Hạnh phúc nhìn từ góc độ… xăng dầu

(Dân trí) - Nỗi ám ảnh từ “bóng ma” tăng giá xăng dầu đang đe dọa có “cú nhảy” lần thứ 5 liên tiếp chỉ trong hơn một tháng qua, khiến người tiêu dùng VN chỉ còn biết cố gạn lọc trong mớ bòng bong giá cả đó chút an ủi để tự tin hơn về... hạnh phúc.

Hạnh phúc nhìn từ góc độ… xăng dầu
 
Chỉ trong hơn một tháng qua, xăng dầu đã 4 lần tăng giá với mức tăng tổng cộng 3.050 đồng cho mỗi lít xăng A92 (nguồn biểu đồ: TBKTSG)

 

Nhà giàu cũng khổ vì... "bệnh than Lỗ"
 

Phản hồi của đại đa số bạn đọc một lần nữa nhấn mạnh những bất cập đã được giới chuyên gia nhận định như: Các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu hiện tại càng được thả lỏng để tự tung tự tác về giá cả trong thể độc quyền. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành của liên Bộ Tài chính – Công Thương rõ ràng là không ổn (hoặc quá kém, hoặc… vướng cái gì đó). Bởi vậy, điệp khúc: kêu lỗ - đòi tăng giá – được chấp thuận rất nhanh, khiến mọi người dân đều đã quá nhàm chán vì mất lòng tin và cũng tiêu tan luôn mọi hy vọng (dù chỉ rất nhỏ nhoi).

 

Bởi thế, ai cũng hiểu động thái rục rịch đẩy tiếp đà tăng phi mã của giá xăng dầu lên mức kỷ lục mới – vượt mốc 24.000 đồng/lít vẫn chỉ là thêm 1 nấc thang nữa bắc lên… Trời mà thôi. Chỉ có 1 ý kiến duy nhất trong hàng ngàn phản hồi của bạn đọc tỏ ý không tin, đó là của Huynhkatu Ngocanh_1703@yahoo.com:

 

“Tôi là người trong cuộc, không hiểu báo Dân trí lấy nguồn tin sẽ ‘tăng giá kỷ lục’ này ở đâu ra? Nhưng mong trước khi viết thì PV nên tìm hiểu kỹ càng rồi hãy viết, đừng làm cho người dân hoang mang khi mà điều đó theo tôi biết không phải là thực tế. Hiện tại giá xăng đang chững lại ở mức bình quân như mức đề xuất 30 ngày của đợt đề nghị trước, nên làm gì có chuyện tăng giá 1.300 đ/lít. (Một vài ý kiến nhỏ, mong Ban Biên tập báo xem xét lại)”.

 

Còn tâm điểm của đa số ý kiến khác giờ đây chuyển  hướng xoáy vào câu hỏi lớn như Vũ Đình Sơn sx.tq.nh@gmail.com nêu: “Bao giờ (các DN xăng dầu) mới làm ăn có lãi nhỉ :)”

 

Nhưng để người dân nghe được mấy DN “ông lớn” của VN  tự nhận có lãi xưa nay đã khó rồi, giờ lại chắc lại càng hiếm hơn vì… dại gì mà không “áo gấm đi đêm” cho an toàn mọi nhẽ. Câu hỏi trên bởi thế được Trần Thơm tranthom0210@gmail.com nối thêm một vế:

 

“Vậy là giá xăng cứ tăng cho đến khi nào các DN kinh doanh xăng dầu công bố là DN kinh doanh có lãi thì mới thôi chắc? Lương năm tăng được 1, 2 lần, thậm chí không lần nào. Vậy mà giá xăng 10 ngày tăng một lần như thế này thì dân sống làm sao được chứ. Bảo làm sao đời sống của người dân vẫn không được cải thiện?”

 

Vế cuối của câu hỏi được Dư Anh yeumaiminhem990@yahoo.com chốt lại:

 

“Tăng rồi vẫn kêu lỗ thôi... Biết bao giờ họ mới kêu là: ‘Lãi quá rồi, giảm giá xăng dầu thôi’ nhỉ? Nói chung là với tình hình hiện tại thì giá cả vẫn đang đẩy người dân vào 1 xu thế đi xuống, tức là từ xe máy sẽ phải chuyển sang đi xe đạp điện. Khi giá điện tăng nữa thì lại đi xe đạp thường :))”

 

Và con số được dự đoán nhiều nhất về “kỷ lục” giá xăng còn đáng kinh hãi hơn, như  Phúc jimmy_phuc15@yahoo.com cảnh báo:

 

“Không dám có ý kiến nhiều, bởi vì tôi tin là khi nào giá xăng lên tới 50.000đ/1lít, thì lúc đó các doanh  nghiệp xăng dầu đầu mối có lẽ mới tạm hết than lỗ (còn người dân chúng ta thì…. xuống lỗ cũng là vừa). Thả nổi giá xăng dầu theo giá thế giới, hay so sánh  giá xăng  nước mình với nước khác mà không xem lại GDP của mình thấp hơn của người ta cả mấy chục lần? Nói chung giờ lên mạng kêu la cũng chỉ để… cho vui thui, chứ có ai ngó đến người dân mình đâu, hix”.

 

Để chữa “bệnh than lỗ” cho các DN “khốn khổ” nước nhà, bạn đọc mách nhỏ “bài thuốc”:

 

“Vâng thưa các vị chịu trách nhiệm quản lý giá, ngoài cách cho tăng giá xăng để đổ hết khoản thua lỗ lên đầu dân nghèo thì các vị không còn nghĩ ra cách nào khác ư? Sao các vị không tìm một phương pháp khác để cho dân nghèo nước ta đỡ khổ, phải chăng giá xăng nước ta thấp hơn so với các nước hàng xóm nên cần phải tăng lên đều đều như vậy? Nếu thế thì người ta nhập lậu xăng dầu về để… làm từ thiện rồi. Và nếu các vị làm ăn thua lỗ thì tại sao vẫn có nhà lầu ,xe xịn để đi? Phải chăng nhà không đẹp, xe không xịn thì các vị không đi được? Thử nhìn lại 80% dân số nước ta sống thế nào rồi các vị hãy than vãn nhé!” - Nguyễn Xuân Bách:  taikhoangameso1@gmail.com
 
Hạnh phúc nhìn từ góc độ… xăng dầu
Diễn biến giá xăng A92 thời gian qua và mức đề xuất mới của doanh nghiệp. Đơn vị tính: đồng/lít (ảnh: T.Thắng - Đồ họa: V.Cường, nguồn: Tuổi Trẻ)

 

Sướng/khổ dưới ống kính người tiêu dùng

 

Bài ca Lỗ của mấy DN “ông lớn” nghe mãi rồi, nên dân tình cũng đành chỉ còn biết ngậm ngùi thương thay cho họ… kêu nhiều quá sẽ mệt. Vậy nên trong khi chờ đợi các DN xăng dầu, điện lực, gas…hết kêu lỗ (thời gian chắc chắn còn dài lắm lắm), người tiêu dùng tự trấn an mình bằng cách nhà nghèo “đếm cua trong lỗ” thay cho nhà giàu. Và rồi lại so sánh vẩn vơ…

 

“Quy luật kinh tế rồi: DN còn tăng giá đến khi nào mà phần lợi nhuận tăng thêm vượt quá phần lỗ do khách hàng bỏ đi. Mà xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên có tăng 10k nữa thì dân vẫn phải dùng ở mức như cũ, chứ sao giảm đi. Nhà nước không đặt giá trần mà cứ để DN muốn tăng thì tăng thế này thì bao nhiêu khó khăn, vất vả vẫn đổ hết lên đầu dân thôi” - Duy Dang: duyhvtc@gmail.com

 

“Cái bài toán tăng mỗi lần nằm ở mức 7%, nhưng chẳng có quy định rõ ràng, đó chính là kẽ hở vô tình hoặc hữu ý cho mỗi lần tăng giá. Nó giống như ngày xưa tôi kinh doanh điện thoại. Nhà nước quản lý việc tăng giá của các hãng bằng cách áp đặt mỗi lần tăng giá không quá 3%, thế là họ tung ra ca khúc tăng 3% sau đó ít ngày lại tăng 3%. Nếu định tăng 30% thì cứ chia nhỏ ra mà tăng, cũng đâu có vi phạm gì. Chưa nói đến năng lực kiểm toán, năng lực quản lý có vấn đề thì làm sao kiểm soát được giá xăng?” - Nguyễn Văn Huấn:  nguyenvanhuan.vn@gmail.com

 

“Chúng cháu là sinh viên, mỗi tháng gia đình cho được mấy đồng. Ngày xưa còn tạm đủ ăn uống, đủ đổ xăng. Giờ thì đi đâu cũng cố gắng đi bộ để tiết kiệm, ăn uống cũng kham khổ hơn vì xăng tăng giá nên cái gì cũng tăng theo: cốc trà đá cũng lên 4-5k, suất cơm đủ no cũng phải 25- 30k... Nhớ ngày xưa đọc bài báo nói “bán xăng cho 1.000 người khách lãi 2 bát phở” mà chúng cháu thấy nực cười. Chúng cháu là sinh viên kinh tế, chúng cháu biết cách tính lãi, tính lỗ. Các cô chú quản lí giá xăng dầu cứ làm trò thế này, giới trẻ chúng cháu chỉ muốn… qua nước ngoài làm việc thôi” – Sinh viên đại học Ngoại thương:  sinhvienngoaithuong@gmail.com

 

“Hôm rồi đi Indo và Malai, thấyg giá xăng bên đó lần lượt là tương đương khoảng 10.000  và 14.000 nghìn 1 lít nếu tính ra tiền Việt. Nước ta cũng là nước xuất khẩu dầu mà không có chế độ gì hỗ trợ cho dân khi xăng tăng giá, lại còn đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nữa thì đúng là tội cho dân ta quá! Không biết còn chịu được cảnh tăng giá mãi đến bao giờ?” - Dũng:  dungtrung@yahoo.com

 

“Tại sao giá xăng dầu tại USA - họ cũng nhập khẩu xăng dầu 100%, chi phí thuê mặt bằng tại Mỹ đắt hơn VN, lương bình quân người bán xăng 3.000 USD/tháng -  lại luôn thấp hơn tại VN cùng thời điểm rất nhiều? Đây là câu hỏi về tình trạng độc quyền đấy, cơ quan quản lý nhà nước trả lời sao cho dân về câu hỏi này?” - Quang: gd_vhs@yahoo.com

 

“Bộ Tài chính ‘trao quyền định giá xăng dầu cho doanh nghiệp để góp phần tạo lập thị trường cạnh tranh’, nhưng thực tế mỗi lần tăng giá các doanh nghiệp lại đồng loạt đề xuất. Như vậy là "Cạnh tranh" hay "Liên minh" ??? Thật khó hiểu” – Trọng Văn:  trongk18@gmail.com

 

“Chỉ đơn giản là: DN được cưng chiều quá nên hư. Tại sao chúng ta không mở cửa, rồi mời thầu các doanh nghiệp khác? Chứ tại sao cũng là khu vực Đông Nam Á, mà các nước khác đều có mức giá xăng dầu thấp hơn ta khá  nhiều? Ai từng được học về kinh tế vi mô đều có thể biết, nếu giả sử doanh nghiệp lỗ  mà tình trạng cứ kéo dài như vậy thì có thể duy trì được không? Đằng này các DN xăng dầu báo lỗ, lỗ đâu cũng được vài năm rồi ấy, thế mà vẫn thấy họ cứ hoạt động, cứ có tiền để mang đi đầu tư chỗ khác?? Đúng là ‘hay’ không thể tả nổi? Còn các vị Bộ trưởng liên bộ thì cứ luôn nói: Sẽ cân nhắc....Vâng mục tiêu năm nay là giảm lạm phát, nhưng mà cũng nhờ xăng dầu mà lạm phát lại… tăng cao. Không biết như thế có phải là hoạt động có hiệu quả không ạ? Lương của người dân còn không đủ để chi trả tiền xăng, thì lấy gì họ sống? Hãy đặt mình vào vị trí những người dân như chúng tôi nhé, các vị ở những nơi có lẽ là quá cao, quá xa so với dân chúng tôi ơi!” – Quy tien sinh:  3q@tcdnk36.net
 
Hạnh phúc nhìn từ góc độ… xăng dầu
Vừa mới tăng giá ngày 28/8, giá xăng A92 lại tiếp tục được đề xuất tăng thêm 700-800 đồng/lít  (ảnh: M.Đức, nguồn: Tuổi Trẻ)
 

Giấc mơ Hạnh phúc nhà nghèo

 

Có 1 điều khá thú vị là đà tăng chóng mặt của giá xăng dầu bỗng dưng lại làm nảy sinh những liên tưởng bất ngờ tới các khía cạnh khác của 2 từ “Hạnh phúc”, cùng các chiêu trò, mảng miếng liên tục được những DN “ông lớn” như xăng dầu, điện lực... đem ra trình diễn mà vẫn cứ thấy cảnh “con hát, mẹ khen hay” mới thật là lạ.

 

“Tôi hạnh phúc vì có hai người bạn, một làm bên xăng dầu, một làm bên điện lực Từ Liêm, nên cũng biết rõ hơn đôi chút. Trong lúc 99% ngành khác làm ăn thua lỗ, phá sản.....thì thu nhập theo như họ nói bên xăng dầu, điện chỉ ....kém đi một tý. Còn khoản thưởng thì chưa kịp....tổng kết. Chán luôn với cơ chế độc quyền, bao bọc, nuôi dưỡng. Không hiểu mấy vị bên xăng dầu, điện định ''diễn'' với nhân dân đến bao giờ nữa?” - Đỗ Biên:  ksduybien@gmail.com

 

“Rất ‘vui’ vì sau đợt tăng giá này mình sẽ trở về thời kì sinh viên đạp xe đạp đi làm nhằm hạn chế chi tiêu cho xăng dầu. Lại còn nghe thêm ý tưởng nhập xe Tuk Tuk nữa chứ, thật là hay. Chán lắm cảnh các cơ quan quản lý thanh minh rồi. Nhìn qua xứ sở "kém hạnh phúc" hơn VN như Indonesia kìa, thu nhập bình quân của họ là 4.750 USD mà giá xăng là 4.500 rupiah/lit (10.200 VND) tính đến 29/3/2012. Vậy mà người dân đã lên tiếng phản đối tăng giá xăng lên 33% (tương đương 13.000VND) và cuối cùng thì Quốc hội Indonesia đã phải bác kế hoạch tăng giá.  Còn Việt Nam là một xứ sở hạnh phúc, thu nhập bình quân là 1.300USD và giá xăng đã tăng liên tục lên 23.650 đồng/lít mà người dân vẫn phải nhích từng chút trên đường đó… Dù sao cũng hãy cố vui lên, vì mình sống trong xứ sở hạnh phúc mà” - Trịnh Ánh Nhi:  anhnhi87@gmail.com

 

“Bạn này nói chuẩn! Các cơ quan chức năng hãy vào cuộc để giúp dân nghèo VN vì nước ta được mệnh danh là một đất nước hạnh phúc nhất thế giới mà. Nhưng các bạn nghĩ sao khi ở một số nước cũng trong khối ASEAN mà giá xăng lại chỉ bằng một nửa so với giá xăng hiện tại của Việt Nam, trong khi mức thu nhập bình quân đầu người của họ gấp 4 lần Việt Nam ta?...  Thử hỏi nếu mà các mặt hàng thiết yếu, gắn liền với đời sống nhân dân và rất nhạy cảm với tỷ lệ lạm phát, lại cũng cứ được để mặc sức độc quyền tăng giá, thì phần thiệt thòi sẽ còn dồn gánh nặng như thế nào lên người dân với bao thứ thuế/ phí chồng chéo nữa…” – Đặng Thị Hồng Nhung:  ngoctanghost@yahoo.com

 

Lật đi lật lại mọi khía cạnh liên quan tới hạnh phúc nhìn từ góc độ… xăng dầu, điều được Trần Đức Thế geomtran@gmail.com bày tỏ có thể coi như 1 chuẩn mới về niềm hạnh phúc nho nhỏ đang được nhiều người tiêu dùng gọi chung là "nhà nghèo" mơ tưởng: 

 

“Liên Bộ Tài chính – Công Thương nếu đồng ý thì cũng cần hỏi các bác xăng dầu xem từ giờ đến cuối năm phải tăng mấy lần nữa, mỗi lần là bao nhiêu nữa thì các bác ý mới có lãi? Sau đó cộng hết lại rồi duyệt một lần cho nó gọn, chứ lúc nào cũng thấy các bác ý kêu lỗ mãi, dân mệt quá!!! Kinh doanh lúc nào cũng lỗ, vậy mà cứ thấy họ kinh doanh mãi chứ có thấy bán nhà, bán xe đâu. Trái lại, chỉ thấy các bác ấy mua thêm nhà, thêm đất… thôi, đau hết cả đầu dân. Riêng em tới bây giờ công ty mới trả lương đến tháng 5, nên cứ nghe các bác đòi tăng giá xăng là lại thấy nhức hết cả đầu. Chắc nhà các bác ý còn có chỗ nào đó chưa được thật xịn nên họ còn chưa yên tâm, dù ngành xăng dầu ai chẳng biết là có mức lương cao gần nhất nước mình đó, phải không các bác”.

 

Dân mệt thì không sao, chứ các bác xăng dầu kêu lỗ mãi mà hết hơi thì cả nước chẳng phải chỉ còn cách chạy xe “căng hải” sao. Thôi đành chịu thua các DN xăng dầu, vì đến liên bộ chủ quản quyền lực như vậy mà còn bó tay với họ nữa là. Hạnh phúc liên quan tới... xăng dầu (và cả điện, gas...) vẫn còn là giấc mơ xa vời lắm với giới nhà nghèo chúng ta.

 

Kiều Anh