Chuyện “sorry ATM”, chuyện hạn chế thanh toán dùng tiền mặt:

Hỏi “bác nhà băng” lợi ai, hại ai...

(Dân trí) - Chất vấn của dư luận với “bác nhà băng” lần này vừa xoáy tiếp vào dự định thu phí nội mạng ATM từ 1/3 tới, vừa liên hệ với dự thảo Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt (với quy định mua nhà, ô tô, xe máy... phải thanh toán qua ngân hàng).


Hỏi “bác nhà băng” lợi ai, hại ai...
Ngân hàng sẽ được lợi trước tiên nếu áp dụng quy định mua nhà, ô tô, xe máy không dùng tiền mặt (ảnh minh họa theo: Tiền Phong) 
 

Chuẩn nhưng… cần chỉnh

 

Điều chắc chắn là chủ trương tốt, phù hợp với xu thế thời đại. Vấn đề là ở đây cần xem xem mọi việc có được thực thi đúng chuẩn hay không. Nếu không thì đúng là chính chúng ta đáng trách vì… luôn nghi ngờ….thiện ý của người khác như những phân tích dưới đây:

 

“Một người cả đời có mấy lần mua xe, mua nhà mà phải sợ phiền phức hoặc sợ tốn thêm vài triệu đồng tiền phí (trong tổng số giao dịch hàng tỷ đồng)? Nhà nước không bị thất thu thuế, lại có điều kiện minh bạch hóa tài sản của người giàu để góp phần chống tham nhũng. Người lao động chân chính nói chung sẽ được hưởng lợi từ quy định này. Chính sách nào chẳng có tác dụng phụ, phải xem xét lợi ích tổng thể mới thấy cái hợp lý của chính sách chứ!” - Hà Sơn: thoanhaque@yahoo.com

 

“Chào các bạn. Tôi thấy hình như các bạn chỉ biết chê bai? Nếu vậy các bạn mới biết 1 mà không biết 2, thấy cái trước mắt bất tiện thì chỉ trích mà không suy nghĩ lại về những cái lợi mà ATM mang lại cho chúng ta:

 

1/. Thử nghĩ xưa nước ta nghèo thì làm gì có cái ATM nào để rút. Mỗi lần cần sử dụng số tiền lớn đều phải chạy ra tận ngân hàng (NH) có khi xa hàng chục km để lấy tiền, chưa kể có thể còn những “hiểm nguy” rình rập. Nay có ATM thì chỉ cần đi đoạn đường ngắn là đã có tiền.

 

2/. Với những người phải làm việc trong giờ hành chánh thì làm gì có thời gian để ra tận NH rút tiền. Nhờ có ATM chúng ta có thể có tiền ngay cả vào buổi tối mà chẳng phải mất một ngày nghỉ làm việc nào cả.

 

3/. Xưa kia muốn đi mua món đồ gì đắt tiền thì có khi phải mang theo cả bao tải tiền để giao dịch, nay chỉ cần 01 cái thẻ ATM là có thể mua cả kho hàng dùng cho cả năm.

 

4/. Từ lúc có các cột ATM thì tính tổng trên cả nước VN ta khối lượng công việc cho những bất tiện khi không có ATM giảm đáng kể, vậy mà các bạn có tính được không?

 

5/. Cũng chính những chiếc ATM đã góp phần làm cho thế giới đánh giá khác hơn về VN ta: từ nước lạc hậu nay thành nước có nền tảng công nghệ; từ nước khiến du khách e dè vì khi cần đến không biết rút tiền từ đâu (ở nước họ, khi ra đường chỉ cần mang theo cái thẻ ATM để giao dịch cho tất cả), thì nay họ chẳng phải suy nghĩ về điều đó nữa vì VN ta đã có hệ thống ATM như nước họ.

 

Còn rất nhiều cái lợi ATM mang lại mà tôi không nêu ra hết được, các bạn nên nhìn nhận đúng và cần phát triển tư duy của bản thân mình để hòa nhập vào cuộc sống hiện đại mà đất nước VN nói chung và các NH ở VN nói riêng đang hướng tới. Hy vọng các bạn không nên chỉ biết ngồi hưởng thụ để chờ người ta mang cái lợi đến cho bản thân, còn khi bị mất đi rất it chi phí thì đã lại than vãn, chê bai” - Nguyễn Đức Lợi:  loiendy@yahoo.com

 

Tiếc thay, sự trái khoáy ở đây có lẽ chẳng mấy người dân không thấy được, như Duc Tri: ductaiha@gmail.com.vn nêu rõ:

 

“Về chủ trương của nhà nước để quản lý tiền mặt là đúng, nhưng NH thực hiện thì tôi thấy lại... dùng nó vào việc kinh doanh để có lãi? Như thế người dân không khổ và bức xúc mới là chuyện lạ!”
 
Nhiều cây ATM luôn ở tình trạng “sorry...” khiến khách rút tiền bực bội (ảnh: Lao Động)
Nhiều cây ATM luôn ở tình trạng “sorry...” khiến khách rút tiền bực bội (ảnh: Lao Động)

 

Lợi thì có lợi nhưng...
 

Chính thế! Minh chứng thiết thực cho cái sự bị coi là “lệch chuẩn” này được bạn đọc tiếp tục nêu ra cả loạt, qua cả kho phong phú kinh nghiệm  trong nước lẫn ngoài nước. Để từ đó càng thấy rõ hơn cán cân Lợi – Hại nghiêng theo hướng nào:

 

“Với chất lượng như hiện tại, tôi nghĩ chắc chỉ trừ những trường hợp bắt buộc người dân mới sử dụng đến dịch vụ ATM thế này. Tôi sử dụng cây ATM của nhiều NH khác nhau tại nước ngoài, nhưng thấy nội mạng thì không NH nào thu phí cả. Tiền luôn luôn có, số lượng 1 lần có thể rút tối đa là rất lớn (nếu rút với số tối đa thì có thể đủ chi trả mọi chi phí ăn ở + tiền sinh hoạt phí hàng tháng + tất tần tật trong vòng 4 tháng nếu xài nhiều). Họ cũng không thu phí quản lý thẻ vì thẻ là do người dùng quản lý, chứ NH không quản lý. Tóm lại, dịch vụ ATM tại VN mình thực sự là còn... quá chưa xứng đáng để thu phí của người dân. Tôi cam đoan, tất cả người dân đang sử dụng dịch vụ thẻ (trừ người nhà hoặc nhân viên NH) đều phản đối việc này” - Phan Đình Thụy: phandinhthuy@gmail.com

 

“Tôi đang sống ở Hàn Quốc. Tôi thấy ở đây mọi người đều dùng thẻ để thanh toán cho tất cả các giao dịch, rất tiện lợi! Khi mở tài khoản không hề mất phí, cũng không cần phải duy trì lượng tiền nào trong tài khoản cả. Chuyển tiền, trả tiền mua hàng…rất thuận tiện. Tất cả NH ở Hàn Quốc đều thực hiện như vậy. Tất cả các giao địch đều được thông báo cho người sử dụng biết bằng tin nhắn SMS vào điện thoại. Mức lệ phí cao nhất là 900 Won/ tháng (với Kiopbank), với Hanabank thì thấp hơn rất nhiều (nhiều là 100 won, ít thì chỉ có 40 won/tháng). Chính vì lệ phí rất thấp nên mọi người đều sử dụng vì thấy rất tiện lợi.

 

Còn ở VN thì sao? Trong hệ thống NH cái gì cũng phải phí, cái gì cũng mất phí mà phí lại quá nhiều so với thu nhập trung bình của người dân. So sánh giữa hệ thống NH của Hàn Quốc với VN, tôi thấy hệ thống NH của VN còn yếu kém quá. Đã yếu kém lại lúc nào cũng… phí phí phí! Người dân không muốn dùng thẻ (ví điện tử) là đúng thôi!”  - Vu Dinh Bien:  vudinhbien2001@yahoo.com

 

“Nói chung theo tôi thấy, có lẽ chẳng ở đâu như ở VN  ta, cứ mỗi lần có thay đổi về mặt nhân sự quản lý thì dường như lại nghĩ ra quy định (luật) nào đó để… ghi dấu ấn hay sao ấy? Người dân VN thu nhập còn rất thấp mà phải đóng đủ các loại thuế/phí, mới đây nhất là phí bảo trì đường bộ, giờ lại là thu phí liên quan đến việc thanh toán, mua bán… Tôi đồng ý với mục tiêu vì những ý nghĩa tích cực, nhất là kiểm soát tiền trôi nổi để chống rửa tiền. Nhưng bên cạnh đó, chúng ta cũng cần xác định rõ mục tiêu thực sự của thu phí theo cách VN ta đang làm là gì? Để chống hiện tượng rửa tiền hay thật ra là để thu thêm phí của người dân? Đồng thời cần xác định rõ mục tiêu của mỗi nghị định hay bộ luật mới ban hành làm sao cho vừa hợp lòng dân, vừa vẫn làm tốt được khâu quản lý. Có như thế dân chúng tôi mới cần có người đủ Tài - Đức để ngồi vào những vị trí “nóng”, chứ cái cách ra quy định thế này thì dân thấy quá dễ cho những người ban hành. Dân chỉ mong các vị giới chức hãy làm theo cách khách quan nhất và nên nghĩ cho dân trước chứ đừng cứ theo kiểu tư duy: Mình phải làm thế này, mình phải làm thế kia để … tạo dấu ấn” – nick Người dân:  man_blackcoffee@yahoo.com

 

“Sao không thấy các vị đưa ra được đề án nào hay hơn là cứ hơi một chút lại dùng từ CẤM, hoặc dồn hết gánh nặng sang vai người dân phải chịu hết? Đường lối của Đảng và Nhà nước là rất đúng đắn và hợp lòng dân, thể hiện mong muốn sao cho DÂN GIÀU, NƯỚC MẠNH. Nhưng có lẽ do các vị “quân sư” đưa ra đề án  toàn làm những chuyện ngược đời khiến người dân không thể không bức xúc, vì chẳng khó khăn gì mà không thấy rõ ngay bóng ma lợi ích nhóm (lợi nhiều nhất là đâu?) trong khi người dân luôn phải chịu thiệt thòi.

 

Tôi mong sao mỗi đề án của bất kì bộ ngành nào cũng đều cần được đưa ra cho các đại biểu Quốc hội xem xét trước, để nó được mổ xẻ kỹ càng xem có lợi gì cho nước, cho dân không  hay lại chỉ lợi cho một nhóm nào đó? Cũng cần lắng nghe thêm cả ý kiến đóng góp từ phía các chuyên gia kinh tế và quần chúng nhân dân. Có như vậy mới có được những đề án hay, đi được vào cuộc sống và được nhân dân đồng thuận, cùng chung tay xây dựng đất nước phồn vinh…”  - nick Vietnam: vietnam@gmail.com
 
Nói tóm lại, dân không phản ứng mới là chuyện lạ, bởi thực tế đã cho thấy: nhiều cái các vị giới chức càng chứng minh là có lợi, thì người dân lại càng phải hiểu theo kiểu... "bà già đi chợ cầu Đông"...

 

Khánh Tùng