Hành vi đăng tải thông tin sai lệch, thao túng giá sẽ bị xử phạt ra sao?
Trong bối cảnh dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, nhiều tài khoản facebook đã đăng tải thông tin sai lệch, gây hoang mang dư luận.
Đăng tải thông tin sai lệch, thao túng giá là vi phạm pháp luật
Trong những ngày qua, có nhiều chủ tài khoản facebook đã phát tán những thông tin sai lệch về dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona (2019-nCoV). Liên quan đến vấn đề này, thông tin từ Bộ Công an cho hay cơ quan chức năng đã xử lý, răn đe nhiều trường hợp đăng tải thông tin sai sự thật trên mạng xã hội.
Cụ thể, sáng 26/1, tài khoản mạng xã hội facebook có tên là T.K. đăng tải thông tin với nội dung: “Hải Phòng đã có 1 ca nghi ngờ mắc Corona gây viêm phổi Vũ Hán hiện đang được cách ly tại khoa Lây, Bệnh viện Việt Tiệp…” Sau khi nhận được thông tin, trong ngày 26/1, Sở Y tế Hải Phòng đã tiến hành xác minh tại Bệnh viện Việt Tiệp, không có trường hợp nào nghi nhiễm Corona. Sáng 30/1, Phòng An ninh chính trị nội bộ-Công an thành phố Hải Phòng tiến hành xác minh, làm rõ chủ tài khoản facebook đăng tải thông tin về virus Corona tại Hải Phòng là Vũ Thị N.T (trú ở quận Ngô Quyền, Hải Phòng). Với hành vi trên, Vũ Thị N.T. đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 10 triệu đồng do “Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.”
Sáng 29/1, tài khoản facebook “Nhàn Lê” đã đăng tải dòng trạng thái có nội dung: “Huế có 1 trường hợp dịch cúm Corona, người Vũ Hán, đang nằm cách ly tại Bệnh viện Trung ương Huế.” Sau khoảng 1 giờ đăng tải được hàng chục lượt chia sẻ, gây hoang mang và lo lắng trong dư luận. Cùng ngày, Bệnh viện Trung ương Huế đã nhanh chóng ban hành văn bản đính chính thông tin sai sự thật và đề nghị Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế xử lý, ngăn chặn thông tin sai sự thật về dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thừa Thiên-Huế đã phối hợp cùng Phòng An ninh chính trị nội bộ (Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế) làm việc với chủ tài khoản mạng xã hội facebook “Nhàn Lê”. Chủ tài khoản này đã thừa nhận hành vi tung tin sai sự thật và ký cam kết sẽ không tái phạm. Cơ quan Công an đã lập biên bản vi phạm hành chính và đề xuất mức xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền 12,5 triệu đồng.
Điều đáng nói, việc phát tán những thông tin sai lệch về dịch viêm đường hô hấp cấp còn có nhiều nghệ sỹ nổi tiếng như diễn viên Cát Phượng, ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng, diễn viên-nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cũng đã vấp phải phản ứng gay gắt từ dư luận khi đăng tải những thông tin thiếu chính xác.
Nhìn nhận trên góc độ pháp lý, luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng văn phòng Luật sư Giang Hồng Thanh, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho hay: Việc tung các tin đồn thất thiệt, gây hoang mang cho cộng đồng nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang “nóng” là hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Các hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 174/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện". Cụ thể, theo Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP (ngày 13/11/2013), người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.”
Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.”
Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 122, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Trường hợp không xác định được chính xác người tung tin đồn thất thiệt mà chỉ xác định được người đưa tin lên mạng thì áp dụng theo quy định tại Điều 226 Bộ luật Hình sự, tội “Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet những thông tin trái với quy định của pháp luật” (nếu không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 88 và Điều 253 của bộ luật này). Hành vi xâm phạm đó gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị phạt tù từ 6 tháng đến 7 năm tù.
“Xét về mặt đạo đức xã hội, đây là hành vi không thể chấp nhận được khi trực tiếp gây tâm lý hoang mang cho người dân, đặc biệt là với những nghệ sỹ có lượng theo người dõi lớn (lên đến hàng triệu lượt) trên mạng xã hội. Chế tài xử phạt hiện nay tương đối chặt chẽ. Tuy nhiên, thực tế việc xử phạt còn hạn chế khi vi phạm quá nhiều mà xử phạt còn chưa tương xứng. Vì vậy, theo tôi, các cơ quan chức năng cần phải tăng cường hơn nữa việc xử phạt cũng như công tác tuyên truyền trong thời gian tới,” luật sư Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới virus Corona gây ra, nhu cầu sử dụng khẩu trang y tế của người dân tăng rất cao thì tình trạng trục lợi, đầu cơ, tăng giá cũng diễn ra hết sức phổ biến. Không ít người dân đã phải mua khẩu trang, nước sát trùng, găng tay y tế... tăng giá từ 5-7 lần, thậm chí có nơi tăng đến 10 lần.
Nhìn từ góc độ pháp lý, theo luật sư Nguyễn Hồng Hạnh, thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An cho biết: Dù việc xử lý các hành vi đầu cơ rất ít khi được áp dụng nhưng không phải là thiếu cơ sở pháp lý để xử phạt. Theo Nghị định 177/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giá đã quy định: Khẩu trang y tế không thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá hoặc thuộc danh mục hàng hóa được nhà nước định giá.
Khoản 1 điều 11 và điều 10 Luật Giá quy định các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh được tự định giá hàng hóa, dịch vụ do mình sản xuất, kinh doanh, trừ hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá và phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết theo quy định.
Theo Nghị định 185/2013 của Chính phủ và Bộ Luật Hình sự năm 2015, thì hành vi đẩy giá khẩu trang lên cao hay "găm" hàng khi dịch bệnh đang hoành hành có thể bị xử lý về vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, theo khoản 1 Điều 46 Nghị định này, người nào có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa để mua vét, mua gom hàng hóa nhằm bán lại thu lợi bất chính khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác sẽ bị xử phạt hành chính từ 5.000.000 - 10.000.000 đồng.
Đặc biệt, người nào có hành vi đầu cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cộng đồng, đến việc phòng ngừa dịch bệnh sẽ bị xử lý hình sự về tội Đầu cơ, theo điều 196 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
Lan tỏa hình ảnh đẹp trong phòng, chống dịch bệnh
Đối lập với tình trạng đầu cơ, tăng giá bán các mặt hàng y tế nêu trên, chúng ta vẫn thấy nhiều hình ảnh, hành động đẹp của cá nhân, doanh nghiệp sẵn sàng từ bỏ lợi nhuận, hỗ trợ, cấp phát miễn phí các mặt hàng y tế, khẩu trang cho người dân góp phần phòng, chống dịch bệnh.
Cụ thể: Tổng công ty Cổ phần bưu chính Viettel đã ban hành chương trình tặng khẩu trang cho khách hàng. Theo đó, tất cả khách hàng, bưu cục của Viettel Post trên toàn quốc từ ngày 1/2 đến hết ngày 10/2 đều được nhận tối thiểu là một chiếc khẩu trang y tế 3 lớp miễn phí. Ngoài ra, tại các điểm tập trung đông dân cư, bến xe, chung cư ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Viettel Post còn thực hiện phát khẩu trang miễn phí cho người dân.
Còn tại Nha Trang, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã đứng ra phát hàng nghìn khẩu trang miễn phí cho người dân như: nhà thuốc Thiên An (đường Trường Sa, phường Phước Long, thành phố Nha Trang) đã phát gần 7.000 chiếc. Công ty TNHH Dịch vụ pháp lý Saphira Nha Trang (35A Mạc Đĩnh Chi, phường Phước Tiến, thành phố Nha Trang) cũng đã tiến hành phát miễn phí 5.000 chiếc khẩu trang cho người dân và có thể phát thêm tùy vào diễn biến của dịch.
Cùng với đó tại Đà Nẵng, Nghệ An, Hải Dương, Hà Nội và nhiều địa phương khác nữa, đều thấy xuất hiện các điểm phát khẩu trang miễn phí, nhiều tấm biển kèm theo dòng chữ “Khẩu trang phát miễn phí”, “Không bán khẩu trang, chỉ tặng miễn phí cho ai thực sự cần”, “Vui lòng lấy 1 cái nếu cần, không bán khẩu trang”... xuất hiện ngày càng nhiều tại các trục đường, nơi có nhiều người qua lại, tại các cơ sở y tế...
Hành động đẹp mang ý nghĩa nhân văn của các đơn vị, cá nhân nói trên đã nhận được sự ủng hộ từ người dân, cộng đồng xã hội. Hình ảnh đó mang đến cho chúng ta thông điệp “Lợi nhuận đâu phải là tất cả mà trên hết đó là sức khỏe của người dân”. Giữa thời điểm khẩu trang y tế đang khan hiếm, việc tặng khẩu trang y tế miễn phí là hành động mang đầy tính nhân văn, góp phần vào công tác tuyên truyền phòng, chống ngăn ngừa sự lan truyền của dịch bệnh Corona gây ra.
Để đối phó với tình trạng ghim hàng, bán giá cao so với quy định, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm qua, xử lý. Các cơ sở y tế, chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do vi rút nCoV gây ra, khuyến cáo người dân bình tĩnh thực hiện đúng các bước trong phòng, chống dịch. Ngoài ra, các phương tiện thông tin đại chúng cần định hướng thông tin không để người dân hoang mang, là cầu nối để lan tỏa những hình ảnh đẹp, những việc làm thiết thực của cá nhân, tổ chức góp phần phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho người dân./.
Theo Võ Đông
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam