Khu du lịch "tâm linh"?!

Một doanh nghiệp vừa “gợi ý” phương án xây dựng Dự án khu du lịch tâm linh Hương Sơn, ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội), với mức đầu tư 15.000 tỷ đồng, từ đó đặt ra câu hỏi lớn: Có nên phát triển các “khu du lịch tâm linh” rầm rộ như thời gian qua?

 Khu du lịch tâm linh?!  - Ảnh 1.

Suối Yến - chùa Hương, luôn thu hút du khách bởi vẻ đẹp cổ kính, như tranh vẽ. ( Ảnh: anninhthudo.vn)

 Việt Nam là đất nước có nền văn hóa, lịch sử lâu đời, đa sắc tộc và đa tôn giáo, vì thế dọc chiều dài đất nước, địa phương nào cũng có di tích thờ tự, tôn giáo, tín ngưỡng, trong đó nhiều di tích được Nhà nước xếp hạng. Những di tích đó mang vẻ đẹp của thời gian, phản ánh bàn tay và khối óc tài hoa của người dân, hài hòa với cảnh quan và phù hợp với đời sống tinh thần của người dân. Những ngôi chùa mái cong duyên dáng, những ngôi đình vững chãi thấp thoáng dưới bóng cây đa, bến nước mang một vẻ đẹp đặc sắc Việt Nam.

Những năm gần đây, kinh tế thị trường phát triển, một khái niệm “kinh tế mới” ra đời đó là “khu du lịch tâm linh”. Du lịch là đi chơi, nhưng chơi ở những nơi có thờ tự, đáp ứng nhu cầu vừa đi du ngoạn vừa cầu cúng của một bộ phận người dân hiện nay. 

Và không ít “khu du lịch tâm linh” mọc lên ồ ạt với những đặc điểm nổi bật và có thể nói rất xa lạ với tâm linh người Việt và các di tích truyền thống là kích thước thật lớn, gây ấn tượng mạnh với du khách bằng các danh xưng rất kêu, rất lạ... Nghệ thuật kinh doanh đó đã đánh trúng tâm lý chuộng lạ nên du khách luôn đông đảo, tạo ra lượng việc làm mới cho một số lao động mất đất canh tác và đương nhiên ngân sách địa phương cũng gia tăng.

Bênh cạnh cái “được” dễ đo đếm đó, là những cái “mất” vô hình hơn, nhưng chưa biết giữa được và mất, bên nào “nặng" hơn. Đó là điều cần được cân nhắc kỹ càng trên nhiều phương diện.

Trước hết, đó là nguy cơ vỡ cảnh quan vốn hài hòa, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Vấn đề thời sự nhất là đề xuất khu du lịch tâm linh Hương Sơn, ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) chẳng hạn. Đây là một vùng sơn thủy hữu tình thiên tạo kỳ thú, hệ thống núi đá vôi và suối Yến lại được phủ tấm khăn choàng của tâm linh, của nghệ thuật với biết bao huyền thoại và những tác phẩm thi ca của tao nhân mặc khách, khiến cho Hương Sơn trở thành một lễ hội kéo dài suốt cả mùa Xuân. Động Hương Tích được chúa Trịnh Sâm viết chữ tôn vinh là “Nam thiên đệ nhất động” - danh hiệu không hang động nào trên cả nước có được, dù ngày nay có nhiều hang động lớn hơn vừa được phát hiện, vì không có được yếu tố tâm linh của biết bao thế hệ người dân Việt hun đúc.

Nếu xây dựng bên cạnh đó một khu du lịch tâm linh theo mô hình Bái Đính ở Ninh Bình, thì bản trường ca thiên nhiên - văn hóa tuyệt mỹ Hương Sơn sẽ ra sao ?

Nhìn ở góc độ văn hóa - tâm linh, những khu du lịch này cũng gây sự biến đổi theo chiều hướng tiêu cực. Tôn giáo, tín ngưỡng là điểm tựa tinh thần cho con người, đến nơi thờ tự người ta cầu xin sự phù trợ của đấng siêu nhiên nhưng quan trọng hơn là đến để xin sửa mình, trở về với chính mình theo hướng thiện. Vì thế, những ngôi chùa, ngôi đền dù nhỏ nhưng luôn ấm áp khói hương, là nơi người dân gửi gắm niềm tin như con cái với cha mẹ… Những điều đó dường như thiếu vắng ở không ít khu du lịch tâm linh, bởi ai cũng phải mua vé mới được vào cửa và chỉ bắt mắt du khách ở sự mới lạ, to lớn, choáng ngợp! Phát triển theo hướng này sẽ dẫn đến nguy cơ thương mại hóa cả đời sống tâm linh, nhầm lẫn rằng mọi sự đều mua được bằng tiền!

Ở góc độ kinh tế cũng cần xác định lại một cách tỉnh táo. Nếu phát triển ồ ạt các khu du lịch tâm linh sẽ xuất hiện không ít mặt trái, không phải dự án nào cũng mang lại nhiều việc làm và nguồn thu lớn cho ngân sách. Với nhiều dự án mang danh “khu du lịch tâm linh” mọc lên thời gian qua, có thể đã “bội thực” chưa ? Các cơ quan chức năng cần sớm tổng kết, đánh giá một cách khoa học ở nhiều góc độ, nhằm định hướng cho tương lai một cách cẩn trọng, để không xảy ra những hậu quả đáng tiếc, không thể khắc phục được./.

Theo Đăng Dương

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam