Hãy biết cách lắc đầu

Bộ Tài chính vừa có khuyến cáo trước đề xuất vay Trung Quốc hơn 300 triệu USD, tức là ngót 7.000 tỉ đồng cho dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Nguyên do: Các khoản vay ưu đãi từ Trung Quốc đều “có ràng buộc, phải sử dụng nhà thầu, công nghệ, máy móc, thiết bị của Trung Quốc”. Trong khi, dự án đường bộ cao tốc là dự án “có nguồn thu trực tiếp”, cần tính toán, so sánh với khả năng huy động vốn từ các nguồn khác có chi phí rẻ hơn, chất lượng, công nghệ tốt hơn nhằm giảm thiểu rủi ro.

Hãy biết cách lắc đầu - 1

Một khuyến cáo rất trách nhiệm, khi mà những bài học đau thương còn sờ sờ trước mắt chúng ta.

Nhớ tháng 6.2015, Bộ trưởng Bộ GTVT khi đó là ông Đinh La Thăng, trong một động tác chỉ tay bị báo chí Trung Quốc chỉ trích kịch liệt sau đó, đã nói thẳng rằng “Nhà thầu Trung Quốc rất yếu kém”; Rằng “muốn thay cũng không thể thay được, vì đó là một điều kiện trong các hiệp định...”

Các “điều kiện” cho việc tài trợ vốn tuyến Cát Linh - Hà Đông cũng na ná như trong khuyến cáo của Bộ Tài chính bây giờ. Tiên quyết: Nhà thầu thi công, giám sát, cung cấp thiết bị cũng là của Trung Quốc. Đến bây giờ, sau 3-4 lần điều chỉnh, 3-4 lần gia hạn, Dự án Cát Linh - Hà Đông vẫn chưa biết khi nào đi vào hoạt động. Tổng vốn đội 315 triệu USD, bằng đúng một con đường cao tốc. Đã có sắt rơi. Đã có giáo sập. Và vô vàn những bức xúc, những tai tiếng, những câu hỏi về chất lượng, những “bài học”, thậm chí cả chuyện “bị sập bẫy” được nhắc tới.

Nói chính xác, Cát Linh - Hà Đông như một trái bồ hòn, nuốt vào không nổi, nhè ra không xong. Các nguồn vốn “ưu đãi” từ Trung Quốc chưa bao giờ là cho không, và chúng ta đang nhận với cái giá không hề rẻ. Bởi ngoài chuyện đội vốn, chậm tiến độ, kém chất lượng, “cái giá” còn đồng nghĩa với nợ nần, đồng nghĩa với hủy hoại môi trường, đồng nghĩa với việc trở thành “bãi rác” cho những công nghệ lạc hậu, chưa nói đến sự lệ thuộc!

Việt Nam đang cần rất nhiều các nguồn vốn cho phát triển, nhưng không thể vay mượn bằng mọi giá, nhất là đối với một địa chỉ đã có quá nhiều tai tiếng, gây quá nhiều bức xúc, để lại quá nhiều hậu quả. Nhất là với một đối tác, duy nhất trên thế giới, luôn đặt điều kiện phải dùng cả lao động phổ thông từ nước họ.

Cái chỉ tay năm trước được dư luận tán dương nhiệt thành, bởi nó giống như một chỉ dấu của sự cương quyết, không chỉ những trì trệ của một nhà thầu Trung Quốc cụ thể. Và bây giờ, cần thêm những cái lắc đầu để tránh thêm một Cát Linh - Hà Đông, tránh có thêm một Bauxite, tránh thêm những món nợ đắt đỏ chẳng hề vô tư. Lắc đầu, để không còn phải chỉ tay!

Đào Tuấn

Theo báo Lao động