Hệ lụy đau lòng trước nạn “mua bán” bằng cấp

(Dân trí) - “Không chỉ học vị tiến sĩ mà giờ đây cái “mác” Đại học cũng đáng báo động. Nhớ ngày xưa phải thi chật vật mới vào được Đại học thì nay chỉ cần bằng điểm sàn (10 điểm) đã là sinh viên” - Nguyễn Khánh (Hà Nội) thất vọng.

Có rất nhiều nguyên nhân đưa đẩy cái sự học rơi xuống vực sâu không đáy, nhưng điều làm những người tâm huyết với giáo dục Việt Nam cảm thấy xót xa, đau đớn, thậm chí tủi hổ là nạn “mua bán” bằng cấp. Giờ có lẽ phải gọi là vấn nạn bởi chưa bao giờ bằng cấp được mua bán trao tay dễ đến thế. Người bán ra giá, người mua mặc cả đúng như kiểu các chị em đi chợ mua mớ rau, con cá vậy. Họ công khai chào mời trên tất cả những gì có thể và rầm rộ nhất là trên internet.

 

Tuy nhiên, điều mà nhiều người ít nghĩ đến nhất là hậu quả mà cái bằng cấp giả ấy gây ra nghiêm trọng đến mức nào. Những người cần có nó để xin việc, lên chức đều đánh “chẹp” một cái cho rằng bằng cấp chỉ là thủ tục hành chính, còn năng lực mới là quan trọng, nào có ảnh hưởng đến ai. Đồng ý với ý kiến đó, tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại. Giả thiết bằng cấp giả đó rơi vào tay một người chả biết “mô tê” gì, nhờ sự quen biết mà leo lên chức thì có lẽ muôn đời chúng ta sẽ phải hỏi “Tiền thuế của mình ở đâu?”
 
Hệ lụy đau lòng trước nạn “mua bán” bằng cấp  - 1

(ảnh minh họa - nguồn ảnh: internet)

 

"Biến chứng" của bệnh thành tích
 
Thực tế xã hội bây giờ đều thích bằng cấp. Nhà nhà người người chạy đua nhau cái danh hão, họ tập trung vào những tấm bằng giấy chứ không phải là những kiến thức vàng, những giá trị học tập chân chính. Thật đáng buồn khi phải nói lên điều này, bởi chính bản thân tôi và không ít người cảm thấy nhỏ bé khi không thể nói lên những gì mình chứng kiến, những gì vẫn âm thầm xảy ra. Bởi sao? bởi vì chính những người như thế đang bị chính cái dòng chảy vô hình đó cuốn đi không tiếc nuối!” - Trần tuấn hiệp - Nam - 45 tuổi - Từ Hà Nội chia sẻ.

 

Cùng chung tâm trạng, Nguyễn Quỳnh Như - Nữ - 28 tuổi - Từ Hà Nội bày tỏ: “Tôi cũng là một thạc sỹ mới ra trường. Tôi học bởi trong xã hội bằng cấp này cần như vậy để thăng tiến. Nhưng bản thân tôi thấy ngượng khi nói với mọi người mình là thạc sỹ vì kiến thức tôi còn rất non trẻ và tôi thấy sợ mọi người cười và nói: “Như vậy cũng là thạc sỹ sao?”. Cùng lớp với tôi có rất nhiều người học kém nhưng họ có tiền và từ Đại học tại chức họ biến thành thạc sĩ, được “hô mưa hét gió”, coi thường người dân - những người có lẽ được học hành đến nơi đến chốn còn nhìn nhận và giải quyết sự việc tốt hơn. Một xã hội như vậy thì bao giờ mới hết cái thời đại chạy theo bằng cấp đây?”

 

Thất vọng khi phải nhìn vào sự thật, Tô Liêm - Nam - 26 tuổi - Từ Hà Nội than thở: “Bài viết hay, nhưng sẽ khó lay chuyển được gì vì hiện nay là thời kỳ của bằng cấp! Càng nhiều bằng càng "tốt"! Ở nước ta, hay có những "phong trào" sính dùng chữ. Khi nói đến hàng hoá, người ta phải dùng "Hàng Việt Nam chất lượng cao", nói đến doanh nghiệp phải là ISO 9000... Nhớ thời tôi học đại học, những người thầy như GS. Lê Đình Kỵ, GS. Hoàng Phê... đều rất giỏi, biết 2, 3 ngoại ngữ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy họ xưng danh tiến sỹ này nọ. Chẳng bù cho ngày nay, có những tiến sỹ mà một chữ bẻ đôi tiếng Anh cũng không rành! Buồn thay!”

 

Từ thực tế, Sơn HP -Nam - 26 tuổi - Từ Hà Nội cho biết: “Chẳng nói làm gì đến học vị TS. Bởi ngay cái bằng KS, cử nhân nó còn làm cho những người được đào tạo chính quy cũng thấy hổ thẹn. Chủ trương phổ cập giáo dục đến phổ cập đại học đã dẫn đến mở đường cho các loại CB hợp lý hóa kiến thức kiểu "tốt nghiệp ĐH trước, tốt nghiệp phổ thông TH sau".

 

Từ chủ trương khuyến khích tự học để tự nâng cao kiến thức, mà người ta (chủ yếu mấy người có chức vụ nhưng thiếu bằng cấp) đã lợi dụng để không qua thi tuyển mà vẫn vào học ĐH tại chức và thậm chí không cần học vẫn mua được bằng để phù hợp cho chức vụ và leo cao hơn. Lúc đầu họ còn ngượng nghịu khi nói dối về bằng của mình. Lâu ngày họ tự dối mình và quên hẳn, đi đâu cũng khoe bằng cấp và còn chê người khác chưa có bằng ĐH (?)”

 

“Xã hội ngày nay đầy rẫy những kẻ như vậy, cần sớm ra tay loại trừ hiện tượng này ra khỏi nền giáo dục và kiên quyết xử lý CB gian dối bằng cấp, học chui...” - độc giả này kiến nghị thêm.

 

Để giảm bớt tình trạng "loạn tiến sĩ, thạc sĩ" như hiện nay, Hải Anh- Nam - 26 tuổi - Từ Hà Nội đề xuất phương án: “Theo tôi, Bộ Giáo dục và Đào đạo nên xem xét lại quy chế đào tạo sau đại học. Thực tế hiện nay chất lượng đầu vào và đầu ra của hai bậc đào tạo thạc sỹ và tiến sỹ ở Việt Nam là quá thấp. Chúng ta nên quy định chỉ những sinh viên tốt nghiệp đại học loại khá mới được thi ngay vào thạc sỹ và loại giỏi mới thi tuyển nghiên cứu sinh. Trường hợp còn lại cần ít nhất 02 năm công tác đúng chuyên môn.

 

Mặt khác nên tập trung đào tạo ở những trường có đủ năng lực đào tạo - những trung tâm đào tạo đầu ngành. Nên xóa bỏ hoàn toàn hình thức đào tạo liên kết, hệ mở đối với sau đại học, tránh tình trạng đào tạo tràn lan như hiện nay mà chất lượng còn là dấu chấm hỏi. Xây dựng lại chương trình đào tạo cho phù hợp với yêu cầu ứng dụng thực tiễn, hướng trọng tâm vào kỹ năng nghiên cứu khoa học”.

 
Có bằng Th.s, T.s cũng không tự hào
 

Dù biết mình cũng rơi vào tình trạng học chỉ để lấy cái bằng, nhưng Trang - Nữ - 33 tuổi - Từ Quảng Nam vẫn phải cố vì “tương lai”: “Tôi đã hoàn thành bằng Thạc sỹ cách đây gần 4 năm rồi, học tại 1 trường ĐH có tiếng. Nhưng thật sự mà nói, tôi chưa bao giờ khoe cái bằng của tôi với ai cả. Thành thật là tôi không nể chính cái bằng của mình vì kiến thức của tôi còn non trẻ và kinh nghiệm làm việc còn ít quá. Hồi xưa, nếu ai nói chuyện học cao học, tôi lập tức ngăn cản liền. Bây giờ thì không, bởi tôi hiểu cái bằng ấy giá trị lắm các bạn ạ!”

 

Có chung tâm trạng, Phan Bá Tiên - Nam- 51 tuổi - Từ Nghệ An giãi bày cảm nhận khi có được tấm bằng Thạc sĩ: Tôi học Cao học, có bằng Thạc sỹ cách đây đã 16 năm. Khi mới nhận bằng, sao thấy mình đáng tự hào đến thế. Vậy mà chỉ mấy năm sau, phải thật sự xấu hổ khi ai nhắc đến Thạc sỹ. Giờ làm Quản lý một trường THPT, khi thống kê trình độ đội ngũ, tôi ghi chú rất rõ: mấy người có bằng Thạc sỹ (không phải trình độ Thạc sỹ) đâu nhé. Nỗi khổ của những người biết tự trọng, khổ không biết cơ man nào!”

 

Và theo Tú Anh- Nam - 34 tuổi - Từ Bình Thuận, nguyên nhân của việc chạy đua theo bằng cấp đó là cơ chế tuyển dụng của ta: Hiện tượng “Tiền mua được tất cả” hiện nay đang trong tình trạng đáng báo động. Lĩnh vực giáo dục chỉ là 1 biểu hiện của phong trào mua bằng cấp ở nước ta. Có cung thì mới có cầu, bắt đầu hiện tượng này có thể là do nhu cầu tuyển dụng của các công ty, doanh nghiệp, xí nghiệp... Từ đó dẫn tới hiện tượng mua bán bằng cấp mới trở thành “cao trào” như thế này.

 

Bây giờ đi đâu cũng thấy bằng cấp, đa số trong đó là bằng Cao đẳng, Đại học, Chứng chỉ... Nhưng hỏi trong số đó có được bao nhiêu bằng là đúng với nghĩa của nó, đúng với sức lực, trí tuệ của ng sở hữu nó?

 

Theo tôi, để giải quyết vấn đề này thì các nhà tuyển dụng phải có những cách tuyển dụng lao động hợp lý, không phải căn cứ vào các tấm bằng này. Nhà quản lý phải xử lý được các hiện tượng, trung tâm chuyên cấp bằng giả, làm bằng giả. Tiếp theo là các bạn, những chủ nhân tương lai của đất nước cần phải nâng cao trình độ học thức của mình, không phải chỉ vì đồng tiền mà đánh mất giá trị nhân phẩm của mình”.

 

Trần Bách