Không ai muốn khốn đốn bởi Fake News

Thời gian qua, không ít doanh nghiệp “lên bờ xuống ruộng” vì tin giả, tin vịt, tin chưa kiểm chứng, không đúng sự thật (fake news), tin được tạo ra, lan truyền với mục đích cạnh tranh không lành mạnh.

Không ai muốn khốn đốn bởi Fake News - 1

Làm gì để hạn chế, tiến tới ngăn chặn tác hại của fake news đang là một bài toán hóc búa đặt ra trong thời đại truyền thông số và mạng xã hội đang chiếm ngôi vị thống lĩnh.

Muôn mặt fake news

Cách đây vài năm, một doanh nghiệp (DN) chế biến thực phẩm ở miền Trung khốn đốn vì thông tin được đăng tải trên báo chí. Thời điểm đó, mạng xã hội và sau đó là một số tờ báo loan tin một bảo vệ của DN nói trên chết trong bồn chứa nước. Ngay lập tức, doanh số bán hàng của DN bị sụt giảm nghiêm trọng, hàng hóa ế thừa, người lao động bị giảm thu nhập, bị nợ lương, bảo hiểm...

Tuy nhiên, sự thực sau đó được xác định là người bảo vệ nói trên bị tâm thần, đã leo lên một bồn chứa nước bỏ hoang gần bờ rào công ty và chết trong đó. Bồn nước nói trên hoàn toàn không liên quan gì đến dây chuyền sản xuất thực phẩm, nhưng người đọc không biết điều đó, và thông tin nói trên đã tạo ra cảm giác sợ hãi đối với sản phẩm liên quan đến chất lỏng của DN.

Tin đồn giám đốc ngân hàng bị bắt, hay bỏ trốn cũng là một “chiêu” khá hữu hiệu để đẩy đối thủ cạnh tranh vào thế khó khăn hoặc là phục vụ mục đích, chủ đích của ai đó, thế lực nào đó mà việc thu lợi có khi không chỉ hoặc không phải là kinh tế.

Trước thông tin giám đốc và một nhân viên của phòng giao dịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt huyện Sơn Dương bị bắt, ngân hàng bị phá sản gây hoang mang, ngày 10.8, ông Đỗ Mai Hồng - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Tuyên Quang - khẳng định, tin đồn trên hoàn toàn không đúng sự thật.

Thực tế là Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Bưu điện Liên Việt huyện Sơn Dương chuyển công tác sang ngân hàng khác, còn nhân viên do vi phạm nghiệp vụ nên bị sa thải.

Làm gì để ngăn chặn tác hại của fake news?

Không thể ngăn chặn hoàn toàn fake news mà chỉ có thể phòng ngừa, hoặc xử lý, ngăn chặn tác hại. Về phía DN liên quan fake news, cần có thông tin chính thống, kịp thời về vụ việc, có thể bằng họp báo, thông cáo báo chí...

Các cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương vào cuộc, xác định rõ trắng đen để thông tin cho dư luận. Vụ cơm tấm Kiều Giang, cơ quan chức năng có phần vội vàng thông tin cho báo chí khi chưa có kết luận chính thức, nhưng sau đó đã kịp thời công khai kết quả kiểm tra, xử lý, nên hậu quả không quá nặng nề, đỡ thiệt hại cho DN.

Một số trường hợp, cần có thông tin chính thống, kịp thời từ những người đại diện cho chính quyền cấp địa phương hay trung ương.

Một số trường hợp cần điều tra, truy tìm đối tượng đã tung tin thất thiệt để có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Hoặc DN có thể tố cáo, khởi kiện những người tung tin không đúng sự thật gây thiệt hại về kinh tế - uy tín.

Tuy nhiên, việc theo đòi kiện cáo làm DN mất thời gian, tốn kém và mệt mỏi nên một số DN lựa chọn phương thức im lặng, chờ sóng gió qua đi.

Theo luật sư Nguyễn Anh Tuấn (Nghệ An), hiện nay việc tin đồn thất thiệt lan truyền ngày càng nhiều do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng xã hội gắn liền với các thiết bị di động có tính năng truy cập Internet.

Việc các tin giả dễ dàng lan truyền với tốc độ cao, phạm vi lớn trên môi trường mạng xã hội, nhất là các tin nhạy cảm liên quan đến an toàn thực phẩm, an toàn tín dụng,... nhưng lại rất khó truy tìm người phát tán là nguyên nhân làm cho fake news ngày một nhiều.

Một nguyên nhân nữa là các chế tài về hành chính, hình sự còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe nên dẫn đến tình trạng “nhờn thuốc”.

“Cần phối hợp đồng bộ các giải pháp về hoàn thiện chế tài pháp lý và nâng cao dân trí thì mới có thể giảm bớt cũng như ngăn chặn tác hại của fake news”. (Luật sư NGUYỄN ANH TUẤN)

Theo Lam Chi – Quang Đại

Báo Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm