Làm gì để giữ màu xanh của rừng?

(Dân trí) - Người ta thường nói “Rừng là lá phổi của hành tinh chúng ta”. Rừng là mắt xích hết sức quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên. Có rừng mới giữ được độ màu mỡ của đất. Có rừng mới giữ được nguồn nước ngầm, giảm được ngập lụt cũng như hạn hán…

Làm gì để giữ màu xanh của rừng? - 1


Hãy cùng chung sức bảo vệ rừng xanh ! (nguồn ảnh: internet)

 

Đáng tiếc là các vụ phá rừng liên tiếp xảy ra trong nhiều năm qua. Gần đây,vụ việc kiểm lâm tham gia áp tải gỗ lậu, xe bị lật, gây tai nạn làm 10 người chết, 4 người bị thương đang được các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra và sẽ đưa ra ánh sáng những kẻ phạm tội tàn phá rừng xanh. Trong đó có những kẻ được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật bảo vệ rừng nhưng lại ngang nhiên, trắng trợn vi phạm pháp luật rồi sẽ phải trả giá thích đáng cho những hành vi sai trái của mình.

 Từ vụ việc đau lòng này, chúng ta cần rút ra nhiều bài học thấm thía về công tác bảo vệ rừng, nhất là cần kiên quyết thanh lọc những kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ những người làm công tác quản lý tài nguyên rừng, giữ gìn màu xanh của rừng.

 

  Khi rừng xanh chảy máu

 

Do điều kiện địa lí và được thiên nhiên ưu đãi, nước ta có nhiều lợi thế từ nguồn tài nguyên thiên  nhiên khá đa dạng, phong phú với “rừng vàng, biển bạc, đất phì nhiêu”. Trong đó, những lợi ích từ rừng là rất đáng kể. Rừng không chỉ là môi trường sinh tồn, phát triển của nhiều loài động, thực vật mà còn là “cỗ máy điều hòa  không khí khổng lồ” giúp cho không khí trong lành, cân bằng sinh thái. Rừng còn là tấm lá chắn vững chãi trước bão giông, lũ lụt, góp phần chống xói mòn, hạn hán… để cho người dân được yên ổn sinh sống, canh tác. Mặc dầu vậy, trong những năm qua, tình trạng chặt phá rừng đã và đang xuất hiện nhiều diễn biến phức tạp. Bên cạnh những áp lực về gia tăng dân số, yêu cầu bức thiết về đất ở và đất canh tác, còn có một nguyên nhân quan trọng khác dẫn tới tình trạng phá rừng tràn lan diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước là món lợi lớn thu được từ việc khai thác, buôn bán các loại lâm sản, nhất là các loại gỗ quý. Theo thống kê, trung bình mỗi năm cả nước mất gần 32000 ha rừng, trong đó có nguyên nhân lớn từ nạn chặt phá rừng trái phép. Dù Chính phủ đã triển khai thực hiện các chương trình phủ xanh đất trống, đồi núi trọc nhưng diện tích rừng trồng mới không bù lại được những diện tích rừng đã bị tàn phá. Đất trống đồi núi trọc xuất hiện ngày càng nhiều, cùng với đó là rất nhiều hệ lụy kéo theo. Tình trạng lũ lụt, hạn hán bất thường diễn ra ở nhiều địa phương khắp các vùng, miền trong cả nước những năm qua có một phần bắt nguồn từ nạn phá rừng bừa bãi. Rất nhiều cây gỗ quý đã bị bọn lâm tặc ngang nhiên đốn hạ, rất nhiều cánh rừng hàng chục thậm chí là hàng trăm năm tuổi đã bị bọn lâm tặc tàn phá không thương tiếc chỉ vì những món lợi béo bở trước mắt.

 

Cần loại bỏ những con sâu làm rầu… rừng xanh!

 

Cùng với việc trồng mới, công tác bảo vệ, giữ gìn màu xanh của rừng đóng vai trò hết sức quan trọng. Không thể phủ nhận một thực tế là, trong cuộc chiến bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm chính là những người “đứng mũi chịu sào”. Mặc dù lực lượng mỏng, trang thiết bị kỹ thuật để tác nghiệp còn nhiều thiếu thốn, lại thường phải hoạt động trên một địa bàn rộng nhưng nhiều kiểm lâm viên vẫn cần mẫn với nghề, âm thầm chịu đựng gian khổ, sống heo hút giữa rừng sâu để bảo vệ rừng. Vì những món lợi lớn, bọn lâm tặc đã không từ một thủ đoạn nào để chống trả lực lượng kiểm lâm. Trong khi lực lượng kiểm lâm còn mỏng, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn hạn chế thì bọn lâm tặc thường được trang bị máy móc khai thác hiện đại, có nhiều loại vũ khí nguy hiểm như: dao, kiếm, súng… khi bị phát hiện, chúng thường mang theo nhiều đồng bọn có thủ sẵn hung khí để áp đảo, uy hiếp lực lượng kiểm lâm. Cũng bởi vậy mà trong không ít cuộc đối đầu với bọn lâm tặc, lực lượng kiểm lâm bị rơi vào “thế yêu”. Để bảo vệ, giữ gìn màu xanh của những cánh rừng, không ít mồ hôi và cả máu của lực lượng kiểm lâm đã đổ xuống.

Đáng buồn là, bên cạnh những kiểm lâm viên tận tụy, thực sự yêu rừng và tâm huyết với nghề, có một bộ phận không nhỏ cán bộ kiểm lâm đã bị tha hóa, biến chất. Đồng tiền và những cám dỗ vật chất đã khiến cho họ bị mờ mắt. Để rồi, trong số họ, hoặc nhắm mắt làm ngơ để bọn lâm tặc phá rừng rồi nhận tiền “bôi trơn” hoặc trực tiếp “nhúng chàm” áp tải gỗ lậu cho bọn lâm tặc. Vụ việc kiểm lâm tham gia dẫn đường, áp tải gỗ lậu ở Con Quông – Nghệ An vừa qua chắc hẳn không phải là vụ đầu tiên. Chỉ có điều, đây là vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng khi xe chở gỗ lậu do cán bộ kiểm lâm áp tải bị lật làm 10 người chết, phần lớn những nạn nhân xấu số đều là những “phu gỗ” được những người làm nhiệm vụ “gác rừng” thuê đi bốc xếp gỗ. Kẻ giấu mặt của xe gỗ lậu xấu số đã bị vạch mặt, đó là Trịnh Thanh Long (Phó Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống kiêm hạt trưởng Hạt kiểm lâm Pù Huống). Ngoài Trịnh Thanh Long, 4 cán bộ kiểm lâm liên quan cũng đã bị cơ quan chức năng bắt giữ. Như một giọt nước làm tràn ly, vụ việc đã khiến cho dư luận không khỏi bức xúc, bất bình. Nhà nước giao cho lực lượng kiểm lâm quản lý, bảo vệ rừng, chống lại nạn khai thác gỗ lậu nhưng chính từ trong đội ngũ những người “gác rừng”, làm nhiệm vụ giữ gìn màu xanh của rừng lại làm cho rừng xanh chảy máu bằng việc tiếp tay cho lâm tặc hoành hành, buôn bán gỗ lậu. Những hình ảnh đẹp đẽ về lực lượng kiểm lâm tận tụy, hết mình trong cuộc chiến bảo vệ rừng đã bị chính những kẻ đồng nghiệp biến chất làm cho méo mó. Uy tín của những người kiểm lâm chân chính bỗng chốc bị sụt giảm nghiêm trọng bởi những tên lâm tặc đội lốt kiểm lâm.

Vụ việc nghiêm trọng trên cho thấy, còn nhiều điều bất cập trong công tác bảo vệ rừng, vận chuyển lâm sản tại một số địa phương. Phải chăng chính khâu quản lý bị buông lỏng đã tạo ra nhiều kẽ hở để những cán bộ kiểm lâm thoái hóa biến chất tìm cách “bắt tay” với lâm tặc phá rừng, vận chuyển gỗ trái phép. Dư luận đã đặt vấn đề: nếu không xảy ra vụ lật xe gỗ, liệu những kẻ giấu mặt kia có bị vạch mặt?!  Dù biết rằng, chúng chỉ là “những con sâu làm rầu nồi canh” nhưng vấn đề là, còn có những “con sâu” nào khác đang ẩn mình và cần phải có những hành động quyết liệt như thế nào để cứu lấy những cánh rừng trước khi quá muộn? TRả lời câu hỏi trên xin dành cho các ngành chức  năng có trách nhiệm bảo vệ rừng và mỗi chúng ta – những người thực sự yêu màu xanh của rừng.

 

Bùi Minh Tuấn

(Nghệ An)

 

LTS Dân trí - Tình trạng phá rừng, kể cả rừng đầu nguồn, diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng.

Nhằm ngăn chặn tình trạng đó, một mặt cần tăng cường lực lượng kiểm lâm cả về số lượng và chất lượng, tạo cơ chế pháp lý và điều kiện thuận lợi cũng như đãi ngộ thỏa đáng để họ yên tâm làm việc và thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Mặt khác, cần nghiêm trị những cán bộ kiểm lâm thoái hóa biến chất tiếp tay và đồng lõa với bọn lâm tặc.

Đối với dân cư sống ở vùng giáp ranh với rừng, cần được tạo công ăn việc làm thông qua chính sách giao rừng cho nhân dân chăm sóc quản lý và được thu hoach những sản phẩm phụ dưới tán rừng. Chỉ có như vậy mới ngăn chặn được tình trạng dân tự phát phá rừng để lấy đất canh tác do đời sống khó khăn, thiếu đói.