Bạn đọc viết:

Liên kết hồ sơ quản lý mộ liệt sĩ với thân nhân

(Dân trí) - Kính nhờ báo Dân trí hãy chuyển ý tưởng này của tôi đến các cơ quan có trách nhiệm, để mong thực hiện một tri ân nhỏ của tôi đối với các liệt sỹ đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, mong linh hồn các anh được siêu thoát. Xin chân thành cảm ơn!

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Sau khi nghe thông tin từ chương trình Cuộc sống thường ngày trên VTV1 dịp 27/7 năm nay, đồng thời nghe trả lời của Bộ Trưởng LBTBXH  Phạm Thị Hải Chuyền trong chương trình Dân hỏi Bộ Trưởng trả lời, tôi thấy hình như VN vẫn chưa xây dựng được một cơ sở dữ liệu đầy đủ, hoàn chỉnh. Hồ sơ quản lý cũng chưa liên kết được với thân nhân gia đình các Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh?

 

Tôi nghĩ, nếu việc rất cần thiết này không làm nhanh sẽ càng rất khó khăn trong thời gian về sau vì thân nhân các liệt sỹ khi tự đi tìm sẽ càng vất vả và tốn kém. Với những gia đình chưa có điều kiện để đi tìm thân nhân là liệt sỹ, càng để lâu càng bị thất lạc, rất khó cho cơ quan chức năng tìm kiếm, quy tụ và bàn giao lại cho các gia đình và thân nhân liệt sỹ sau này.

 

Từ ý nghĩ đó, tôi nảy sinh ý tưởng thiết kế bản hồ sơ và lưu giữ trên máy vi tính. Cũng mong được Nhà nước giao cho Bộ Quốc phòng hoặc Bộ LĐTBXH quản lý. Hồ sơ này cần được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng, giúp thân nhân các liệt sỹ có thể tra cứu trên Internet (hoặc dùng Google) sẽ thuận lợi và giảm được nhiều chi phí tìm kiếm…Tôi mong đây có thể là sự tri ân của mình đối với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.
 
Cụ thể như sau:

 

+ Bước 1: Thực hiện đánh số và vẽ sơ đồ toàn bộ nghĩa trang liệt sỹ trên toàn quốc, kể cả ở cấp xã quản lý. Trên sơ đồ các nghĩa trang liệt sỹ sẽ thể hiện các hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc), các hướng đó của nghĩa trang tiếp giáp như thế nào? Cổng chính của nghĩa trang liệt sỹ là hướng nào? Sau đó đánh số từ 1 là từ hướng nào, trên sơ đồ sẽ thể hiện mộ nào mang số 1, đến mộ số cuối cùng.

 

VD: theo sơ đồ Bản đồ đó có thể mô tả như sau: Hướng Tây, Hướng Bắc, Hướng Đông 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 … Hướng Nam. Sơ đồ nghĩa trang liệt sỹ A, xã…, huyện…, tỉnh (thành phố). Sơ đồ này phải đúng với thực tế. Bước này nên để chính quyền địa phương có nghĩa trang liệt sỹ thực hiện, sau đó cần được một đơn vị của quân đội thẩm định lại để đảm bảo chính xác 100%, không có sai sót gì.

 

+ Bước 2: (thực hiện sau khi đánh số và vẽ sơ đồ lưu trên máy tính) Ghi chi tiết từng phần mộ liệt sỹ: Ví dụ: Số 18 là mộ của liệt sỹ B, quê quán…; nhập ngũ ngày…, tháng… năm …, sinh ngày…, tháng… năm …Hy sinh ngày…, tháng… năm …, tại mặt trận …, Số 75, mộ liệt sỹ vô danh (chưa biết tên).

 

+ Bước 3: Thực hiện việc kết nối liên lạc các giữa gia đình thân nhân các liệt sỹ với chính quyền địa phương nơi quản lý các nghĩa trang liệt sỹ. Ví dụ: Mộ Số 18, của liệt sỹ B, quê quán…; ngập ngũ ngày…, tháng… năm …, sinh ngày…, tháng… năm …Hy sinh ngày…, tháng… năm …, tại mặt trận …; Đã được gia đình đến nhận và gia đình thân nhân liệt sỹ có đầu mối liên lạc là: Ông (bà), họ tên, năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú. Số điện thoại.

 

Hoặc mộ số 28 là mộ của liệt sỹ C, quê quán…; ngập ngũ ngày…, tháng… năm …, sinh ngày…, tháng… năm …Hy sinh ngày…, tháng… năm …, tại mặt trận …; Hiện nay chưa liên hệ được với gia đình thân nhân liệt sỹ (đề nghị ai biết thông tin về thân nhân của Liệt sỹ thì cung cấp tới cơ quan nào, số điện thoại…)

 

+ Bước 4: Những mộ liệt sỹ vô danh (chưa biết tên) thì thực hiện theo đề án của Thủ tướng Chính phủ đã nhất trí là dành tổng cộng 500 tỷ đồng giám định ADN, để lưu lại các hồ sơ này. Khi nào gia đình các liệt sỹ phối hợp tìm thì sẽ giám định ADN của thân nhân các liệt sỹ để xác định xem liệt sỹ đó tên là gì? Có thân nhân là ai? Tất nhiên là muốn xác định ADN thì phải khai quật mộ liệt sỹ lấy mẫu xương để giám định ADN.

 

+ Bước 5: Sau mỗi lần tìm được thân nhân liệt sỹ của ngôi mộ nào, lại tiếp tục bổ sung vào hồ sơ để mọi người đều biết. Sau mỗi lần xác định được tên, tuổi các liệt sỹ vô danh thì thực hiện lưu lại hồ sơ để quản lý. Khi đánh số mộ các liệt sỹ thì công việc xác định tên, tuổi các liệt sỹ vô danh mới thuận lợi và tạo điều kiện để lưu hồ sơ lâu dài, hạn chế được thất lạc. Tạo điều kiện để gia đình thân nhân các liệt sỹ có cơ sở liên hệ và phối hợp để giám định ADN.

 

Ví dụ: một gia đình M có liệt sỹ hy sinh trong cuộc chiến tranh tại mặt trận X, khi biết nghĩa trang nào đó có một số mộ liệt sỹ vô danh đã hy sinh tại mặt trận X, nhưng không biết tên liệt sỹ, thì gia đình thân nhân liệt sỹ vô danh đó sẽ liên hệ với các cơ quan giám định ADN để giám định xem liệt sỹ đó có phải thân nhân của họ không.

 

Nếu thiết lập hệ thống hồ sơ, cơ sở dữ liệu như trên, chắc chắn việc tìm kiếm sẽ được thực hiện trên mạng máy tính. Sau đó thân nhân các liệt sỹ sẽ liên hệ trước với chính quyền các địa phương quản lý các nghĩa trang, tạo điều kiện giảm thời gian đi lại, giảm chi phí cho gia đình thân nhân các liệt sỹ, đồng thời công tác tìm kiếm cũng đơn giản và nhanh chóng hơn rất nhiều.

 

Tiến: congthanhlvt@gmail.com