Không có luật nào là luật “tào lao”!
Phạt 1 triệu đồng nếu vợ lấy tiền từ ví chồng; Vợ đánh chồng: phạt 1 triệu; Vợ không đưa tiền chồng xài tết, phạt đến 500 ngàn... Những quy định, chính xác là những dòng tít gây ồn ã dư luận. Phải chăng đây là loại luật “phòng máy lạnh”, luật “tào lao”?
Phạt 1 triệu đồng nếu vợ lấy tiền từ ví chồng; Vợ đánh chồng: phạt 1 triệu; Vợ không đưa tiền chồng xài tết, phạt đến 500 ngàn... Những quy định, chính xác là những dòng tít gây ồn ã dư luận. Phải chăng đây là loại luật “phòng máy lạnh”, luật “tào lao”?
Suốt từ hôm qua, câu chuyện phạt 1 triệu đồng đối với những cha mẹ lấy tiền lì xì tết của con đang tạo sóng dư luận. Người nói đúng, kẻ bảo sai, người nói luật “phòng máy lạnh”...
Nguồn cơn câu chuyện là quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 56 Nghị định 167 xác định: Hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình bị xem là hành vi bạo lực về kinh tế và sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Việc phạt tiền sẽ được thực hiện như một biện pháp hành chính đối với một trong những hành vi: a). Chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên gia đình; b). Ép buộc thành viên gia đình lao động quá sức hoặc làm công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại...c). Ép buộc thành viên gia đình đi ăn xin hoặc lang thang kiếm sống.
Báo chí, có mở ngoặc thêm rằng: Tiền lì xì Tết cũng được coi là tài sản riêng của con. Và khi con cái trong gia đình được người khác lì xì tiền Tết mà ba mẹ yêu cầu con trẻ đưa tiền lì xì cho mình thì có thể bị xử phạt.
Chính xác thì đây là một quy định tuyệt đối đúng với mục tiêu là bảo vệ gia đình, một trong những nền tảng cơ bản của xã hội chứ không hề "tào lao”.
"Tào lao” nếu có, chỉ là việc báo chí hay mạng xã hội "diễn giải hóa" nội dung quy định trong những tình huống cụ thể (chứ có luật nào làm thay luôn việc xác định hành vi vi phạm như tòa án).
Chúng ta có những dòng tít mang tính chất dân dã hóa các quy phạm pháp luật. Chẳng hạn “Vợ đánh chồng phạt 1 triệu”, “Phạt tiền vợ cấm chồng ra ngoài ăn nhậu”, “Vợ không đưa tiền chồng xài tết, phạt đến 500 ngàn”.
Nó chỉ là cách diễn giải, cách cụ thể hóa, cách cuộc sống hóa các quy phạm để gây chú ý, để người dân dễ hiểu hơn. Và nếu người dân “tra google” để tìm hiểu, để rõ ngọn ngành thì rõ ràng, báo chí cũng không tào lao khi hoàn thành nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật của mình.
Cái đáng sợ nhất trong một xã hội là việc người dân không hiểu, không biết những quy định pháp luật.
Và điều cần làm chính là không để những dòng tít hay ghi chú trên mạng xã hội tạo ra những khái niệm kiểu "Luật tào lao" mà nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi công dân là phải tìm hiểu rõ những quy định của pháp luật để thực hiện và tuân theo trong cuộc sống.
Anh Đào
Báo Lao động