Hiện tượng bình thường hay bất thường trong nền kinh tế?

(Dân trí) - Nói chung nền kinh tế nào đã lỡ “dính” vào căn bệnh lạm phát thì không tránh khỏi rắc rối trong điều hành. Muốn kiềm chế lạm phát thì phải thắt chặt tiền tệ, làm sụt giảm tăng trưởng và ảnh hưởng đến an sinh.

Ảnh hưởng đến an sinh thì niềm tin dễ bị mài mòn; niềm tin bị mài mòn thì chính sách khó thực thi…và dẫn tới những hệ lụy khác.

Khi lạm phát giảm thắp lên hy vọng cho nền kinh tế. Nhưng nó cũng là khởi đầu cho nỗi lo có tên gọi đình lạm. Đúng ra là vừa đình vừa lạm.
Đình lạm, trong kinh tế học, chỉ hiện tượng nền kinh tế đình đốn trong khi lạm phát
vẫn cao.

Nền kinh tế Anh thập niên 1960 và 1970, kinh tế Mỹ đầu thập niên 1970 cho thấy trong khi kinh tế đình đốn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, mà tỷ lệ lạm phát lại không hề hạ xuống.
 
Hiện tượng bình thường hay bất thường trong nền kinh tế?
Mua bán nhộn nhịp tại một phiên chợ ở Long An

Doanh nghiệp đã ngấm đòn?

Liều thuốc Nghị quyết 11 đã phát huy tác dụng. Lạm phát đã dứt cơn sốt nhưng những doanh nghiệp sức khỏe kém đã chính thức ngấm đòn. Quan chức trấn an dư luận: 70.000 doanh nghiệp (khoảng 15%) đã chính thức hoặc sắp chính thức khai tử là chuyện bình thường. Vâng, về lý thuyết quả là bình thường bởi cũng như con người, sinh lão bệnh tử là bình thường theo quy luật của tự nhiên cũng như quy luật nghiệt ngã của thị trường. Nếu như doanh nghiệp yếu về vốn, non về quản trị, thiếu về kinh nghiệm hoặc rủi ro bất khả kháng thì nó phá sản trả lại cho thương trường sự trong sạch và lành mạnh đúng là chuyện bình thường.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí  qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Hãy tìm hiểu xem 70.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể do nguyên nhân nào?  Nguyên nhân khách quan là kinh tế thế giới khó khăn thì nói chung năm nào chẳng khó khăn, chỉ khác nhau về mức độ mà thôi. Hơn nữa không chỉ có Việt Nam mới chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới suy thoái, nhưng trong khu vực, hầu như chỉ có nước ta mắc vào tình trạng lạm phát đến hai con số.
 
Vì vậy, chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận những nguyên nhân chủ quan. Chẳng hạn xem xét cách điều hành có sự “giật cục”, “phanh gấp” hay không, rồi động thái nới tay tín dụng và đầu tư cuối năm 2010 để đạt thành tích bằng những mô hình tăng trưởng kém hiệu quả; rồi những cú tăng giá xăng dầu, tăng giá điện, những cuộc đua tăng lãi suất tưởng như là bất tận giữa các ngân hàng liên tiếp xảy ra đầu năm trước có phải là nguyên nhân chủ yếu không?

Nếu nó là nguyên nhân chủ yếu thì 70.000 doanh nghiệp dứt bóng  là do bị bức tử chứ hoàn toàn không phải là những cái chết bình thường theo quy luật. Trong khi kinh tế khó khăn nhưng thu ngân sách vẫn cao. Trong khi doanh nghiệp khốn đốn vì lãi suất thì có thông tin nhiều ngân hàng lợi nhuận cao ngất ngưởng. Đó không phải là tín hiệu tốt lành trong cách điều hành nền kinh tế?

Một người ốm bắt cả làng uống thuốc

Để chống lạm phát, nhà nước vặn nhỏ van tín dụng và chi tiêu để hạn chế nguồn tiền ra thị trường. Điều đó không thể không làm bởi lẽ không thể vừa nới lỏng tín dụng vừa chống lạm phát, như vậy không khác gì vừa đạp phanh vừa tăng ga. Nhưng thắt chặt tín dụng thì hậu quả nhãn tiền là nền kinh tế thiếu máu và tiếp thêm tiền cũng là tiếp thêm máu cho nền kinh tế là cần thiết. Nhưng luồng máu đó phải đi đến đúng nơi, đúng chỗ chứ không thể tiếp máu để nuôi các khối u ác tính là những doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả hoặc rất kém hiệu quả, trong đó có không ít doanh nghiệp núp danh “sở hữu nhà nước” hay “toàn dân” !

Tín dụng phải có trọng điểm và hướng tới những khu vực đang khát vốn thực sự. Đó là khối doanh nghiệp dân doanh, những ngành nghề tạo ra của cải vật chất, hàng hóa xuất khẩu, dịch vụ chứ không phải là những ngành sản xuất phi vật chất kiểu như chứng khoán hay bất động sản mà đã có lúc cho bung ra quá mạnh, dẫn tới tình trạng khó khăn hôm nay.

Trong lúc này, thượng phương bảo kiếm của Chính phủ vẫn là chính sách tiền tệ mà biểu hiện là việc điều hành hệ thống ngân hàng. Kiểm soát chặt chẽ nguồn tiền bơm vào nền kinh tế, đánh giá và có các mức lãi suất khác nhau đối với những khoản vay khác nhau là việc phải làm. Không nên để tình trạng “một người ốm bắt cả làng uống thuốc” bằng việc thắt chặt hay nới lỏng tín dụng với tất cả các đối tượng. Điều tiết nền kinh tế bằng công cụ thị trường thay cho mệnh lệnh hành chính mới mong đem lại hiệu quả cơ bản và lâu dài, bởi vì thị trường luôn có thứ quyền lực riêng của nó.

                                                              TS.  Đinh Thế Hưng

LTS Dân trí-Nhằm kiềm chế lạm phát, bảo đảm sự cân đối vĩ mô và duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý, Nghị quyết 11 của Chính phủ đã phát huy hiệu quả bước đầu thể hiện ở chỉ số hàng tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần.

Tuy nhiên, không thể chủ quan trước kết quả đạt được, mà cần đánh giá đúng hiện trạng của nền kinh tế, nhất là những hệ quả không mong muốn do chưa quán triệt thấu đáo hoặc thực hiện thiếu đồng bộ Nghị quyết 11.

Với tinh thần đó, bài viết trên đây mong muốn góp phần phân tích một số hiện tượng mà tác giả cho là không bình thường của hiện trạng nền kinh tế. Mong rằng các nhà quản lý ở tầm vĩ mô xem xét để có sự điều chỉnh chính sách quản lý nói chung và chính sách tiền tệ nói riêng cho phù hợp với diễn biến của tình hình thực tế.