Bạn đọc viết
Hy vọng báo chí sẽ phát triển lành mạnh
Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố đem lại cho tôi niềm phấn khởi, bởi một bản quy hoạch với những nội dung, chương trình, thiết chế hướng cho báo chí những cơ hội phát triển lành mạnh.
Tôi nghĩ Đề án quy hoạch thể hiện tính nguyên tắc về Đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện báo chí, về tính đúng đắn trong quản lý báo chí và phù hợp với yêu cầu hiện tại cũng như tương lai những năm sau, cũng như việc giương cao những giá trị truyền thống của báo chí cách mạng, đồng thời cũng tiếp cận những giá trị của báo chí hiện đại. Đó là sự giao thoa, hài hòa để bảo đảm sự phát triển báo chí trên nền tảng văn hóa vững chắc có tính đặc thù nhưng đan xen cả tính phổ cập của một quốc gia hiện đại.
Nhất là trong giai đoạn quốc tế hóa, những lo ngại về hoạt động báo chí gần như tự phát, thiếu lành mạnh, thì việc hướng tới một trật tự báo chí lành mạnh và thống nhất trong sự đa dạng tránh những hệ lụy đối với cộng đồng xã hội là vô cùng cần thiết và quan trọng. Ngoài ra, việc thực hiện quy hoạch báo chí sẽ không những hạn chế những mặt tiêu cực do thương mại hóa báo chí gây ra, mà còn đưa báo chí trở lại những nguyên lý cơ bản của báo chí cách mạng phù hợp với xu hướng phát triển báo chí thế giới hiện đại.
Thực tế, giai đoạn vừa qua hoạt động của báo chí nước ta được ví sự phát triển gần như là “phong trào” - hay nói cách khác là, tình trạng mạnh ai nấy làm. Ngành ngành ra báo, hội hội ra báo... Có nơi người ta lý luận và thậm chí ngụy biện về cái gọi là nhu cầu, đòi hỏi có “cơ quan ngôn luận” để xin ra nhiều tờ báo. Ngay cả các trường đại học, cao đẳng cũng đua nhau mở các khoa báo chí - truyền thông, để đào tạo và nhanh chóng ra lò hàng loạt nhà báo tương lai. Và rồi học sinh, sinh viên lao vào học báo chí như là một nghề thời thượng nhưng sau khi tốt nghiệp lại thất nghiệp không ít. Hệ lụy của tình trạng này là những cuộc cạnh tranh không lành mạnh tạo ra không ít ấn phẩm báo chí chưa đạt chuẩn.
Chính vì thế mà báo chí Việt Nam thời gian qua bên cạnh những thành tựu, những ngăn nắp, nghiêm túc, tạo nên sức mạnh định hướng thông tin, hướng công chúng đến cái hay, cái đẹp, thì cũng đồng thời xuất hiện bức tranh lộn xộn, nhiều chắp vá. Nhiều nhà báo không quan tâm đến vai trò định hướng thông tin và tư tưởng cho công chúng mà quan tâm quá nhiều đến việc đua nhau khai thác những mặt trái của xã hội, những góc khuất đời tư, sản xuất hàng loạt những bài báo “cướp - giết - hiếp”. Những nhà báo đó không còn là hình ảnh của người định hướng tinh thần nữa mà ở mức độ nào đó đã trở thành những điểm tối trong diễn đàn báo chí.
Chính tình trạng hoạt động báo chí như vậy đã buộc Đảng, Nhà nước phải thắt chặt quản lý để lập lại trật tự, và phân định minh bạch cũng như tôn trọng nguyên lý, nguyên tắc của báo chí. Nhất là khi mà ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, báo chí Việt Nam đã có nhiều đổi mới. Báo chí không những là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng mà còn là phương tiện khai trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của công chúng, là công cụ tuyên truyền tư tưởng định tuyến, mà còn là diễn đàn của nhân dân, là nơi giao lưu, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân, là nơi thông tin đa tuyến của xã hội. Sản phẩm báo chí trở thành hàng hóa đặc biệt đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội. Xu hướng của báo chí không chỉ là hoạt động văn hóa tinh thần mà nó còn là một ngành kinh tế - ngành “công nghiệp báo chí”. Sự mâu thuẫn và thống nhất giữa hai mặt đối lập (giữa yêu cầu phát triển kinh tế và tiếp nhận xu hướng mới với việc giữ gìn bản sắc) trong hoạt động báo chí Việt Nam hiện nay đang đặt ra những vấn đề bức thiết cần phải giải quyết trong bối cảnh toàn cầu hóa vừa có những thành tựu mới vừa có những xu hướng bị “đồng hóa”, bị tác động bởi những mặt tiêu cực từ quá trình toàn cầu hóa và phát triển kinh tế thị trường, từ đó làm giảm vai trò chính trị tư tưởng của báo chí trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Dẫu biết rằng đề án quy hoạch với những cấu trúc và mục tiêu mới còn có tranh luận, thậm chí lo lắng về cách sắp xếp, quy hoạch cụ thể, cả về “tâm tư” khía cạnh này, khía cạnh khác…. nhưng đây vẫn là cấu trúc của một trật tự mới cơ bản đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh về cơ cấu các cơ quan báo chí.. Đặc biệt là tạo ra tiền đề cho một trật tự báo chí lành mạnh, dù có tiếp nhận, tiếp biến những yếu tố mới của báo chí - truyền thông thế giới với thành tựu công nghệ vượt bậc thế nào đi nữa thì vẫn được hội tụ bởi những yếu tố cơ bản, đó là: Văn hóa báo chí lành mạnh và hấp dẫn; các giá trị cốt lõi về chính trị mà báo chí ủng hộ, cổ súy; giá trị đạo đức cơ bản của con người được thể hiện trong tác phẩm báo chí, dù chỉ là một cái tin, ảnh.
Tôi đặt trọn niềm tin, việc quy hoạch báo chí sẽ giúp cho không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả của báo chí, mỗi một cơ quan báo chí thực sự làm đúng chức năng nhiệm vụ là phương tiện thông tin, công cụ tuyên truyền, vũ khí tư tưởng quan trọng của Đảng và nhà nước, diễn đàn của nhân dân.
Minh Tư