Khi nào ăn cá được?

Món tiền 500 triệu USD Formosa bồi thường tạm gác qua một bên, không bàn, chừng đó tiền chẳng có ý nghĩa gì với thảm họa môi trường lâu dài, với sự tổn thương vùng biển Việt Nam chưa biết khi nào hồi phục.

Khi nào ăn cá được? - 1

Vụ cá chết kéo dài làm cho người lao động nghề biển khốn đốn, người dân lo sợ không dám ăn hải sản.

Xin bàn đến chuyện sát nách mà dân đang bàn trên mâm cơm, đó là khi nào ăn cá được? Khi nào ăn cá được chính là khi nào người lao động nghề biển ra khơi khai thác hải sản được, bán được, không bị đổ ra đường như từng xảy ra.

Khi nào ăn cá được có nghĩa khi đó hàng vạn ngư dân các tỉnh miền Trung sống được bằng nghề của mình. Ăn cá được cũng là ăn được hải sản đánh bắt từ vùng biển từng bị nhiễm độc nhưng đã được xử lý. Sự tái sinh của nghề biển có cơ hội bắt đầu nếu như có câu trả lời đã ăn cá được.

Đây là vấn đề đặt ra khẩn cấp cần phải giải đáp đầy trách nhiệm, chính xác, khoa học và trung thực của ngành tài nguyên môi trường. Ăn cá được không căn cứ vào phát ngôn của một lãnh đạo địa phương theo kiểu tuyên truyền kêu gọi, không phải là vài vị quan chức ngồi quanh mâm hải sản vui vẻ nhâm nhi, hay xuống biển bơi lội. Cá ăn được phải được chứng minh là biển đã hết nhiễm độc bằng các bản báo cáo khoa học.

Biển của bốn tỉnh miền Trung bị Formosa đầu độc, vậy thì nó sẽ được điều trị bằng cách nào. Nếu bằng quá trình tự làm sạch của biển, mất thời gian bao nhiêu lâu thì quá trình tự nhiên đó hoàn thành? Cơ quan nào chịu trách nhiệm theo dõi, đo đạc và công bố các chỉ số an toàn cho dân biết?

Cách điều trị thứ hai là có sự can thiệp của con người, can thiệp bằng cách gì để giải độc cho biển, chi phí bao nhiêu, khi nào hoàn thành, dân cần biết rõ những điều đó. Khi đi tìm nguyên nhân cá chết, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tuyên bố nếu cần thì thuê chuyên gia nước ngoài tham gia. Nay giải độc cho biển cũng vậy, nên có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài. Những gì chúng ta chưa làm được thì mời người giỏi làm cho chắc ăn, kết quả được công bố sẽ đáng tin cậy hơn.

Trong quá trình giải độc cho biển tất nhiên phải ngăn chặn nguồn thải độc của Formosa. Tốt nhất là tạm thời đóng cửa nhà máy, cho đến khi nào xây dựng xong hệ thống xả thải mới, đúng tiêu chuẩn. Còn để cho Formosa tiếp tục hoạt động với cách sửa chữa chắp vá trên hệ thống xả thải cũ thì không hy vọng biển hết độc.

Vụ cá chết kéo dài làm cho người lao động nghề biển khốn đốn, người dân lo sợ không dám ăn hải sản. Tìm ra thủ phạm đầu độc biển mới chỉ là một phần công việc, giải độc cho biển là việc quan trọng còn lại.

Lê Thanh Phong

Theo báo Lao động