Ý kiến chuyên gia
Hình phạt tử hình – Lớp thành trì cuối cùng ngăn chặn tội phạm
Hình phạt tử hình là lớp tường thành bảo vệ cuối cùng, chỉ được dỡ bỏ khi các lớp tường thành bảo vệ phía trước đã ngăn cản triệt để bước tiến của tội phạm. Còn khi nào mà các lớp bảo vệ phía trước đó vẫn để cho tội phạm vượt qua nhiều như hiện nay thì lớp bảo vệ cuối cùng là hình phạt tử hình vẫn phải được giữ lại, thậm chí nếu như tội phạm tấn công quá ồ ạt thì lớp bảo vệ là án tử này lại còn phải được gia cố thêm
>> “Không tử hình tội tham nhũng, xã hội tất sẽ loạn!”
Trước thềm sửa đổi bộ luật hình sự, cho đến nay đã có rất nhiều ý kiến trái chiều về hình phạt tử hình. Có nhóm ý kiến lập luận rằng hiện đang nhiều án tử, nhưng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng không hề giảm mà lại có khi tăng, cho nên tử hình không giúp cho ngăn ngừa tội phạm, vì vậy nên bỏ tử hình để "được tiếng thơm" là nhân đạo. Lại có nhóm ý kiến lập luận rằng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng chưa giảm được mà lại còn bỏ tử hình thì có mà loạn, đề nghị giữ lại. Lại có nhóm ý kiến lập luận là bỏ ngay thì sẽ gây đột ngột, nên giảm từ từ theo lộ trình để phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia kí kết.
Nhưng như vậy tựu trung lại là người ta chưa có cái nhìn lí luận toàn cảnh về phương pháp phòng chống tội phạm. Chú ý rằng công tác phòng chống tội phạm nó giống như là việc người ta phải dựng lên nhiều lớp tường thành ngăn chặn tội phạm để bảo vệ cái lõi bên trong là các quan hệ xã hội quan trọng cần thiết cho sự ổn định và phát triển xã hộ. Trong các lớp tường thành bảo vệ đó, thì hình phạt tử hình chính là một trong các lớp tường thành bảo vệ cuối cùng khi các lớp bảo vệ phía trước đã bị tội phạm vượt qua.
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội luôn xuất hiện từ ý thức lệch lạc của người phạm tội. Ý thức lệch lạc này được hình thành do các yếu tố là khả năng nhận thức bẩm sinh, môi trường sống tạo nên nhận thức chủ quan, điều kiện hoàn cảnh cho phép thực hiện tội phạm.
Như vậy là, để ý thức lệch lạc của người phạm tội không được hình thành, thì phải kết hợp các điều kiện đủ là các yếu tố đó không tạo nên ý thức lệch lạc của người phạm tội. Đó là mỗi người phải có sức khỏe tâm thần phát triển bình thường, môi trường sống hạnh phúc không gây nên ức chế tâm lí, hệ thống kiểm tra, kiểm soát nghiêm ngặt việc chấp hành phát luật trên toàn cộng đồng.
Khi đạt được những yêu cầu trên thì ý thức tội phạm không thể được tạo nên. Cho nên đây chính là bức tường thành đầu tiên ngăn chặn bước tiến của tội phạm.
Nhưng thực tế yêu cầu về một xã hội với các yếu tố lý tưởng như trên là chưa thể thực hiện được, vẫn còn rất xa vời. Vì thế trên thực tế ý thức tội phạm đã được hình thành với số lượng rất lớn do các yếu tố trên chưa được đảm bảo. Vì vậy rất cần lập nên bức tường thành bảo vệ thứ 2. Đó là việc quản lí con người ở khắp nơi. Mỗi cá nhân đi đâu, làm việc gì cũng đều để lại dấu vết, từ đó mà có công tác quản lí nhân khẩu, hộ khẩu, cảnh sát quản lí khu vực, an ninh trong các lĩnh vực, giúp cho việc nắm được những diễn biến việc làm của từng cá nhân, để có thể phát hiện ra những bất thường mà có biện pháp ngăn chặn kịp thời từ các lực lượng an ninh.
Tuy nhiên do dân số luôn quá đông cho nên quá tầm kiểm soát của lực lượng an ninh. Vì vậy bức tường thành bảo vệ thứ 2 này vẫn bị rất nhiều người phạm tội vượt qua để mà thực hiện tội phạm. Cho nên yêu cầu đặt ra là phải có bức tường thành bảo vệ thứ 3. Đó chính là hệ thống các hình phạt được tập trung lại trong một văn bản gọi là Bộ luật hình sự. Với một loạt các mức độ hình phạt từ rất nhẹ đến rất nặng tương ứng với các mức độ tội phạm, đã gây nên tâm lí e dè của người phạm tội khi muốn thực hiện tội phạm.
Mặc dù là việc muốn thực hiện tội phạm hay không là còn phụ thuộc vào sự hiểu biết pháp luật của người phạm tội, nhưng nhìn chung là với mỗi ý định phạm tội thì người phạm tội có biết đến mơ hồ rằng việc mình định làm như vậy là phạm pháp, và nếu bị bắt thì bị trừng phạt nặng hơn hoặc ít nhất là bằng với mức phạm tội. Thế cho nên các hình phạt, nhất là hình phạt tử hình, có tác dụng rất đáng kể để ngăn ngừa ý định phạm tội, nhất là phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên trên thực tế mặc dù là rất nhiều người phạm tội biết được rằng bị trừng trị nặng như vậy nếu bị bắt, nhưng vẫn cố tình phạm tội. Vì sao lại như vậy ?
Đó là do người phạm tội khi quan sát môi trường xung quanh vắng bóng lực lượng an ninh thì cho rằng sau khi thực hiện tội phạm có thể trốn thoát mà tránh được bị trừng phạt. Thế cho nên hệ thống các hình phạt, kể cả hình phạt tử hình, đã không còn sự răn đe với ý thức của người phạm tội.
Như vậy là phải có một lớp tường thành bảo vệ tiếp theo. Đó là hệ thống an ninh điều tra truy bắt tội phạm, đảm bảo rằng 100% các hành vi tội phạm đều bị phát hiện kịp thời và người phạm tội bị bắt giữ nhanh chóng mà đưa tội phạm ra trừng trị trước pháp luật.
Đồng thời nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng, nhất là vụ án về thiệt hại kinh tế chưa được xét xử chặt chẽ, còn bỏ lọt, làm nhẹ đi mức độ phạm tội đã gây nên tâm lí coi thường hệ thống hình phạt, kể cả tử hình.
Như vậy đã cho thấy hệ thống hình phạt cùng với hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật chính là bức tường thành cuối cùng ngăn chặn tội phạm. Vì bức tường thành cuối cùng này bao gồm cả hai lớp đan xen nhau như vậy cho nên nếu hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật mà hoạt động chưa hiệu quả thì hệ thống các hình phạt, kể cả tử hình cũng không đủ sức ngăn chặn hoàn toàn được tội phạm. Và ngược lại, nếu hệ thống các cơ quan bảo vệ pháp luật hoạt động đã triệt để mà hệ thống hình phạt lại không mạnh không đủ sức răn đe thì lớp tường thành cuối cùng này vẫn bị người phạm tội vượt qua.
Từ diễn giải trên đã giải thích vì sao hình phạt tử hình hiện nay vẫn chưa ngăn được các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, và hiện nay có nên bỏ hình phạt tử hình hay không?
Rõ ràng là, khi tất cả các lớp tường thành bảo vệ người ta đã dựng nên như vậy mà vẫn không ngăn chặn được triệt để tội phạm, nhất là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thì nay nếu người ta lại xóa bỏ án tử hình tức là đem phá bớt đi lớp tường thành bảo vệ cuối cùng, thì chẳng khác nào trộm đã giỏi đột nhập nhưng người ta lại bỏ bớt lớp cửa khóa đi vậy. Đã cho thấy ý tưởng xóa bỏ án tử hình thật là tự làm hại mình.
Như vậy người ta cần phải lưu ý rằng, việc xây dựng hệ thống pháp luật hình sự có mục tiêu là để bảo vệ các quan hệ xã hội quan trọng ngày càng chặt chẽ khỏi bị tội phạm xâm hại, chứ không phải mục tiêu là để tạo điều kiện cho tội phạm ngày càng dễ dàng xâm hại các quan hệ xã hội này hơn trước.
Cho nên hình phạt tử hình là lớp tường thành bảo vệ cuối cùng, chỉ được dỡ bỏ khi các lớp tường thành bảo vệ phía trước đã ngăn cản triệt để bước tiến của tội phạm. Còn khi nào mà các lớp bảo vệ phía trước đó vẫn để cho tội phạm vượt qua nhiều như hiện nay thì lớp bảo vệ cuối cùng là hình phạt tử hình vẫn phải được giữ lại, thậm chí nếu như tội phạm tấn công quá ồ ạt thì lớp bảo vệ là án tử này lại còn phải được gia cố thêm.
Phạm Mạnh Hà
Sđt 0934325393