD: Nhạc, Họa, Thể dục...) ở TP HN thì tầm cỡ 80 triệu trở lên. Còn với chức danh HT trở lên… thì các bạn tự đoán. Vậy dĩ nhiên khi họ bỏ ra số tiền đó để lên được vị trí đó, thì họ cũng sẽ vẽ ra nhiều thứ để HS và PH "tự nguyện" nộp lại cho "xứng đáng" chứ.

 

Vậy theo tôi nghĩ, nhà nước nên tìm cách tăng lương phù hợp cho GV (đáp ứng mức sống của XH), song song đó cũng cần có cơ chế quản lý chặt chất lượng dạy của GV. Đồng thời hỗ trợ tối đa cơ sở vật chất cho nhà trường, loại bỏ hoặc tinh giản tối đa các khoản thu do trường quản lý. Các khoản thu dù nhỏ nhất của từng trường đều được công bố minh bạch trên 1 hệ thống website thuộc Bộ quản lý, để người dân có thể theo dõi công khai và có thể phản ảnh trực tiếp từ hệ thống này.

 

Như vậy tôi tin là sẽ hết tình trạng lạm thu, sẽ bỏ được tình trạng ép HS học thêm. Ai muốn con mình học thêm, xin mời ra các trung tâm hoặc thuê người về dạy nếu có tiền. Như vậy sẽ nhẹ gánh cho HS, xóa bỏ được tình trạng "tự nguyện học thêm" (ép buộc).

 

GV sẽ phải dạy chất lượng hơn nếu bỏ cơ chế thi giáo viên dạy giỏi (rất hình thức) hiện nay, bằng việc công khai bỏ phiếu ủng hộ từ chính HS hoặc PHHS. Và do PHHS giám sát để chọn ra GV dạy tốt, trường nào tốt là có tỉ lệ giáo viên dạy tốt nhiều. Cũng nên bỏ các danh hiệu thi đua trường tốt (cũng rất hình thức). Làm được như vậy sẽ khiến cho tham nhũng trong GD giảm đi và tỉ lệ HS học ở các trường sẽ đồng đều hơn, dẫn tới giảm tệ “chạy trường”.

 

Bộ GDĐT và Bộ VHTTDL cũng nên kết hợp với nhau quản lý, để làm giảm thiểu các vấn đề văn hóa xấu đang lan rộng trong giới trẻ HS, SV hiện nay. Đặc biệt là với những chuyện lùm xùm thường xảy ra đối với những người của công chúng, để góp phần giảm bớt tệ nạn xã hội. Bộ TT&TT cần có cơ chế để hạn chế các kiểu truyền thông báo đài đưa tin "hot”, giật gân, câu người xem, ảnh hưởng xấu đến những truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc ta.

 

Và cần hơn hết là quyết tâm ngăn chặn tham nhũng, tệ “chạy chức, chạy quyền”. Chúng ta nên đầu tư ưu tiên, đúng mức và đồng bộ hơn cho thế hệ tương lai của chúng ta, thì mới hy vọng xã hội ngày càng phát triển công bằng,văn minh hơn được.

 

SMCA 

email:  smca2005@gmail.com