Hành trình ấm tình người của cựu binh Úc Wildeboer

(Dân trí) - Đoạn kết hành trình trở lại VN của cựu binh Úc Laurens Wildeboer như đưa ta trở về với một thời chiến tranh khắc nghiệt, cũng là thời thăng hoa của những tình cảm lãng mạn cách mạng với những “cuộc chia ly màu đỏ”, những đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”…

Hành trình ấm tình người của cựu binh Úc Wildeboer

 

Nghĩa tình xuyên biên giới

 

Như có những sợi dây đàn vô hình vẫn ẩn náu đâu đó trong trái tim mỗi con người chúng ta, và chúng lại rung lên dù chỉ chầm chậm, khe khẽ… để rồi lắng đọng lại thành những giọt lệ cứ trào dâng, trào dâng…

 

Những cuộc gặp gỡ giữa các nhân vật từng có thời ở hai bên chiến tuyến, quả thật cứ như thể mang theo cả sức nặng ngàn cân bởi hàm chứa biết bao hồi ức, nghĩ suy, hình ảnh… của không chỉ người trong cuộc, mà còn cả một thời kỳ lịch sử với biết bao số phận những con người từng bị cuốn theo những biến động của thời cuộc.

 

Và chắc chỉ những ai từng trải qua mới có thể hiểu được ít nhiều thế nào là những gánh nặng của chiến tranh, gánh nặng hậu quả của thời hậu chiến, để càng hiểu sâu sắc hơn giá trị của hòa bình, của cuộc sống bình yên để ổn định và phát triển…

 

Nhớ về cái thời tưởng chừng như đã xa nhưng vẫn ẩn hiện bóng dáng qua các cuộc xung đột, những vùng chiến sự nóng bỏng ở đâu đó trên thế giới này, có lẽ mỗi người dân VN chúng ta đều thấm thía ý nghĩa câu đúc kết ngắn gọn mà bạn đọc Phúc Thành:  nphucthanh@gmail.com bày tỏ: Chiến tranh đã qua đi. Tình người vẫn còn mãi...”

 

Hoặc như Phan Trọng Hậu tronghauatfpt@yahoo.com diễn giải có phần sâu xa hơn:  “Những nghĩa cử cao đẹp nhằm hàn gắn các vết thương chiến tranh, để con người với con người xích lại gần nhau hơn... Dù những mất mát trong chiến tranh của VN ta là không thể nào bù đắp được... Nhưng quá khứ đã khép lại... Hy vọng tình hữu nghị giữa hai nước Úc - VN ngày càng tốt đẹp hơn!”

 

Hà Nội hanoi@yahoo.com.vn nhấn mạnh: “Thật xúc động, những hành động nhân văn khép lại quá khứ, hướng tới tương lai của những con người”.

 

Phạm Hồng Sơn sonph@vanphu.vn thể hiện cảm xúc qua những vần thơ rất mộc:

 

“Đất nước mãi vinh danh anh

Người anh hùng dân tộc

Đã hi sinh vì Tổ quốc thiêng liêng;

Thế hệ hôm nay sẽ mãi khắc ghi

Một ký ức hào hùng của dân tộc

Một thế hệ quật cường trong bão đạn

Đã vững vàng mà chẳng tiếc máu xương...

Các anh hôm nay đã nằm lại chiến trường

Không bao giờ về với mẹ và quê hương,

Một bức thư xuân như còn mãi với thời gian…

 

Những lá thư, bài thơ chiến trường cùng những cuộc gặp lại đầy cảm động cũng là dịp để thế hệ kế tiếp trong gia đình những người lính nhớ về những kỷ vật của cha ông, của những người thân cũng được lưu giữ như những mẩu ký ức sống động về một thời chiến sự:

 

“Tôi là con của một cựu chiến binh Việt Nam. Bố tôi đã mất cách đây 6 năm do bệnh hiểm nghèo. Trước đây ông cũng từng vào Nam chiến đấu bao năm,  bố tôi cũng có một cuốn nhật ký viết bằng thơ và tranh vẽ ghi lại những ngày sống và chiến đấu cho đến khi giải phóng. Cuốn sổ đã cũ kỹ, long bìa nhưng vẫn được mẹ tôi cất giữ.  Tôi muốn giúp bố mang quyển sổ thơ đến mọi người để cùng chia sẻ về những năm tháng chiến đấu ác liệt, và cũng mong rằng góp thêm những tư liệu quý về một thời đạn bom gian khổ của đất nước ta...” - Tran Thi Suong 0976565857:  Suongtran62@yahoo.com nhắn nhủ.

 

“Ôi thương quá!! Thật xúc động biết bao trước nghĩa cử và sự thể hiện tâm hồn của một người cựu chiến binh Úc, cũng là một nét đẹp của lương tri nhân loại. Xin cảm ơn ông Laurens Wildeboer về những gì ông đã làm. Mong nhân loại có thêm nhiều những con người có tấm lòng và tình yêu hòa bình như ông Laurens Wildeboer... Để một thế giới luôn hòa bình và mãi mãi không bao giờ còn xảy ra chiến tranh, xung đột... Hãy yêu thương nhau hơn để thế giới bình yên, hãy nói không với chiến tranh và sự thù hận...” - Quang Hưng: quanghungpham2002@yahoo.com tiếp nối dòng xúc cảm.

 
Hành trình ấm tình người của cựu binh Úc Wildeboer
 

Giá trị sống

 

Về những tình tiết mới cho thấy tác giả những vần thơ Xuân có thể là một người khác, không phải “anh lính họ Phan” (như tên gọi thân thương đã quen thuộc với bạn đọc suốt thời gian qua), phản hồi gửi tới Diễn đàn cũng có nhiều ý kiến hoặc lập luận, suy đoán khác nhau:

 

“Dù những bài thơ là của anh lính họ Phan hay của một người lính nào, thì đó cũng là một tài sản vô cùng quý giá mà các anh để lại. Tinh thần  và niềm tin gửi gắm trong thơ là ý chí và niềm tin sắt đá của các thế hệ người Việt Nam mà các anh, những người lính nơi tiền tuyến là những người đại diện. Thế hệ trẻ ngày nay cần phải biết, biết để suy ngẫm và học tập, tu dưỡng và rèn luyện để có được tinh thần như vậy, để có thể dẹp bỏ những tư tưởng cá nhân hẹp hòi trong cuộc sống hiện tại mà đâu đó lối sống thực dụng đang lấn át sự cống hiến hi sinh. Cảm ơn các anh đã làm rạng rỡ hình ảnh Đất nước và con người Việt Nam bằng đức hi sinh và tinh thần quật cường không kẻ thù nào lay chuyển được. Cảm ơn cựu binh Wildeboer, người đã biết trân trọng "giá trị sống" biết trân trọng những gì thuộc về chính nghĩa” -  Bùi Xuân Tiến: buibinhtien@yahoo.com.vn nêu rõ.

 

“Thế hệ thanh niên miền Bắc trong nhữg năm chống Mỹ, tùy theo khả năng của mình hay làm thơ, chép thơ, chép lại bài hát ưa thích.Thường  vẽ cành hoa đơn giản bằng hai màu xanh đỏ của bút chì "cù lơ". Xem và đọc bài thơ đem lại cảm xúc về những năm 60-70 của thế kỷ trước, càng biết ơn các anh bộ đội Cụ Hồ…” – Dang Hoang:  danghoangvl@yahoo.com.vn nêu một cách lý giải.

 

“(Tác giả bài thơ Lá thư Xuân) có thể là người lính miền Nam, là một cán bộ trẻ người miền Nam hoặc con em cán bộ miền Nam tập kết ra học tập trên trên đất Bắc. Sau đó quay lại miền Nam chiến đấu. Ngày ấy cũng nhiều người như thế lắm. Nhưng cách thể hiện cho thấy cũng có thể    phong cách của các anh bộ đội vốn là học sinh hoặc sinh viên người miền Bắc” – Nick Nguoibinhthuong: NguoiBinhThuong@gmail.com dự đoán.

 

“Chiến tranh đã đi qua, để lại cho chúng ta bao nỗi đau thương khôn xiết. Bên cạnh đó còn là những hồi ức và cả những nghĩ suy mà tại thời điểm đó người trong cuộc có thể chưa nhận ra…. Thật cảm động với những con người như ông Laurens Wildeboer! Chúng ta hãy chia sẻ với tấm lòng của ông, và chia sẻ với gia đình cụ Hiểu đã nhận lại được những kỷ vật vô giá này. Mẹ cũng là một đại diện cho tất cả những người Mẹ của những người lính Cụ Hồ…

 

Để tìm lại được tác giả của bài thơ “Lá Thư Xuân”, chúng tôi rất mong Dân trí scan tất cả các bài thơ để độc giả có cách nhìn đầy đủ hơn. Theo tôi, có thể đó là tên của anh THANH PHONG  và cũng có thể tên tác giả và tên người yêu của tác giả là Thanh và Phong ghép lại, vì thời ấy thanh niên thường hay ghép tên nhau như vậy. Còn về gốc tích thì tôi nghĩ là không phải bàn cãi nữa, đó chính là một người lính miền Bắc. Thông thường trong thơ hay thể hiện về Quê hương mình, nên chú ý chi tiết này trong bài thơ” - Anh Son anhson106@yahoo.com dẫn giải qua kinh nghiệm có lẽ là từ chính bản thân.
 
Hành trình ấm tình người của cựu binh Úc Wildeboer

 

Nét Bắc: Hoa đào, chim én, mùa xuân...

 

Về chất Bắc thể hiện trong những bài thơ Xuân được cựu binh Úc Wildeboer lưu giữ, nhiều bạn đọc cung cấp thêm các dẫn chứng thực tế hoặc suy luận thêm cho điều đó. Trái lại, cũng có những người nên thực tế khác rằng một người có thể viết bằng nhiều nét chữ khác nhau. Cũng có những nhận định rằng “Bài thơ của ai không quan trọng, mà quan trọng hơn đó là khẩu khí của người chiến sĩ Việt Nam trong thời chiến”, như nick  Ba hoa mr_bahoa@yahoo.com nhấn mạnh:

 

“Ngày trước, khi có được một cuốn sổ tay, ai cũng thường rất nâng niu, trân trọng. Và việc đầu tiên họ làm là ghi tên mình vào cuốn sổ đó. Tôi nghĩ cuốn sổ này chắc chắn là của một chiến sỹ người miền Bắc có tên là Thanh Phong. Anh lính họ Phan, nếu có gò chữ cho đẹp cũng không thể có nét chữ dài, hơi nghiêng như trong bài "Lá thư xuân". Hai nét chữ trên khác nhau hoàn toàn” -  Phan Kim:  mailanphan12@yahoo.com

 

“Hai nét chữ này là một mà. Hãy nhìn nhưng chữ cơ bản, chữ hoa nữa. Hình như là một người viết. Khi viết vào cuốn sổ thì cẩn thận hơn, nắn nót hơn nên hơi khác đi một chút. Mà cũng còn tùy loại giấy nữa. Dù sao mình nghĩ hình như hai nét chữ này vẫn là của một người, mong xác minh lại” - Hung:  seven10489@gmail.com

 

“Trước hết cảm ơn sự hy sinh của 2 liệt sĩ. Tôi cũng có người cậu ruột hy sinh trong khoảng thời gian này khi mới 17 tuổi. Theo tôi, tác giả bài thơ là người miền Bắc, chỉ có người miền Bắc mới có những kỷ niệm về hoa Đào, chim Én, mùa Xuân. Nét chữ của  tác giả bài thơ thể hiện tác giả là người có tính cách mạnh mẽ, cứng rắn, trung thực, nhưng rất lạc quan và yêu đời. Còn nét chữ của liệt sĩ họ Phan thể hiện tính cách mềm mại hơn, thể hiện liệt sĩ họ Phan được sinh ra và lớn lên trong gia đình có nhiều phụ nữ” - Trần Hoài Thanh:  hoaithanhsym@yahoo.com.vn

 

“Đọc bài thơ "Lá thư Xuân" của Thanh Phong tôi thật sự xúc động. Theo như câu thơ viết trong bài thơ: "Nhớ quê hương đang bừng nổi dậy - Tàu chiến Mỹ ăn đòn bốc cháy - Giặc nhà trời cũng vùi xác biển đen", tôi suy đoán quê hương tác giả là là Vĩnh Linh - Quảng Trị, vì chỉ ở đó mới có tàu chiến Mỹ ăn đòn bốc cháy, còn các tỉnh phía ngoài nữa hình như tàu chiến Mỹ ít xuất hiện” -  Tử Anh:  anhgia1960@yahoo.com

 

“Không biết được,  nhưng dù của ai chăng nữa thì đều của người lính Việt Nam. Mình rất tự hào vì trong kháng chiến lại có những con người thực có tâm hồn cao đẹp như vậy” - Ha Thu:  hathu1989@gmail.com

 

“Cũng có thể trong điều kiện chiến đấu khắc nhiệt, nên thường đồng đội dùng chung một ba lô hoặc họ mượn của nhau đế đọc và sao chép lại khi trận đánh chưa xảy ra. Rồi sau đó thất lạc trong trận đánh. Vẫn hy vọng tìm ra được sự thật sau thời gian dài như vậy...  Tôi là một thương binh, luôn rất quý trọng những kỷ vật như thế này…” - Lê Xuân Ái (tp 400 pbc TP BMT dt 0914249118):  ailexuan@rocketmail.com

 

“Chúng ta nên tìm bằng được tác giả bài thơ Lá thư Xuân. Đây cũng là biểu lộ sự tri ân của chúng ta với các anh – những người lính đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để chúng ta có được ngày hôm nay. Tôi mong Bộ GDĐT nên biên soạn lại những bài thơ này để đưa vào chương trình học cho các em học sinh, nhằm tăng cường giáo dục truyền thống ở bậc học phổ thông” - Minh Phuong:  maydinh74@gmail.com

 

“Tôi sinh ra, lớn lên và học ở miền Bắc sau các anh khoảng 10 năm, cũng từng sống trong quân đội. Bài viết này tôi nghĩ tác giả là người lính miền Bắc, thầm yêu và nhớ một người con gái ở quê nhà. Thời học sinh chúng tôi hay viết tên mình và tô hình khối ô chữ như thế, và tôi cho nghĩ rằng tên người lính là THANH PHONG. Bài thơ rất hay và vô cùng cảm động” – Nguyễn Văn Thắng:  thangvanguyen@gmail.com

 

“Giọng thơ và âm từ đó là của anh bộ đội miền Bắc, không thể của anh bộ đội quê ở Biên Hoà được. Chuyện yêu thơ, chép thơ của nhau trong đơn vị thời đó là chuyện thường thấy. Vì thế nếu đúng là cuốn sổ tay của anh bộ đội họ Phan có bài thơ này cũng không có gì phải ngạc nhiên. Nhưng cho dù của ai chăng nữa thì đó là một bài thơ hay. Bài thơ của một thời đại tuổi trẻ anh hùng của những người đổ máu xương xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước. Khâm phục biết bao!” - Sơn Đông:  sondong03@yahoo.com

 

“Theo tôi, ba lô mà người lính Úc  nhặt được không phải của anh Nhơn mà là một người lính quê ở phía bắc. Giải thích lý do có lí lịch của anh Nhơn quê Đồng Nai trong chiếc balo này vì có thể anh Nhơn viết lí lịch vào Đảng, và người có chiếc balo có thể là bí thư chi bộ (hoặc chính trị viên đại đội). Do đó bài thơ "Lá thư xuân" là của đồng chí này” - Hoàng Minh:  hoangquocminh.55@gmail.com

 

“Cũng có thể quyển sổ có bài thơ này là của một người lính Bắc, là bạn chiến đấu của anh đã hy sinh và anh là người giữ kỷ vật của đồng chí của mình. Nên cố gắng tìm ra và gửi về cho gia đình họ. Có thể kỷ vật đó mà người lính họ Phan này muốn giữ lại để sau hòa bình anh ta đưa nó về với gia đình của bạn, nhưng tiếc thay anh cũng hy sinh nên giờ đây kỷ vật mới như vậy. Cảm ơn những người lính Cụ Hồ…” - Võ Tấn Điền:  tandien_qn@yahoo.com

 

“Xin hãy cẩn thận suy xét. Thơ là hồn người. Tôi đồng ý với nhiều ý kiến các bạn đã nêu và bổ sung thêm chi tiết: "vắng đào thơm" trong bài thơ. Tôi cảm nhận thấy đây là giọng thơ đất Bắc, từ cách dùng từ đến cảnh vật, thời tiết. Hoa đào ngày xuân - một nét đặc trưng riêng có của đất Bắc hồi đó. Xin hãy lưu tâm!” - Trần Trung: trungtt@vnu.edu.vn

 

“Đọc tin này tôi cũng giật mình, liệu có sự nhầm lẫn nào chăng? Vào comment xem thì thấy khá nhiều độc giả cũng có nghi ngờ là có sự nhầm lẫn. Tôi nghĩ tác giả bài thơ này là một liệt sĩ miền Bắc, chứ không phải  người Long Thành, Đồng Nai. Lý do:

 

1) Bài thơ đón xuân: anh có minh họa bằng một cành đào với những sắc hoa đỏ rực. (Đồng Nai thì không thể có đào, mà chỉ có Mai).

 

2) Các bạn đọc kỹ câu 4 dòng thơ sau:

 

Hỡi em yêu còn ở chốn quê

Chắc ngoài ấy đang tung trời vui cánh én

Viết thư cho em đầu xuân sáu tám

Ngoài quê hương em đang rét run người..

 

"Ngoài ấy" nghĩa là ngoài Bắc và "rét run người" thì chỉ có miền Bắc thôi. Mong báo chí và các cơ quan hữu quan xác minh lại” – Minaly:  minaly@gmail.com

 

“Để người chiến sĩ trở về lại trong vòng tay mẹ già, vòng tay đồng đội là một nghĩa cử thiêng liêng, một chút hạnh phúc cuối cùng... Nhưng có gì lầm lẫn ở đây không? Bài thơ này ta có cảm nhận như bài thơ của một sinh viên miền Bắc chia tay người yêu vào miền Nam chiến đấu… Có thể chủ nhân cuốn nhật ký đã chép lại bài thơ của đồng đội miền Bắc chăng. Cái tên không chính xác cũng là vấn đề? Rất trân trọng tình cảm thiêng liêng của người đã hi sinh và cả những người đang lo đưa kỷ vật của anh về lại với gia đình. Nhưng mong đừng có sự nhầm lẫn nào sẽ tốt hơn…” - Lê Xuân Tịnh:  lexuantinh05@yahoo.com

 

“Theo tôi,  tác giả bài thơ là người miền Bắc. Mong Dân trí cố gắng góp sức tìm đúng gia đình họ và trao gửi lại... Đó mới là sự tri ân với tác giả, và cũng là đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của người cựu binh Úc này” - Ngô Tuấn:  Tuanc3cl@gmail.com.vn

 

“Tôi nghĩ nên xác minh lại nhân thân và quê quán người lính họ Phan. Ý tứ và câu chữ trong bài thơ cho thấy: người lính với bài thơ Xuân đầy xúc động phải là người miền Bắc chứ không thể là người miền Nam được” - Thanh Thúy:  thuy010582@yahoo.com

 

“… Có thể khẳng định tác giả bài thơ là người lính ngoài Bắc. Vì ngoài những điều đã được phân tích, nội dung bài thơ còn nói về thời kỳ chiến tranh phá hoại miền Bắc (thời đó)…” -  Khôi:  khoidaubac@yahoo.com
 

“Tôi là 1 thanh niên thuộc thế hệ 8x và may mắn có cơ hội xem các kỷ vật của thế hệ là các anh bộ đội thời trước, nhất là các cuốn sổ thơ, nhật ký. Phải nói là thế hệ ngày xưa tuy có thể chưa được học hành đầy đủ, nhưng viết chữ đẹp hơn bây giờ nhiều, thậm chí rất đẹp. Những vần thơ cũng rất mộc mạc mà chân tình, cũng như không ít chất lãng mạn. Đó là điều mà thế hệ chúng tôi không có được…” – Nick Bộ đội làm thơ:  jeanjeanvn@gmail.com

 

“Qua nội dung  bài thơ, có thể thấy liệt sỹ quê ở miền Bắc (từ Quảng Bình trở ra), nhập ngũ khoảng năm 1965. Vì người ngoài Bắc gọi "mấy độ xuân về" thường là 3 năm. Trong bài thơ có vẽ cành đào xuân chứ không phải cành mai, lại có câu "vắng đào thơm mà ngát nhụy mai vàng.  Rồi "ngoài quê hương em đang rét run người” -  miền Bắc gọi "rét", miền Nam kêu "lạnh". Rồi từ  "cánh én"... Một người ở miền Nam không có những  dữ liệu đặc trưng như thế…. Là một người sống ở miền Bắc (Hà Tĩnh), tôi thấy bài thơ này rất đỗi quen thuộc  của một người lính miền Bắc vào Nam chiến đấu hy sinh, chưa một lần về thăm lại quê hương. Ta thấy rất rõ điều đó ngay ở câu mở đầu bài thơ” - Nguyễn Văn Hải:  quangcominhhai01@gmail.com

 

Bình luận của Nguyễn Văn Thắng noiday_anhcho_tinhem@yahoo.com có thể coi như gói ghém thay tâm sự và suy nghĩ của bao con người VN lúc này trước chặng cuối tốt đẹp của một hành trình dài trở về chiến trường xưa của một cựu binh Úc từng có thời tham chiến tại VN:

 

“Mình đọc bài báo này mà rớm nước mắt… Cảm ơn cựu chiến binh Úc Laurens Wildeboer. Cảm ơn sự hi sinh anh dũng của các  liệt sĩ như anh Phan Thành Nhơn…”
 
(Ảnh: Một số hình ảnh ghi lại cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa cựu binh Úc Laurens Wildeboer với những người thân của liệt sĩ Phan Văn Ban).

 

Kiều Anh