Không thể lảng tránh dù "sự thật gây sốc”!

(Dân trí) - Cái bóng của nỗi ám ảnh chất độc da cam bỗng nhiên như vụt to lớn lên lạ thường, sau thông tin về “một sự thật gây sốc”: 62 người trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (chủ yếu thuộc hai quận Hải Châu và Thanh Khê) “bỗng nhiên” bị phát hiện nhiễm dioxin.

Không thể lảng tránh dù sự thật gây sốc”!
Người dân sống gần khu vực sân bay ĐN rất hoang mang với kết quả cả 62 người đều bị nhiễm dioxin (ảnh: Khánh Hồng)

 

Sự thật chỉ có một mà thôi
 

Đa số ý kiến bạn đọc bày tỏ cũng rất “sốc” trước thông tin khó có thể tin nổi, vì đây đều là những người không có trong danh sách các nạn nhân chất độc da cam của thành phố, cũng không có biểu hiện bị nhiễm dioxin như nhiều nạn nhân khác. Đồng thời những đề xuất cụ thể cũng được nêu ra, nhấn mạnh mong muốn vấn đề càng được làm rõ hơn thì càng giảm bớt được sự hoang mang, suy luận rồi đoán già đoán non trong cộng đồng.

 

“Đây quả là thông tin gây sốc. Nó có thể sẽ khiến khách du lịch lo ngại nếu không được xử lý kịp thời. Các cơ quan chức năng cần thông tin rõ xem họ bị nhiễm tới mức nào, có thể gây những ảnh hưởng ra sao... để người dân yên tâm...” - Tuan:  tuanqdo@gmail.com

 

“Quá sốc!” – Thao Le:  thaole@yahoo.com

 

“Đau lòng thật, lại thêm những di chứng tội ác của chiến tranh!!!” - Ngoc:  tranminhngoc.dn@gmail.com

 

“Đề nghị báo chí tiếp tục theo dõi và đưa tiếp các thông tin cần thiết để làm rõ vụ này, tránh để người dân hoang mang” – Khanh Thuy:  khanhthuy46k2@gmail.com

 

“Đây là vấn đề rất đáng quan tâm. Các cơ quan chức năng Nhà nước cần vào cuộc mạnh mẽ và nghiêm túc, vì đây là vấn đề liên quan đến giống nòi” - Nguyễn Thị Thành:  Nguyenthanh.1964@yahoo.com

 

“Theo tôi nghĩ, việc nên làm lúc này là mở rộng xét nghiệm ra các khu vực xa hơn để khoanh vùng rõ ràng, và cũng là nhằm làm an lòng người dân. Nghe mà đau lòng quá…” - Trần Bích Trâm:  tramtran3009@yahoo.com.vn

 

Vẫn có một số người còn nghi ngờ, muốn có thêm các kiểm chứng cần thiết để tránh những hậu quả khó lường, nhất là có thể ảnh hướng không tốt tới lợi ích của thành phố và người dân Đà Nẵng.

 

“Theo tôi, nên có xét nghiệm lặp lại bởi các phòng thí nghiệm độc lập khác nhau để đảm bảo kết quả trên là chính xác” - Thu Ha:  thuhabk@gmail.com

 

“Tôi vẫn rất băn khoăn, vì liệu chỉ 1 test với cỡ mẫu và quy mô như vậy đã đáng để công bố chưa? Người cung cấp thông tin và đăng tin đã tính hết lợi và hại cho TP Đà Nẵng và chính bản thân người dân ở 2 khu vực Hải Châu và Thanh Khê chưa?” -  Nguyễn Công Hiệu:  nguyenconghieu01@yahoo.com

 

“Cần có xét nghiệm lặp lại. Lấy 62 mẫu máu ngẫu nhiên và cả 62 mẫu đều có nồng độ dioxin cao? Về chuyên môn, có lẽ con số này cho ta một nghi ngờ về kết quả phân tích, về phương pháp phân tích. Cần nhớ rằng xác định dioxin rất khó, nhất là lại trong mẫu máu (lượng mẫu ít, không làm giàu đủ). Theo tôi, cơ quan chức năng nên lấy mẫu máu lần 2 của một số trong 62 người này và gửi đi xét nghiệm ở một nơi khác có phương tiện hiện đại (ví dụ gửi sang Nhật). Trên cơ sở xét nghiệm lần 2 mới có thể khẳng định khả năng nhiễm dioxin và tiến hành tẩy độc cơ thể. Mạng người quan trọng, không thể dễ dàng thử nghiệm!” - Do Nhat: donhat76@yahoo.com

 

Ngược lại, số khác suy luận từ thực tế cho rằng: khả năng đó là có thể. Và nếu vậy thì điều người dân cần nhất hiện nay là thêm thông tin xác thực, minh bạch. Tránh kiểu lảng tránh hoặc “ém nhẹm” thông tin dù là với lý do “sợ gây ảnh hưởng không tốt” bởi người dân có quyền được biết sự thật, để từ đó có cơ sở để phòng tránh tốt hơn.

 

“Tôi thì lại không bất ngờ vì nghĩ bị nhiễm là điều tất nhiên. Mà đó là những người dân thành phố họ còn ở xa nơi ô nhiễm, có nguồn nước sạch sử dụng đấy. Chứ tôi nghĩ những quân nhân công tác trong 2 sân bay Biên Hòa, Phù Cát nếu đem xét nghiệm không biết mức độ có còn cao hơn không? Vì họ sống ngay tại nơi ấy, ăn, uống nước giếng trong khu vực đó... từ khi tiếp quản sân bay. Mà thời bao cấp bắt được con cá, con trai, con ốc dưới hồ thì quả đã là một bữa cải thiện rồi.

 

Tôi thấy sân bay Phù Cát bị nặng nhất, vì PC là nơi rừng núi, sau khi rải chất độc về, máy bay Mỹ đáp xuống PC tẩy rửa rồi mới về ĐN. Nếu đi tiếp, máy bay Mỹ cũng có kho nạp bổ sung tại PC, về lại tẩy rửa rồi mới về ĐN. Trong quá trình tra nạp, tẩy rửa chất dioxin có thể đã khuyếch tán mạnh vào không khí, ao hồ...

 

Còn ĐN dù sao là sân bay ở thành phố, là nơi có kho chứa nên quy trình bảo đảm an toàn luôn chặt chẽ đúng theo quy trình gắt gao của Mỹ. Nên tôi cho là độ khuyếch tán, thẩm thấu ra môi trường bên ngoài ít hơn sân bay PC nhiều. Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng nhà nước cũng nên có chính sách cụ thể hơn, hoặc yêu cầu phía Mỹ thể hiện việc chịu trách nhiệm đối với những quân nhân đã sống và công tác tại các sân bay trên từ 20 năm trở lên” - Tuấn:  anhtungga07@yahoo.com.vn

 

“Dioxin là tên một nhóm các hợp chất hóa học hữu cơ mạch vòng có chứa Clo, có đặc tính là khó phân hủy ở ngoài môi trường. Rất nhiều báo cáo từ những người bị phơi nhiễm dioxin bị các bệnh tật di truyền qua nhiều thế hệ... Tôi nghĩ đáng lẽ việc này phải tiến hành thật sớm chứ không phải bây giờ mới làm, nên kết quả bây giờ như vậy cũng dễ hiểu thôi. Cầu mong không có thêm nạn nhân nào nữa” - Đào Xuân Lân:  landx@bachmai.edu.vn

 

Những câu hỏi cần được phúc đáp

 

Mạng sống của con người là quan trọng nhất, nên nỗi lo lắng của những người đã từng hoặc đang sống và làm việc tại nơi đó càng lớn. Và cái tên của Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Bá Thanh lại một lần nữa được nhắc tới như 1 trong những điểm tựa cổ vũ tinh thần cho cư dân Đà Nẵng:

 

“Tôi muốn hỏi: Đối với các quân nhân - những người đã qua những nơi từng là chiến trường xưa đó (có liên quan đến chất độc da cam), có thể cũng nhiễm chất độc da cam dù hiện tại họ cũng vẫn bình thường như gia tộc họ Võ, thì Bộ Lao động Thương binh Xã hội có cách nào giúp để khám, phát hiện và giải quyết chính sách cho họ không? Hay cứ phải là bị tàn phế, dị tật hoặc có biểu hiện bệnh mới được khám, giải quyết?” - Bui Trong Thai:  btrongthai@yahoo.com.vn

 

“Xin hỏi: Tôi có chú em là bộ đội làm ở sân bay Đà Nẵng khoảng 7 năm, liệu có bị nhiễm chất dioxin không? Cần đi xét nghiệm ở đâu, thủ tục như thế nào? Ai biết xin trả lời giúp!” - Nguyen Nhi:  nhinguyen9907@gmail.com.vn

 

“Mình từng học và làm việc tại gần khu vực sân bay 7 năm trời,  nếu vậy thì khả năng mình bị nhiễm rất là cao, vì mình ở cách sân bay chỉ chưa đầy 500m, còn gần hơn những người ở phường Chính Gián trong bài báo này nữa. Trời ơi, bây giờ biết làm sao mà  liên hệ với  cơ quan nào để xét nghiệm đây, mình cũng đã có 1 cháu rồi? Mọi người ai biết thông tin về vấn đề này, vui lòng gởi phản hồi lại giúp mình với! Mình lo quá đi!” - Thu Hiền:  thuhien241@yahoo.com

 

“Nếu vậy thì cần xét nghiệm tất cả những người từng sống gần sân bay Đà Nẵng, trong đó có gia đình tôi - những người đã sống ở đó suốt trong những năm chiến tranh và từng bị đỏ mắt vì có đợt máy bay Mỹ rải thuốc diệt cỏ đầy trời” -  Nguyễn:  nhduc.dng@gmail.com

 

“Em muốn xét nghiệm dioxin ở ngay Đà Nẵng thì phải đến đâu? Xin cảm ơn ai giúp em có thông tin” - Trần Xuân:  xuantrandn@gmail.com

 

“Bác đó ở gần nhà mình… Lo quá, kiểu này liệu người dân ở khu mình có bị phơi nhiễm không đây? Thật đau lòng!”- Tuyen Pham AP:  phamdtuyen0401@yahoo.com

 

“Tôi lo là bây giờ mà kiểm tra hết số dân sống quanh khu vực, cũng như cả các quân nhân làm việc tại đó hơn 30 năm qua thì rất có thể họ cũng bị nhiễm. Các ban ngành chức năng nhà nước ta cũng cần có cách khắc phục ngay...” - Phan Anh Đào:  anhdaophan21@yahoo.com.vn

 

 “Tôi nghĩ, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cần biết ngay điều này để có giải pháp hữu hiệu. Đà Nẵng đang hướng tới thương hiệu 1 Singapore của Việt Nam, vậy mà giờ lại có thông tin thế này thì có lẽ sẽ bất lợi... Xây dựng được 1 thương hiệu đã rất khó, nay cần có ngay những biện pháp cụ thể để giữ gìn thương hiệu 1 thành phố đáng sống nhất của VN.... Tôi cũng cảm thấy thật là thất vọng và bị sốc trước thông tin này” - Vista: vohoadl@gmail.com

 

“Gởi bạn Vista : Nói như bạn thì có thể hiểu theo nghĩa là bất chấp tất cả để đạt được danh hiệu thành phố đáng sống sao? Tôi chẳng hiểu bạn “sốc” vì điều gì nữa, có thể bạn đang bị sốc vì Đà Nẵng không làm theo cách là ‘ém nhẹm’ những thông tin có thể làm ảnh hưởng đến thành tích thi đua của địa phương chăng? Cá nhân tôi thì ủng hộ việc cơ quan báo chí đưa thêm nhiều thông tin, để người dân biết và có biện pháp phòng ngừa nhằm bảo vệ sức khỏe cho chính mình” - Nguyễn Anh:  nghethuat2@yahoo.com

 
Ông Võ Thâu bàng hoàng khi nhận kết quả cả 5 người trong gia đình ông bị nhiễm dioxin 
Ông Võ Thâu bàng hoàng khi nhận kết quả cả 5 người trong gia đình ông bị nhiễm dioxin 
 

Nên và không nên 

 

Muộn còn hơn không, những người có lẽ là có chuyên môn hơn cũng đã lập tức vào cuộc cùng người dân nơi đây bằng cách đưa ra những nhận xét, góp ý, khuyến cáo cụ thể cùng với những lời sẻ chia chân thành:

 

Đây là một trong những hậu quả không mong muốn do chiến tranh để lại. Cũng may là người dân từ lâu rồi không dùng nước giếng đào nữa, nếu không mức độ và phạm vi ảnh hưởng còn lớn hơn. Cũng may Bộ Quốc phòng và một số tổ chức như Văn phòng 33 của Bộ Tài nguyên, USAID đã và đang triển khai một số chương trình tẩy độc dioxin tại sân bay Đà Nẵng. Hy vọng số người bị nhiễm dioxin không phát sinh thêm và những người đã bị nhiễm sẽ được điều trị tích cực để tẩy độc. Mong rằng bà con không dùng các sản phẩm như cá, chim, rau... từ khu vực nhiễm bẩn nữa” - Nguyen Hung:  hungk45mt@yahoo.co.in

 

“Ngành chức năng nên khoanh vùng các nơi bị nhiễm và tiến hành xét nghiệm toàn dân khu vực đó. Và cần hơn hết là đẩy nhanh tiến độ tẩy độc dioxin, vì nếu như thế này thì ở gần sân bay Đà nẵng không phải là ít người bị nhiễm. Nặng hay nhẹ thì còn cần được xét nghiệm, tuy nhiên nên tế nhị làm vì thực sự đây là vấn đề lớn và quá nóng bỏng!!” - Yeu Viet:  tainanshan@yahoo.com.tw

 

“Chính quyền Đà Nẵng nên làm một cuộc khảo sát rộng hơn nữa, để cho  bà con biết rõ hơn thông tin về sự khuyếch tán và tích lũy của các dioxin, furan, PCB trong môi trường bao gồm cả: đất, nước, không khí, sinh vật và cả con người xung quanh nguồn phát tán là sân bay Đà Nẵng. Cụ thể hơn là nên làm khảo sát trên một vài hệ sinh thái theo thứ tự từ gần đến xa, tính từ sân bay Đà Nẵng. Như vậy mới có thể có phương pháp quản lý hiệu quả (ít nhất cũng biết là chỗ nào tích lũy nhiều/ít, con vật gì bị tích lũy nhiều như cá tôm chẳng hạn... để còn biết mà không ăn). Và quan trọng hơn là tránh những sự phơi nhiễm đáng tiếc, ảnh hưởng đến nòi giống của các thế hệ con cháu chúng ta sau này, bởi vì các hợp chất hữu cơ bền tồn tại rất lâu trong môi trường (persistent organic pollutants)” -  Nguyễn Hoàng Lâm:  goldforest12345@gmail.com

 

Cuối cùng, chúng tôi cũng muốn chia sẻ với những ý kiến như Pham Thanh Cham phamthnhcham67@gmai.com nhắn gửi:

 

“Xin chia sẻ cùng các nạn nhân chất độc da cam! Mặc dù đây là một sự thật gây sốc đối với tất cả chúng ta trong thời kỳ hiện đại này, nhưng xin mọi người hết sức bình tĩnh lạc quan tin tưởng vào khả năng tẩy độc mới hiện nay của y học.  Chúc tất cả 62 người vừa bị phát hiện nhiễm dioxin ở Đà Nẵng nhiều niềm tin nghị lực vượt qua thử thách này...”
 
Chúng tôi cũng hy vọng và tin rằng Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh sẽ sớm có câu trả lời cụ thể với người dân về "sự thật gây sốc" này.

 

Khánh Tùng