Lắng, nghe điều không nói
Có ai lắng nghe được tâm sự của hàng chục ngàn học trò từ bỏ cuộc đua vào lớp 10 công lập trên cả nước mấy ngày qua?
Cháu gái tôi sáng qua thi môn Văn vào lớp 10 ở Đà Nẵng. Trước giờ đến trường thi, thấy mẹ nó vẫn cứ lăn tăn dặn dò về hai chữ “lắng nghe”. Dù chủ đề “lắng nghe” đã vào đề thi tuyển sinh lớp 10 tại TP HCM mấy hôm trước rồi.
“Lắng nghe để thay đổi, lắng nghe để yêu thương, lắng nghe để hiểu biết”, trên nền sự kiện đại dịch COVID-19 đã và đang khiến trái đất chao đảo chưa từng thấy. Đọng lại những kỷ niệm “dữ dội” với đời học trò. Vậy nên tinh thần phải đối mặt giải quyết những luận đề xã hội “hóc búa” hơn thường lệ, đã trở nên sẵn sàng với những thí sinh 15 tuổi khắp cả nước này…
Mấy ngày trước, ở Yên Bái, một cậu bé đang chuẩn bị thi vào lớp 10 vĩnh viễn không còn kỳ thi nào trên đời này nữa, khi bị đánh chết chỉ vì đứng ra bênh vực mấy em nhỏ đang bị hành hung. Có ai kịp lắng nghe trái tim trong trắng của cậu bé 15 tuổi ấy phút giây cuối cùng ngã xuống? Khi quyết định can dự vào một việc chẳng “liên quan” gì đến mình.
Có ai lắng nghe được tâm sự của hàng chục ngàn học trò từ bỏ cuộc đua vào lớp 10 công lập trên cả nước mấy ngày qua? Mà chỉ rất ít trong số đó có thể theo học trường tư, hay sẽ du học. Số đông còn lại sẽ học nghề, hay sẽ sớm ra đời bươn chải? Cánh cửa cấp 3 hệ công lập giờ đây sẽ “gạt” bớt khoảng 40% học sinh sang những luồng khác. Luồng nào?
Có ai thấu được cảnh giáo viên trường tư, trường nghề mừng rớt nước mắt vì vừa đón “tin vui” muộn màng: Cuối cùng họ cũng được bổ sung vào diện hỗ trợ do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 (trong gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng của Chính phủ).
Dù chỉ được trên dưới triệu đồng mỗi tháng (mức tối đa 1,8 triệu đồng/người/tháng) trong vòng 3 tháng, nhưng nỗi tủi thân vợi bớt phần nào. Tình cảnh giáo dục, giáo viên ngoài công lập mang thân phận “bên lề” với bao áp lực lẫn định kiến, đã được cải thiện đến đâu rồi?
Chúng ta dễ bị ám ảnh bởi những ngôi trường đóng mác “quốc tế” với học phí cũng ở mức quốc tế, mà ít hình dung về hệ thống trường tư, trung tâm giáo dục nghề hiện đa phần vẫn nhếch nhác, tạm bợ. Với không ít sự phân biệt đối xử cả về cơ chế chính sách, về sự hỗ trợ, thu hút nguồn lực xã hội, lẫn thiên kiến trong cách đánh giá, nhìn nhận.
Vẫn phải gánh vác sứ mệnh phân luồng đào tạo ngày một nặng hơn, nhưng những “luồng” nhân lực ấy liệu có chất lượng thực sự không? Dẫu ai cũng biết chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn đang rất thấp so với ngay tại khu vực.
Rút cuộc tụi nhỏ thi vào lớp 10 ở Đà Nẵng đã “tụt” mất khá nhiều cảm xúc của sự thử thách, khi vẫn gặp phải một đề Văn kinh điển, đến mức làm bài không cần nghĩ ngợi nhiều. Sự khác thường đã không có trong đề thi, dẫu mọi cung bậc cảm xúc lẫn lõi giá trị của đời sống này đang rất bất thường. Tụi nhỏ cười với nhau, rằng “trúng tủ” - một thứ “tủ” vốn luôn mở sẵn qua mọi kỳ thi…
Đến khi nào, chúng ta có thể lắng nghe điều người khác không nói?
Theo Trí Quân
Tiền Phong