Bạn đọc viết:
Khai bút đầu Xuân – nét văn hóa “hồn cốt” của Tết Việt
(Dân trí) - Từ lâu trong văn hóa Tết của người Việt có lệ khai bút đầu xuân, mà nói như các cụ là tục “minh niên khai bút”. Phong tục này cũng là thói quen khởi đầu trong ngày đầu tiên của năm mới, được nhiều người Việt thực hiện với sự trịnh trọng, tâm thành...
Cái phong tục tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng lại ẩn chứa sự huyền bí, linh thiêng ấy như một mạch nguồn cứ chảy mãi, chảy mãi thế hệ này nối tiếp thế hệ kia mà chẳng hề thay đổi. Và dẫu năm nào cũng có một lần khai bút, đối với người viết lách như nhà văn, nhà báo, nhà giáo… thì quanh năm đều viết, ấy vậy mà cứ đến cái thời khắc đầu tiên đặt bút viết cho một năm mới thì hẳn ai cũng thấy trong lòng mình một chút xốn xang, chộn rộn. Thế nên có nhiều người phải chọn ngày và giờ tốt để khai bút, cũng có người cẩn thận chọn những câu thật ý nghĩa để khai bút.
Tôi cũng không biết mình thích cái việc “khai bút đầu xuân” ấy tự khi nào, nhưng có lẽ nó đã ăn sâu vào máu thịt từ thời thơ ấu. Nhớ ngày còn bé, tôi chẳng hiểu gì về khai bút, chỉ thấy mỗi khi đến cái thời khắc linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cứ tới khi sắp đến thời điểm đó cha tôi lại vận quần áo chỉnh tề, đợi đúng lúc giao thừa, đốt nhang khấn vái trước bàn thờ rồi ngồi vào bàn để “khai bút”.
Cha tôi nói: Khai bút đầu xuân là một nét đẹp văn hóa của dân tộc có truyền thống hiếu học. Cha thường dạy chúng tôi khai bút. Mỗi đứa tự viết ra một câu tùy chọn, có thể là ca dao, tục ngữ hay thơ văn gì đó nhưng phải thật có ý nghĩa. Đến bây giờ tôi vẫn giữ thói quen hay hay và đẹp ấy. Mỗi năm Tết đến, tôi lại háo hức để chờ được khai bút và chẳng biết mình đã “nghiện” khai bút đầu xuân từ khi nào chẳng rõ.
Với người Việt, bút là công cụ gắn bó với đời sống trí tuệ và tâm hồn, trở thành một biểu tượng thiêng liêng. Khai bút là khai chữ, khai tâm, khai trí, khai nghề, khai nghiệp… Cũng là để tự nhắc nhủ mình, nhắc nhủ người, mong muốn, hy vọng… Tất cả đều hướng đến cái đẹp, sự mạnh khỏe, thành đạt, ích nước, lợi nhà, hướng thiện, hạnh phúc, phát đạt, mở mang, cầu chúc tốt đẹp, may mắn…
Thế nên nếu viết chữ đẹp thì người viết tin rằng cả năm sẽ hanh thông, suôn sẻ. Kỵ nhất là đầu năm viết chữ đầu tiên mà viết mấy từ có ý nghĩa xấu. Lại tối kỵ những trục trặc như cây viết hư hoặc bút hết mực...
Cứ như thế, khai bút đầu xuân đã trở thành một việc làm mang ý niệm tâm linh, ước mong một năm mới thành công, nhiều may mắn sẽ đến với ta và cả những người mà ta yêu quý.
Và kể từ thời đã xa đó, cứ mỗi Tết về trong bầu không khí đất trời giao hòa trong khoảnh khắc giao thừa liêng thiêng, hương trầm ngan ngát hòa quyện với cái lạnh tê tái của đêm đông tạo nên một cảm xúc khó tả, tôi lại thích được ngồi khai bút cùng gia đình. Dĩ nhiên là chẳng bao giờ quên nhắc lại lời dạy về khai bút của cha tôi năm nào, để con tôi cũng thấy được khai bút đầu xuân là một nét đẹp văn hóa của dân tộc có truyền thống hiếu học. Đó cũng là một truyền thống được hun đúc từ “đạo làm người” đã tạo thành một dòng chảy không ngừng bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn người Việt cho dù có gặp bao phong ba bão táp, vẫn mãi vẹn nguyên những giá trị truyền thống đầy ý nghĩa…