Hôn nhân đồng giới: Cấm, nhưng không cứng nhắc?
Hôn nhân đồng giới đang gây tranh cãi, nhất là thời gian vừa qua liên tiếp có những đám cưới đồng tính được tổ chức. Ở thời điểm này, khi dư luận xã hội tương đối “mở” với hôn nhân đồng tính thì rào cản pháp lý có nên tháo bỏ?
Luật không công nhận, nhưng cần nghiên cứu nghiêm túc
Trao đổi về vấn đề trên, Luật sư Trần Ngọc Quý – Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, theo điều 1 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (HN&GĐ) nước ta quy định: Luật HN&GĐ có nhiệm vụ góp phần xây dựng, hoàn thiện, bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình tiến bộ, kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức tốt đẹp của gia đình Việt Nam nhằm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững…
Do đó, để đạt mục đích trên, tại khoản 5 điều 10 của Luật này quy định “cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính”. Do đó, pháp luật hiện hành không cho phép, không công nhận, không bảo vệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Theo luật sư Quý, mặc dù không được pháp luật thừa nhận nhưng trên thực tế hiện nay vẫn xuất hiện đám cưới giữa những người đồng giới.
Để có một cái nhìn khách quan đối với hiện tượng này cần có sự nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng và toàn diện của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, các nhà xã hội học, các chuyên gia tâm lý... để xem xét đánh giá toàn diện, đầy đủ hiện tượng trên; tác động phát sinh đối với cuộc sống gia đình và xã hội để có những quy định điều chỉnh phù hợp.
Cần cởi mở, vị tha hơn!
Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, LS Trần Công Li Tao - Đoàn luật sư TP.HCM tỏ ra khá cởi mở. Luật sư Li Tao cho rằng, vấn đề hôn nhân đồng giới “không mới nhưng lại mới” trong tình hình hiện nay.
Luật sư giải thích, sở dĩ nói vấn đề này “không mới” bởi vì thực trạng người đồng giới đã tồn tại từ rất lâu nhưng “mới” vì việc pháp luật có chấp nhận họ hay không thì hiện nay vẫn còn phải xem xét.
Cần có những điều chỉnh dưới luật để quản lý hôn nhân đồng giới. (Ảnh minh họa) |
Theo luật sư Li Tao, hiện một số nước trên thế giới có nền lập pháp tiến bộ họ vẫn công nhận hôn nhân đồng giới. Nước ta là một nước phương Đông, theo văn hóa phương Đông, một trong những mục đích quan trọng bậc nhất của hôn nhân là để duy trì nòi giống, đó là truyền thống muôn đời nhưng hôn nhân đồng giới không đạt được mục đích này.
Tuy nhiên, người đồng giới không phải họ muốn hay không muốn mà có thể quyết định được giới tính của họ, đó là tạo hóa sinh ra họ. Họ cũng là con người, cũng có quyền có những nhu cầu tình cảm cá nhân của họ, chúng ta cần có cái nhìn đồng cảm, vị tha với họ.
Theo vị luật sư này, việc nghiên cứu và đưa ra một chế định phù hợp với người đồng giới thậm chí công nhận mối quan hệ hôn nhân giữa họ hiện nay là cần thiết.
Tuy nhiên, chế định này phải phù hợp, đừng quá lỏng lẻo cũng đừng quá khắt khe và đây là trách nhiệm của những nhà lập pháp.
Nên tôn trọng truyền thống nhưng...
Phát biểu quan điểm về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Văn Đức - Công ty Luật TNHH MTV Biển Đông phân tích: Theo quy định hiện hành (Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000) không thừa nhận hôn nhân cùng giới tính. Trong quá trình Bộ Tư pháp lấy ý kiến góp ý sửa đổi bổ sung Luật HN&GĐ năm 2000, có một số ý kiến đề nghị sửa luật theo hướng công nhận hôn nhân đồng giới.
Tuy nhiên, quan điểm ngược lại cho rằng việc công nhận hôn nhân đồng giới sẽ phát sinh nhiều hậu quả pháp lý chưa thể dự báo hết. Đây là vấn đề sẽ còn tranh cãi nhiều trong thời gian tới.
Hiện nay, nhu cầu về kết hôn của những người cùng giới tính là có thật và trở thành một hiện tượng xã hội làm phát sinh nhiều mối quan hệ (nhân thân, tài sản, con cái…) mà pháp luật chưa điều chỉnh.
Một số ít quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới cũng đã thừa nhận hôn nhân đồng giới. Tuy nhiên, việc công nhận hôn nhân hợp pháp cho những người cùng giới tính ở Việt Nam cần được cân nhắc kỹ trên nhiều phương diện.
Theo quan điểm cá nhân, luật sư Đức cho rằng không nên công nhận quan hệ hôn nhân đồng giới vào thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, việc quan hệ đồng giới là quan hệ trái tự nhiên, không phù hợp với quan niệm và đạo đức của người Á Đông. Ngay cả một số nước phát triển hơn Việt Nam cũng khá dè dặt với vấn đề này.
Tuy nhiên, nhu cầu những người đồng giới tìm đến và sống chung với nhau cũng cần được nhìn nhận và được điều chỉnh bằng các quy định pháp luật dưới luật. Để tránh cho người đồng giới bị kỳ thị khi họ sống chung với nhau và tạo cho xã hội dần dần có sự thay đổi suy nghĩ về hôn nhân.
Trước mắt, nhà nước có thể ban hành một văn bản pháp luật dưới hình thức Nghị định quy định: Bắt buộc người đồng giới khi sống chung với nhau phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Theo luật sư Đức, đây là một mô hình của kỹ thuật lập pháp “tách biệt nhưng bình đẳng” đã được một số quốc gia và vùng lãnh thổ áp dụng như Áo, Brazil, Anh, Pháp, Đức, Phần Lan…Mô hình này không đụng chạm gì đến hôn nhân truyền thống nhưng vẫn tạo được sự bình đẳng cho mọi người trong xã hội.