Bạn đọc viết:
Linh vật lạ – không hợp bản sắc hay thiếu cả văn hóa thẩm mỹ?
(Dân trí) - Chỉ nhìn vài tấm hình minh họa đăng trên báo chí gần đây, có lẽ nhiều bạn đọc đã có thể bình luận thêm về cái đẹp. Sư tử, hổ, heo rừng... và nhiều loại trang trí vừa không phù hợp với văn hóa, vừa làm biến thể nhiều cảnh quan trang nghiêm, thanh tịnh...
Ảnh thứ nhì của tác giả Đỗ Vũ Lợi chụp ở đình Tráng Quân, Bắc Giang. Nhìn ảnh ta có thể đoán ra là một con heo rừng (sanglier) màu nâu không ra nâu, xám không ra xám. Mặt tiền của đình thì thật nhẹ nhàng với màu đặc thù của gạch lót nền và màu gỗ sơn son có phai bạc đi qua năm tháng. Thật là đối chọi giữa cái “thiền” của khung cảnh và cái “chiến” của con linh vật lạ.
Không lẽ ta lúc nào cũng phải... “nhe răng” để đón ... khách?
Vậy đem các tượng ngoại lai xấu xí đi đâu?
Sư tử, hổ, heo rừng... và nhiều loại trang trí vừa không phù hợp với văn hóa, vừa làm biến thể nhiều cảnh quan trang nghiêm thanh tịnh của chùa chiền, nơi thờ tự.
Đa phần các vật thể ấy lại phục vụ cho nhiều lý do rất là thực dụng, trần tục và phi... văn hóa (khoe giàu, làm quảng cáo cho cá nhân hay đơn vị tặng, mê tín dị đoan ...).
Trong quá khứ, ở trời Âu, những lúc Thiên chúa giáo thất sủng người ta từng phá bỏ các nhà thờ, tượng thánh... và dùng làm vật dụng xây cất. Gần đây ở Hungary các tượng đài của thời trước được tập trung vào trong một công viên, xem đó như một trang của lịch sử (*)
Các tượng kỳ lân, sư tử mà ta đang nói ở đây có thể không có giá trị lịch sử? Có chứ, ít nhất đó cũng là “di tích” hay “chứng tích” của một thời... ai đó muốn học làm sang!
Tập trung các tượng ấy trong một khoảng lộ thiên có vài cây xanh, dù chúng không có giá trị thẩm mỹ, ít nhất chúng có thể là những món đồ chơi để trẻ có thể trèo leo trên đó như ở công viên kiểu Disneyland ...
Tôi tin các kiến trúc sư bên ta thừa khả năng và sáng tạo để thiết lập một không gian đẹp với cả những tượng... xấu. Chúng ta đang thiếu chỗ chơi đùa cho con trẻ, mà đó cũng là một cách tái sử dụng các đồ vật.