Bạn đọc viết

Lễ hội ngày nay: Mặt được và chưa được

Sau tết là hàng nghìn lễ hội mở ra ở khắp các địa phương trong cả nước, khiến chúng ta không thể không suy nghĩ về những mặt được và chưa được trong công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống

>> Tiền lẻ "găm" đầy tượng Phật nghìn mắt nghìn tay ở hội Lim


Công khai dùng tiền hối lộ thần quyền - Chuyện lạ có thật

Công khai dùng tiền hối lộ thần quyền - Chuyện lạ có thật

Vui như trẩy hội

Lễ hội là nơi bảo tồn, trao truyền văn hóa giữa các thế hệ, góp phần tạo ra sự đa dạng văn hóa, là một kho tàng tài sản quý giá của đất nước. Lễ hội còn có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của con người, thể hiện rất rõ sắc thái văn hóa của từng vùng miền. Thông qua lễ hội, nhu cầu văn hóa và tâm linh của cộng đồng được thỏa mãn, các truyền thống và phong tục tập quán được duy trì.

Khi lễ hội mở ra, nhân dân nô nức phấn khởi, sự đoàn kết giữa mọi người trong cộng đồng dân cư cũng tăng thêm. Phụ nữ thi nhau trổ tài nấu nướng, nữ công gia chánh. Cánh nam giới trổ tài trang trí, chăng đèn kết hoa và cắt dán khẩu hiệu, trang trí cổng chào. Trẻ em được biết thêm về truyền thống cuả địa phương, hiểu thêm và tự hào về những người đã có công khai phá vùng quê mình thuở xưa. Người già vui vẻ phấn khởi vì nhân dịp này được ôn lại những nghi lễ truyền thống mà trong cơ chế thị trường có phần nào bị mai một. Cán bộ lãnh đạo địa phương thì phấn khởi vì mình đã đoàn kết được sức dân. Những người con quê hương đi xa có dịp về làng công đức và mở mày mở mặt khoe với họ hàng làng xóm về sự “ăn nên làm ra” của mình.

Với khách thập phương: đầu xuân đến lễ hội, cầu một năm mới vạn sự như ý tốt đẹp, bình an đến với gia đình và bản thân là một sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Đến lễ hội, bên cạnh sự tín ngưỡng, du khách còn cảm nhận không khí mùa xuân đang tràn ngập khắp nơi và để thanh tịnh lòng mình. Người đến lễ hội hướng tâm cầu nguyện cho bản thân, gia đình được bình an may mắn trong năm mới; người chưa có gia thất thì cầu tình duyên; người khó khăn đường con cái thì cầu tự; người buôn bán làm ăn thì cầu tài cầu lộc... Với học trò, chuẩn bị bước vào các đợt khoa cử quan trọng trong suốt quá trình học tập rèn luyện bậc học phổ thông thì lễ chùa dịp đầu xuân năm mới là để bày tỏ một lòng hướng nguyện quyết tâm theo nghiệp đèn sách, học tập nên người, cầu được đỗ đạt, đăng khoa…

Đôi điều cần nói

Cần gìn giữ đặc trưng của các lễ hội. Đa phần các lễ hội là đời sống văn hóa tinh thần của người dân, là tập quán, là cuộc sống của họ. Có những lễ hội vốn chỉ quy mô nhỏ, sau này được nâng tầm lên, được tổ chức lại, có kịch bản và đưa thêm vào đó các sự kiện văn hóa khác. Bởi thế, việc đưa thêm các sự kiện không gắn với đặc trưng lễ hội của từng vùng miền dẫn đến sự na ná giống nhau, rồi “lai căng” đi, kéo theo là sự tốn kém không cần thiết. (Ví như màn hát quan họ trên thuyền và “mời trầu xin tiền” thì không riêng Hội Lim mà hầu như ở lễ hội nào cũng có). Mỗi lễ hội cần giữ được những nét đặc trưng riêng, tạo nên bản sắc văn hoá của từng vùng: Lễ hội Cổ Loa không thể thiếu được phần thi bắn cung nỏ; lễ hội ở Hải Lựu (Đồ Sơn) không thể thiếu được màn chọi trâu độc đáo; Hội Lim không thể không có phần hát giao duyên của các liền anh liền chị, Hội Đống Đa không thể thiếu màn tái hiện lịch sử Quang Trung đại phá quân Thanh… Những đặc trưng riêng ấy phải giữ cho được, vì nếu không sẽ làm nghèo đi đời sống văn hóa tinh thần, người dân sẽ tự bỏ đi vốn quý của cha ông. Ngược lại những gì “lai căng” thì nên lược bỏ. Mỗi cộng đồng trên đất nước Việt Nam lại có những nét văn hoá khác nhau. Đó là bản sắc, là nét riêng của mỗi cộng đồng. Vì thế giúp họ nhận thức những giá trị tinh thần của lễ hội mà họ đang có, hướng dẫn cho họ cách thực hành để làm sao vừa văn minh, vừa văn hóa và thực sự hiệu quả, tiết kiệm là việc của mỗi nhà quản lý văn hoá và chính quyền địa phương.

Tệ rải tiền lẻ khắp nơi: Ở một số lễ hội, việc sử dụng tiền mới mệnh giá nhỏ không hợp lý ngày càng phổ biến, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của di tích và đặc biệt ảnh hưởng đến hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Hành động rải tiền lẻ của người tham gia lễ hội làm sai lệch giá trị bản sắc văn hoá trong đời sống tín ngưỡng dân gian, lại gây lãng phí xã hội rất lớn. Việc đặt tiền “giọt dầu” là để thể hiện cái tâm, góp phần cùng cơ sở tôn giáo duy trì hoạt động và để tôn tạo đền, chùa đẹp hơn chứ không phải để “dâng” lên Phật, lên Thánh. Thế nhưng nhiều người hiện nay lại cho rằng càng rải nhiều tiền thì càng được Phật, thánh thần chứng giám. Quan niệm đó hoàn toàn sai lầm. Đáng buồn nhất là khi chứng kiến cảnh trên tay những pho tượng Phật bị cài, cắm quá nhiều tiền lẻ mà người đi lễ hội nhét vào, còn người đi lễ thì “vô tư” bước trên những đồng tiền rải bị vương vãi.

Nạn bán hàng tràn lan, lấn át di tích đang có nguy cơ trở thành trào lưu khiến du khách đi dự lễ hội có cảm giác như đi chợ chứ không phải đi lễ hội. Hàng hóa, trò chơi bày tràn lan vào cả các điểm của di tích, cảnh chen lấn bán mua rất lộn xộn… Những vụ việc, tai nạn do chen lấn, xô đẩy, mất an toàn vệ sinh thực phẩm...; rồi vấn nạn trộm cắp, cờ bạc, mê tín dị đoan, chèo kéo, “chặt chém” khách... gây bức xúc cho du khách, mặc dù đã được cảnh báo, chấn chỉnh, song vẫn tái diễn ở khá nhiều lễ hội. Nạn cờ bạc trá hình dưới hình thức “vui chơi có thưởng” thì hầu như tất cả các lễ hội đều vẫn còn. Bằng hình thức “vui chơi có thưởng”, đã có những người tổ chức cờ bạc trá hình bằng các trò “cua cá”. Ngay cả các trò chơi dân gian như thi Chọi gà, đấu vật cũng được cá cược hơn thua. Những dịch vụ ăn theo lễ hội vẫn còn: nạn khấn thuê, đổi tiền lẻ, hoặc các dịch vụ gửi xe, ăn uống “chặt chém” kèm theo cả một hệ thống “cò trọn gói” từ sắm lễ, khấn thuê, ăn ngủ, đi lại kiêm luôn cả… hướng dẫn viên “tự phong” của một số đông vẫn còn diễn ra. Có người còn lợi dụng tín ngưỡng, tâm linh để trục lợi như tạo thêm các không gian thực hành lễ (đặt thêm bàn, chỗ thờ cúng, tổ chức các dịch vụ, quảng bá đồn thổi những giá trị vừa sai lệch về mặt vật chất, vừa sai lệch về mặt tinh thần). Người ta tự xây thêm những nơi thờ tự để người dân đến đặt lễ nhiều, thu tiền công đức nhiều, họ tự làm các dịch vụ.

Du khách đến lễ hội chỉ là theo trào lưu: Do xã hội ngày càng phát triển, nhiều người quan tâm đến việc đi các đền chùa, có người đi cầu may, có người đi thưởng ngoạn. Một số khách du lịch đến lễ hội theo trào lưu chứ chưa hiểu được hết giá trị văn hóa truyền thống của lễ hội mà mình tham gia. Ví dụ ở Đền Trần, thực chất Lễ khai ấn là cầu mong mọi sự may mắn, nhưng du khách lại hiểu rằng đây là lễ khai ấn của Nhà Trần, có ấn này sẽ thăng quan, tiến chức. Vì vậy cứ đến 14 tháng Giêng hàng năm, mọi người đổ xô đến Đền Trần để xin ấn. Đấy là do các nhà tổ chức lễ hội không nói rõ ý nghĩa, thần tích của nó nên có hiện tượng công chúng hiểu sai hoặc ngộ nhận về giá trị của lễ hội. Kèm theo đó, có những người trục lợi, lợi dụng việc “bán ấn” để tạo nên giá trị ảo.

“Hậu lễ hội”: Rất nhiều vấn đề phát sinh cần xử lý, đặc biệt là môi trường và rác thải. Có những sân di tích, sau lễ hội như “bãi chiến trường”, ngổn ngang nào cọc để căng lều bán hàng, nào rác, giấy, túi ni lông… Chưa kể đến các cây cảnh bị xơ xác do “cây chạm lá, cá chạm vảy” của người đi dự hội tạo ra…

Giải pháp nào?

Là một du khách, tôi thấy để lễ hội diễn ra nghiêm trang phần lễ, vui tươi phần hội, chúng ta cần lưu ý mấy điểm sau:

Về phía người đi lễ hội: việc đầu tiên phải hiểu giá trị của lễ hội. Người đi lễ phải hiểu thần tích, không gian văn hóa, đồ thờ tự và kèm theo đó là ứng xử văn hóa phù hợp.

Về phía những nhà quản lý văn hóa: phải đánh giá xem việc tổ chức những lễ hội như thế điểm gì là chưa được. Để nhận được sự đồng thuận của người dân, lễ hội phải hướng tới các lợi ích thiết thực của họ về tinh thần. Các nhà quản lý và tổ chức lễ hội phải giúp cộng đồng làm lễ hội chứ không nên áp đặt họ phải làm những việc mà trước nay họ không làm. Như vậy sẽ làm mất đi vẻ tự nhiên, tính chân thật của lễ hội.

Ban quản lý di tích: cần có cách thức tổ chức sao cho có văn hoá và khoa học, đảm bảo nghiêm trang phần lễ và vui tươi phần hội: Kiên quyết dẹp các hàng quán dịch vụ lấn chiếm di tích một cách nghiêm khắc. Đề phòng nạn cờ bạc trá hình, móc túi “chặt chém” du khách. Để nói không với nạn rác thải, cần trang bị đủ các thùng rác công cộng ở những nơi cấn thiết, mặt khác cần chấn chỉnh hiện tượng rắc rải tiền lẻ tràn lan tại các lễ hội, nơi thờ tự... gây phản cảm.

Hiện nay, các hình thức tuyên truyền ở lễ hội còn đơn điệu, chưa hấp dẫn du khách, chưa giúp họ hiểu về các giá trị lịch sử văn hóa của di tích, về thần phả, thần tích công trạng của nhân vật thờ tự và ý nghĩa của lễ hội. Để bảo vệ các giá trị lễ hội, những người có chuyên môn cần xuống cộng đồng trao đổi để giúp họ nhận ra giá trị lễ hội của địa phương mình, kèm theo giá trị đó thì ai là người thực hành, vai trò của họ như thế nào và để thực hành tốt phải làm gì. Để rồi không làm sai lệch lễ hội, không tạo nên những hiện tượng buôn thần, bán thánh, hoặc thái quá trong câu chuyện thực hành tiến lễ tâm linh. Muốn làm được điều đó, cần tăng cường sử dụng các phương tiện truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức và để họ nhận ra giá trị của lễ hội, từ đó thấy được trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ và phát huy những giá trị vốn có của lễ hội.

Đầu xuân năm mới đến lễ hội, cầu một năm mới vạn sự như ý tốt đẹp, bình an đến với gia đình và bản thân là một sinh hoạt văn hóa truyền thống lâu đời của người Việt Nam. Để lễ hội nghiêm trang phần lễ và vui tươi phần hội, đọng lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách, không chỉ cố gắng của các nhà quản lý, ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương mà còn cần ở ý thức tự giác của tất cả chúng ta.

Nguyễn Thị Diệp