Góc nhìn chuyên gia

Homeschooling – học tại nhà?

Học ở trường hay học tại nhà, giải pháp nào tốt hơn?


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Một cách chung chung, không có câu trả lời cho tất cả mọi trường hợp. Mà tùy trẻ, tùy hệ thống trường học và tùy cha mẹ. Tức là câu trả lời tùy thuộc vào ba diễn viên chính của việc học ở nhà hay ở trường.

- Trẻ có “khổ sở” ở trường hay không hay có những hoàn cảnh bất khả kháng mà trẻ không đến trường được (bệnh tật, ở nhà thương, đi du lịch vòng quanh thế giới trong nhiều năm, con cái người du mục, …)

- Trường có khả năng trả lời các nhu cầu của trẻ hay không

- và cha mẹ liệu có đủ sức bảo đảm việc học ở nhà cho trẻ hay không.

Không nói đến chuyện ngày xưa, trẻ được dạy ở nhà với những précepteurs – gia sư riêng – trường hợp của con cái những gia đình quí tộc và trưởng giả hiện ở Bỉ và ở một số nước Âu Mỹ cũng có hình thức homeschooling.

Giáo dục ở Bỉ là giáo dục bắt buộc cho tất cả trẻ tới năm 18 tuổi. Các nhà làm luật ấn định như thế để bảo đảm cho tất cả trẻ cơ hội để học làm người. Thế nên tất cả các cha mẹ trẻ, nếu không ghi danh cho con ở một trường học nào đó, phải chứng minh, thường xuyên quá trình học của con, ở bệnh viện, khi đi vòng quanh thế giới hay ở nhà. Bỉ còn cung cấp những bài học par correspondance học hàm thụ, bài vở gửi qua bưu điện, ngày xưa hay on line hiện nay – để trẻ có thể học ở nhà.

Ở Bỉ không có thi tốt nghiệp trung học phổ thông, chứng chỉ và học bạ của trường có giá trị như bằng tốt nghiệp. Những trẻ vì bất cứ lý do nào không có học bạ và chứng chỉ của trường thì có thể thi cuối học trình lúc 18 tuổi ở Hội đồng khảo thí trung ương – Jury Central – để có “bằng tốt nghiệp THPT”.

Phần nhiều các chuyên viên giáo dục thiên về giải pháp học ở trường vì trường học là một môi trường xã hội hóa cho trẻ, vì ở trường trẻ có thể cùng lúc học với bạn và vì liên hệ bạn bè là những kích thích rất tích cực để tiến bộ, để làm quen với cấu trúc và sinh hoạt nhóm và để tập tành trách nhiệm xã hội.

Cho các trẻ bắt đầu từ lúc chúng lên ba lên bốn, gia đình, nhất là ở những gia đình hạt nhân, ít con, … gia đình không có khả năng trả lời được một số nhu cầu của chúng như nhu cầu chơi với bạn, nhu cầu đi ra ngoài xã hội, nhu cầu tự định nghĩa chỗ đứng của mình trong tập thể lớn, …

Tinh thần kỷ luật, ở trường lại là một …nhu yếu phẩm cho trẻ: chúng cần tập tành một số luật lệ tối thiểu để chuẩn bị bước xã hội làm công dân lúc trưởng thành.

Nhưng gia đình vẫn tiếp tục ảnh hưởng, rất lớn, trên trẻ. Bằng cớ là thông thường cho tới bây giờ, ở trời Tây, trẻ con nhà “thượng lưu” thành công giỏi hơn, ở trường.

Cha mẹ dạy con và trường dạy trò là hai vai trò khác nhau nhưng hổ tương với nhau. Cả hai vai trò đều quan trọng, không thể thiếu.một trong hai.

Giải thích theo xã hội học, gia đình là nhóm nhỏ, nhóm cơ bản – groupe primaire-, trong đó các thành nhân là những chủ thể không ai thay thế được, mỗi thành nhân có chỗ đứng cố định trong gia đình và không thay đổi theo năm tháng. Liên hệ với các thành nhân khác là những liên hệ phức tạp vừa tình cảm, tương trợ, kinh tế xã hội.

Trong khi đó, trường học là một nhóm thứ cấp – groupe secondaire – có một số cấu trúc tổ chức, mỗi thành viên có một vị trí và vai trò nhất định, đồng hàng với nhiều thành viên khác. Thông thường, các liên hệ giữa các thành viên trong nhóm thứ cấp như thế chỉ gới hạn trong liên hệ giữa các chủ nhân của vai trò – titulaire de rôle. Có thêm liên hệ tình cảm là phụ thuộc và nhất là không bó buộc.

Trẻ cần nhóm cơ bản dĩ nhiên rồi nhưng chúng cũng cần nhóm thứ cấp để mở rộng chân trời, biết mình biết ta.

Tập tành và cho trẻ tận dụng các cơ hội để sống với xã hội là chủ đích của cả gia đình và trường học.

Gia đình xã hội hóa đầu tiên, cho nền móng. Còn trường học tiếp sức sau đó, lo xã hội hóa thứ nhì, hoàn thiện những cơ sở mà gia đình đã đặt xong.

Trong quá trình xã hội hóa, gia đình đóng vai trò quan trọng nhất. Nhưng sau gia đình, có lẻ là trường học. Và xa hơn nữa mới là các mass media và các tác nhân khác. Gia đình gầy dựng nên một người con còn trường học đào tạo một người công dân. Trường học cũng quan trọng là vì thế.

Về sư phạm mà nói, không hẳn cha mẹ nào cũng có khả năng đạy con.

Cuối cùng, trường dạy trẻ rẻ hơn là gia đình dạy trẻ. Một cô, /thầy giáo có thể lo cho cùng một lúc 25/50 trò. Cha hay mẹ dạy học cho con đảm trách công việc đó cho một hay hai đứa con.

Nhưng trường phải tôn trọng bản thể của trẻ, giúp trẻ phát triển, tiến bộ và thành người. Cũng phải làm sao cho trẻ hạnh phúc ở trường, vui mà đi học mỗi ngày. Những vấn đề này các nhà giáo dục đã bàn tới từ nhiều thập niên rồi. Nếu trường không thực hiện được thì phải cải tổ trường học chứ không phải thay thế trường bằng giáo dục tại gia.

Nguyễn Huỳnh Mai