Bạn đọc viết:

Hồi ức về “giấc mơ Xuân” của một thời đã qua

(Dân trí) - Đó là mùa xuân năm 1982, tôi đón Tết xa nhà - cái Tết độc thân đầu tiên và cũng là duy nhất. Chàng giáo chức tôi mới 24 bước sang 25 - lứa tuổi mà nhà thơ Xuân Diệu ngày xưa “cuống quít” muốn tận hưởng cho hết thanh sắc của thời tươi trẻ.

 
Hồi ức về “giấc mơ Xuân” của một thời đã qua
"Chở" Xuân về nhà sau phiên chợ Tết của một thời đã xa (nguồn ảnh: kienthuc.net.vn)

 

Thế nhưng thời ấy (bây giờ ta gọi là thời  bao cấp) với vô vàn sự gian khó, và  những giáo khổ trường công như chúng tôi Tết đến phải xa nhà càng cực ôi là cực. Cực cả về tinh thần lẫn vật chất khi Tết mà vẫn không được sum họp, đoàn tụ cùng gia đình.

 

Ngày ấy, tàu xe cực kì khó khăn, lương ba cọc, ba đồng. Không về quê được đã khổ, ở lại khu tập thể càng khổ hơn. Tết với chúng tôi chẳng có gì, thêm được mấy lạng thịt, cân gạo nếp phân phối. Thế cũng đã hào phóng lắm rồi.

 

Được cái, thời đó con người ta còn ít bon chen, toan tính nên Tết nghèo mà vẫn vui, một niềm vui mà bây giờ nghĩ lại thấy chua xót vì tồi tội thế nào ấy. Vì hoàn cảnh, con người thời đó ai cũng có vẻ như đành bằng lòng với hiện thực nghèo túng. Cho nên làm việc thì đơn giản, suy nghĩ cũng giản đơn.
 
Tết nay rực rỡ sắc màu với Tết sớm - cúng ông Công ông Táo (ảnh: ANTĐ)
Tết nay rực rỡ sắc màu với Tết sớm - cúng ông Công ông Táo (ảnh: ANTĐ)

 

Tết Nhâm Tuất năm ấy quả là đáng nhớ. Phút thiêng liêng chuyển giao năm cũ qua, năm mới đến, lòng tôi mênh mang chỉ một nỗi nhớ quê hương, xứ sở. Giây phút này ở quê cha mẹ, em út đang quây quần trong không khí đầm ấm, chắc là nhớ lắm một đứa con xa, một người anh tha phương vời vợi. Tôi mở cửa sổ lặng nhìn vào đêm tối. Cuối trời nơi ấy là quê hương. Tiếng pháo đón giao thừa rộ lên khắp nơi. Thế là mình đã thêm một tuổi.
 

Ba ngày Tết ngoài việc gặp gỡ, chúc nhau vài chén rượu đỏ, còn thì tụ tập đánh cờ, chuyện phiếm cho hết Tết. Ở nơi được mệnh danh là “bụi mù trời” và “buồn muôn thuở” này, quả thực không còn thú gì vui hơn. Có muốn chè chén thì cũng chẳng lấy gì làm sung túc. Tức cảnh công chức trẻ tuổi nghèo đón Tết, tôi đắm mình trong một “giấc mơ Xuân”:

 

Anh em đừng sợ Tết tôi nghèo

Bánh tét hai hàng vẫn đủ treo

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Bếp lò om sẵn mấy giò heo.

 

Anh em đừng sợ Tết tôi nghèo

Mứt ngon, kẹo ngọt bốn năm bao

Thuốc thơm ba số dăm bảy gói

Bạn đến, chúc xuân rượu hồng đào.

 

Anh em đừng sợ tết tôi nghèo

Pháo đốt vài phong tiếng vang reo

Sang năm mồng một hỏi bầu bạn :

Này này, Tết đến thật rồi sao?

 

Quả đó là một giấc mơ xa xăm, cho dù rất thực tế. Thịt cá, bánh kẹo, thuốc lá… có gì ghê gớm đâu mà sao thời ấy hiếm hoi thế, để đến nỗi phải mơ, phải ước… Bây giờ đọc lại thấy buồn cười. Mình làm khổ mình mà không biết. Sau này kể lại, các con tôi cứ tưởng bố mẹ bịa ra để dọa, để chúng phải  lo học hành rèn luyện… Lúc nào cũng “ngày xưa thế này, ngày xưa thế kia…”. Ôi, cuộc đời… Sông có khúc, người có lúc…

 

Âu đó cũng là dấu ấn, là kỉ niệm của một thời – cái thời một đi không trở lại. Ôn cổ cũng là để tri tân, để càng hiểu thêm giá trị của những điều tưởng như bình thường nhưng vô cùng ý nghĩa…

 

Nguyễn Duy Xuân
 (33/20/ Lê Thị Riêng, Buôn Ma Thuột)