Hòn đá bị giam và chuyện lạ tại tòa

Dân mình đọc báo hay tin nước ngoài xét xử nhiều vụ án khó tin. Có khi vụ kiện liên quan đến con chó, con vịt, con lợn nghe rất nhí nhố…

Hòn đá bị giam trong lồng sắt
Hòn đá bị giam trong lồng sắt

 

Nhưng nghĩ kỹ lại, thấy rằng một xã hội dân chủ, công bằng, tôn trọng quyền tự do của công dân thì tất cả mọi quan hệ trong xã hội phải được điều chỉnh bằng pháp luật và phải được xử lý theo pháp luật.

 

Và ở nước mình cũng đã có chuyện lạ như vậy, tuy nhiên xem ra luật chưa theo kịp để xử cho “đúng người, đúng đá”. Chuyện xảy ra từ tháng 3 năm trước, bà Trần Thị Sắc ở huyện Chư Sê (Gia Lai) trong khi đào ao lấy nước tưới vườn tiêu đã phát hiện được hòn đá có khối lượng hơn 3,2m3; nặng khoảng 7,8 tấn nên thuê máy cẩu đưa về làm đá cảnh. Nhưng sau đó, đoàn kiểm tra của huyện lập biên bản thu giữ và Chủ tịch UBND huyện Chư Sê ký quyết định xử phạt bà Sắc 2 triệu đồng về hành vi vận chuyển khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, đồng thời tịch thu hòn đá.

 

Thế là hòn đá bị tạm giam. Chính quyền địa phương xuất kinh phí làm một cái lồng để nhốt hòn đá và việc này trở thành câu chuyện hài hước nhất của chính quyền và dân chúng thường đem ra làm “mồi nhậu” lúc rảnh rỗi.

 

Bà Sắc bị mất hòn đá lại còn bị phạt tiền. Tức quá, bà Sắc kiện cái quyết định của ông chủ tịch huyện là không đúng pháp luật và đòi lại hòn đá. Nhùng nhằng cả năm tòa mới đem ra xét xử và chuyện hòn đá quả thực quá đau đầu. Đại diện chủ tịch huyện Chư Sê nêu quan điểm: “Việc bà Sắc cẩu hòn đá đem về khi chưa được cơ quan chức năng cho phép là hành vi trái pháp luật, bởi cho dù là đá gì cũng là khoáng sản, mà như thế thì đây là tài sản của nhà nước”. Cuối cùng, HĐXX đưa ra phán quyết bác yêu cầu khởi kiện của bà Sắc. Các chuyên gia pháp lý thận trọng không dám phát ngôn gì về phán quyết của tòa, bởi vì đây là vụ án hy hữu, chưa có tiền lệ.

 

Nhưng nếu cứ theo tiền lệ của vụ xét xử này, những người chơi đá cảnh, non bộ khắp nơi hãy coi chừng, vì cơ quan nhà nước có thể vào tịch thu, chở đá về tạm giam và đưa ra quyết định xử phạt hành vi tàng trữ tài sản của nhà nước. Bởi vì theo như đại diện của chính quyền huyện Chư Sê nói trước tòa và được tòa chấp nhận, đó là đá gì cũng là khoáng sản, và khoáng sản là tài sản của nhà nước.

 

Còn nữa, nhiều cơ sở bán đá cảnh, kể cả người đi sưu tầm đá cũng hãy coi chừng. Sẽ có lúc bị tịch thu, thậm chí bị bắt. Bởi vì đá ở đâu ra nếu không từ lòng đất, và đá nào cũng là khoáng sản, là tài sản của nhà nước, theo lý luận như trên.

 

Hóa ra, khi tìm hiểu cho kỹ lưỡng, sẽ thấy các quy định của Luật Khoáng sản chưa đủ để điều chỉnh các mối quan hệ này, chẳng biết đâu mà lần được cả!

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động