Học sinh và mạng xã hội!

Việc học sinh nói xấu, xúc phạm danh dự thầy cô giáo là việc tối kỵ, không cho phép dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Học sinh sai có nhiều cách giáo dục để các em trở thành người tốt, không nên đẩy các em ra ngoài xã hội như “sản phẩm lỗi”...


Ngày càng nhiều học sinh dùng mạng xã hội. (Ảnh: An Nhiên)

Ngày càng nhiều học sinh dùng mạng xã hội. (Ảnh: An Nhiên)

Việc trường THPT Nguyễn Trãi, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa áp hình thức kỷ luật 8 học sinh (3 em bị đình chỉ học 1 năm, 4 em bị đình chỉ học 1 tuần và 1 em bị cảnh cáo trước toàn trường), vì sử dụng facebook (mạng xã hội) và lập "nhóm kín" có tên "Động Cô Bích" để nói xấu, xúc phạm danh dự một số giáo viên trong trường, đã làm “nóng” dư luận. Lắng nghe dư luận và sau khi cân nhắc nhiều yếu tố, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo nhà trường thu hồi quyết định kỷ luật với 8 học sinh.

Có thành tích thì thưởng, có lỗi thì bị phạt, đó là lẽ công bằng, nhất là với môi trường giáo dục: Không có nền nếp, kỷ luật thì sao có thể dạy và học tốt được? Việc xử lý 8 học sinh là cần thiết, nhưng hình phạt đưa ra quá nặng, chưa phù hợp với môi trường giáo dục.

Tuy nhiên, vấn đề khó hơn hình phạt là cách giáo dục nhóm học sinh cá biệt này như thế nào? “Học sinh cá biệt” là đối tượng hầu như trường nào cũng có, vì thế đặt ra yêu cầu đưa các em trở về những chuẩn mực chung đòi hỏi rất nhiều tâm huyết và kỹ năng của thầy cô giáo. Đó có thể là sự thấu hiểu hoàn cảnh các em; sự tôn trọng, khích lệ, động viên; thuyết phục bằng lời lẽ có lý, có tình; khen, chê đúng lúc; tìm cách tác động lên nhận thức và tình cảm của học sinh thông qua trò chuyện, nêu gương tốt, thưởng việc tốt.

Bao trùm lên tất cả là sự kiên nhẫn và thương yêu học trò thật sự. Tất nhiên là không phải lúc nào cũng thành công, điều đó càng đòi hỏi người giáo viên phải có tâm với nghề và phải tùy cơ ứng biến trong từng trường hợp cụ thể. Nếu bất lực, đuổi học học trò bằng mọi giá thì có thể xem như nhà trường đẩy ra xã hội một “sản phẩm lỗi”, khiến các em đang ở độ tuổi non nớt, dễ trượt dài vào các sai phạm nghiêm trọng hơn.

Chính vì lẽ đó mà dư luận chưa đồng tình với quyết định đuổi học của nhà trường, chứ không phải dư luận ủng hộ việc nhóm học sinh nói xấu, xúc phạm thầy cô giáo.

Một vấn đề khác cần quan tâm là việc sử dụng điện thoại thông minh, tham gia mạng xã hội đối với học sinh hiện nay. Theo một khảo sát của Bộ Giáo dục và Đào tạo với 2.000 học sinh, sinh viên tại 4 tỉnh, thành Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Hải Phòng thì có trên 92% sinh viên và trên 84% học sinh cấp THCS và THPT thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Về thời điểm truy cập, có tới 45% cho biết sử dụng mạng bất kỳ lúc nào và có thiết bị truy cập trong tay.

Internet, mạng xã hội có nhiều mặt tích cực đối với học sinh trong việc tìm hiểu kiến thức; liên kết, chia sẻ, giải trí sau những giờ học tập căng thẳng. Nếu thầy cô giáo sử dụng kênh này để tăng cường giao lưu, trao đổi với học sinh để thầy trò thân thiện với nhau hơn thì rất hiệu quả. Qua kênh giao tiếp này, nếu nhận thấy những nhận xét, thậm chí phê phán của học sinh có cơ sở thì giáo viên nên tiếp thu để khắc phục, nếu học sinh hiểu sai thì cũng dễ nói lại, giải thích để các em hiểu đúng…

Nhưng, học sinh sử dụng mạng xã hội cũng đặt ra rất nhiều hệ lụy. Trước hết là có những ảnh hưởng lớn đến tâm lý, mất thời gian, mất tập trung trong học tập. Một số học sinh do sử dụng quá nhiều nên ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe, tình cảm, hình thành lối sống ảo. Có những trường hợp vì thiếu văn hóa ứng xử trên mạng xã hội dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, bạo lực học đường...

Đó là bài toán đặt ra cho mỗi gia đình khi quyết định trao cho con chiếc điện thoại thông minh, có thể kết nối internet với đủ thông tin, hình ảnh thượng vàng hạ cám đầy hấp dẫn đối với thanh thiếu niên. Nếu trao cho các em một công cụ có thể vào mạng dễ dàng mà không có kỷ luật, không kiểm soát thì lợi bất cập hại là điều có thể thấy trước.

Về phía nhà trường cũng cần thích nghi với sự phát triển của công nghệ để không quá khắt khe nhưng không để các em sa đà vào mạng xã hội. Nhà trường có thể khuyến khích học sinh sử dụng Facebook như một kênh thông tin, giao tiếp lành mạnh, nhưng đi kèm với một số quy định mang tính nhắc nhở, răn đe thì dễ thuyết phục học sinh hơn là cấm đoán.

Câu chuyện ở trường THPT Nguyễn Trãi, có giá trị như một sự nhắc nhở, cảnh báo đối với nhà trường, với các gia đình, với mỗi học sinh và cả xã hội khi đánh giá những hiện tượng xảy ra trong môi trường giáo dục hiện nay./.

Theo Đăng Dương

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam