Bạn đọc viết:
Làm sao bảo vệ được cảnh quan thiên nhiên mà vẫn giải được bài toán kinh tế?
(Dân trí) - Muốn vậy phải chấp nhận hạn chế du lịch quần chúng đại trà, và phải nhắm tới đối tượng khách du lịch có khả năng chi trả cao và trình độ nhận thức về trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên cao.
Ở đâu mà ít khách du lịch thì chắc chắn thiên nhiên ở đó được bảo vệ. Có những tập đoàn khách sạn và du lịch trước khi quyết định đầu tư vào một địa điểm nào đó đã không ngần ngại nêu quan điểm: họ sẽ đầu tư vào địa điểm du lịch thiên nhiên mà ở đó có số khách du lịch ít nhất, càng ít khách du lịch càng tốt. Họ có lượng khách cố định thường xuyên theo kênh riêng và tất nhiên là giá dịch vụ rất cao, yêu cầu giữ gìn cảnh quan thiên nhiên được đưa lên hàng đầu.
Những tập đoàn này thì người lãnh đạo ngành du lịch cũng quá biết. Muốn bảo vệ được thiên nhiên cảnh quan mà vẫn giải được bài toán kinh tế thì phải chấp nhận hạn chế du lịch quần chúng đại trà, mà phải nhắm tới đối tượng khách du lịch có khả năng chi trả cao và trình độ nhận thức về trách nhiệm bảo vệ thiên nhiên cao. Ở đây tôi không muốn nói tới vấn đề dân trí và văn minh.
Bài học cho khai thác đảo Ngọc Tuần Châu, theo tôi, là một ví dụ…
Nếu chỉ nghĩ đến việc khai thác hiệu quả thiên nhiên thì là một sai lầm cả về mặt lý thuyết lẫn thực tế. Tôi cho rằng nên ủng hộ việc tăng giá vé tham quan Vịnh Hạ Long, thậm chí tăng giá cao nữa đi. Nhưng kèm theo đó phải là những quy định, thậm chí là những điều luật ở mức cao hơn. Chứ không phải chỉ ở mức nghị quyết của Hội đồng Nhân dân về trách nhiệm của khách du lịch và doanh nghiệp khai thác du lịch, trách nhiệm của người quản lý và chính quyền địa phương về bảo vệ cảnh quan thiên nhiên môi trường biển Vịnh Hạ Long. Để con cháu mai sau không trách thế hệ trước đã phá hủy Vịnh Hạ Long – điều đáng ra không đáng có.
Cảm ơn báo Dân trí đã luôn có những đề tài rất hấp dẫn cho diễn đàn.
Nick DDL - Hà Nội
email: vanlong99@gmail.com